Những điều cần biết để tránh sang chấn khi tập Yoga
Gần đây, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đau kèm sang chấn vùng cổ và lưng do tập luyện thể thao, đặc biệt là Yoga.
Chị Lê Thị Yến (40 tuổi, ở Phú Thọ) tập Yoga tại nhà qua một khóa học online. Mặc dù đã được hướng dẫn khởi động trước khi vào bài tập nhưng chị chủ quan, bỏ qua bài tập khởi động. Sau 5 ngày tập, chị bị bong gân cổ chân và đau rút ở đầu gối mỗi khi vận động. Khi đi khám, bác sĩ cho biết, ngoài bong gân chị còn bị giãn dây chằng.
Tập Yoga được hơn 6 tháng, chị Minh Anh (36 tuổi, ở Thanh Hóa) bị đau vùng cổ, thỉnh thoảng lại có những cơn co rút từ vai bên trái lên đến vùng đầu, phía sau tai. Mới đầu, chị cho rằng mình mới tập bài nâng cao nên bị đau cơ nhưng mãi không khỏi, cổ cử động cứng hơn trước và đau nhiều hơn.
Chị đi khám thì được biết mình bị chấn thương vùng cổ do bị tác động trọng lượng lớn. Chị Minh Anh cho biết, chị đã thực hiện bài tập trồng cây chuối sai cách và để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn vào đầu, gây chấn thương cổ.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, khởi động là bước cơ bản mà bất kỳ môn thể thao nào cũng cần phải thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người lại bỏ qua phần này, dẫn đến việc các khớp xương và đốt sống chưa được khởi động để sẵn sàng cho việc luyện tập.
Ngoài ra, còn một số yếu tố liên quan gây ảnh hưởng đến quá trình luyện tập như: tự tập bằng việc xem video trên mạng, ép mình vào các tư thế gập người, uốn dẻo mà không quan tâm đến giới hạn của cơ thể, tuổi tác, độ mềm dẻo, sự thích nghi của cột sống.
Trường hợp này có thể gây ra những chấn thương nguy hiểm. Bác sĩ Việt Hà cũng khuyến cáo, việc tập luyện khi đói hoặc ngay sau khi ăn no là một điều tối kỵ trong Yoga nhưng còn khá nhiều người mắc phải. Các động tác vận động mạnh ngay sau khi ăn có thể gây ảnh hưởng xấu đến vùng nội tạng và hệ tiêu hóa.
Nếu luyện tập Yoga khi đang đói, cơ thể lúc này đang cạn kiệt năng lượng. Nếu vẫn cố tập thì có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết, dẫn đến choáng, thậm chí là ngất xỉu. Thời điểm lý tưởng để tập luyện Yoga là khoảng 2-3 giờ sau khi ăn.
"Mặc dù hít thở là hoạt động tự nhiên của cơ thể và chính xác là chúng ta không mấy khi quan tâm đến điều này. Tuy nhiên, hít thở trong Yoga lại là một kỹ thuật quan trọng mang tính chủ chốt. Việc hít thở trong Yoga cần được hướng dẫn tỉ mỉ từ các giáo viên", bác sĩ Việt Hà lưu ý thêm.
Trong Yoga có một quy luật của hít thở là "hít vào-phình bụng ra, thở ra-hóp bụng vào". Khi tập luyện Yoga cùng một động tác, người hít thở đúng cách sẽ dễ dàng điều khiển cơ thể, làm mềm các thớ cơ và hạn chế chấn thương hơn hẳn.
Nếu chỉ hít thở bằng ngực theo thói quen thì sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt và không thể giữ được tư thế lâu do thiếu oxy. Ngoài ra, việc chọn trang phục khi tập cũng rất quan trọng. Đơn giản, thoải mái là 2 yếu tố quan trọng khi lựa chọn trang phục tập Yoga.
Nếu trang phục quá rộng, có chứa những đồ trang trí có thể làm người tập cảm thấy vướng, giảm chất lượng buổi tập.