Những điều cần biết về Cuộc thi 'Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh' năm 2024
Cuộc thi được tổ chức để tìm kiếm, lựa chọn, trao giải nhằm tôn vinh các doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác/hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý có những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất các sản phẩm hữu cơ, sạch, tuần hoàn, thân thiện với môi trường…
Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024 (Cuộc thi) TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 (gọi tắt là Đề án 939).
Cuộc thi được tổ chức để tìm kiếm, lựa chọn, trao giải nhằm tôn vinh các doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác/hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý có những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mới, có mô hình kinh doanh mới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất hữu cơ, sạch, tuần hoàn, thân thiện với môi trường..., đáp ứng mục tiêu đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc: Bình đẳng, bao trùm, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ.
Cuộc thi cũng sẽ là sân chơi kết nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác, các cơ quan hữu quan hỗ trợ, đồng hành cùng các Dự án khởi nghiệp có khả năng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số… để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp của phụ nữ trên cả nước, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Ứng viên đạt giải trong Cuộc thi chung kết cấp vùng và toàn quốc sẽ có cơ hội nhận các giải thưởng bằng tiền mặt, các hoạt động tài trợ, hỗ trợ, đầu tư, kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của Dự án.
Quy định chung về cuộc thi
1. Đối tượng của Cuộc thi
- Đối tượng của Cuộc thi gồm: Phụ nữ, các tổ hợp tác/hợp tác xã/doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý (sau đây gọi chung là Ứng viên) có ý tưởng/sản phẩm/dịch vụ, dự án khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp (sau đây gọi chung là Dự án khởi nghiệp). Mô hình kinh doanh của Dự án khởi nghiệp hướng đến không gây ô nhiễm môi trường; không dùng hóa chất độc hại tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người trong trồng trọt, chăn nuôi; đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho nhiệt điện, năng lượng hóa thạch. Mục tiêu nhằm phát triển kinh tế đảm bảo bền vững cả về yếu tố kinh tế và môi trường.
- Đối tượng khuyến khích tham gia Cuộc thi: Phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn; phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp; phụ nữ khuyết tật; phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng; phụ nữ là vận động viên thể thao đã giải nghệ…
- Các yêu cầu khác:
+ Ứng viên là doanh nghiệp/hợp tác xã: Yêu cầu có thời gian thành lập không quá 05 năm tính từ ngày thành lập lần đầu đến ngày 31/3/2024.
+ Ứng viên là cá nhân: Là công dân có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Các đối tượng không được tham gia Cuộc thi:
+ Cán bộ công chức, viên chức, người đang trong thời gian thi hành án phạt tù, mất quyền công dân (trừ những trường hợp được cơ quan Công an đồng ý cho phép tham dự Cuộc thi); các tổ chức công lập; tổ chức phi chính phủ; tổ chức/doanh nghiệp nước ngoài.
+ Các tổ chức, cá nhân có Dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia Cuộc thi không đang trong quá trình thực hiện các giao kết/thỏa thuận với các đơn vị, tổ chức, nhà tài trợ khác mà có khả năng dẫn đến việc hạn chế sự tham gia, thực hiện các quy định, nghĩa vụ liên quan đến Cuộc thi này.
+ Các tổ chức, cá nhân có Dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia Cuộc thi đã đạt giải các Cuộc thi khởi nghiệp cấp quốc gia, quốc tế và Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp Vùng và Toàn quốc từ năm 2023 trở về trước.
+ Thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi và những người trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức Cuộc thi.
+ Trường hợp khác do Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định.
2. Các lĩnh vực của Cuộc thi
- Nông, lâm, ngư nghiệp;
- Công nghiệp, chế tạo sản phẩm;
- Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính;
- Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp;
- Kinh doanh tạo tác động xã hội;
- Các lĩnh vực khác có tiềm năng giúp giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như giảm thiểu phát thải các-bon ra môi trường; hạn chế phá rừng và sử dụng nhiên liệu hóa thạch...
3. Quyền lợi của Ứng viên tham gia Cuộc thi
- Các Ứng viên có Dự án khởi nghiệp được lựa chọn qua vòng Sơ loại cấp Vùng sẽ có cơ hội được tham gia các buổi đào tạo/tập huấn nâng cao về xây dựng, thuyết trình dự án và kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN các tỉnh, thành phố tổ chức.
- Các Ứng viên đạt giải thưởng Cuộc thi chung kết cấp Vùng sẽ nhận được cúp/kỷ niệm chương Cuộc thi cấp Vùng, giải thưởng bằng tiền mặt và được hỗ trợ truyền thông, giới thiệu về Dự án khởi nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Hội LHPN Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Trang thông tin điện tử của Hội LHPN các tỉnh, thành phố và các kênh báo chí truyền thông khác.
- Các Ứng viên đạt giải thưởng Cuộc thi Chung kết Toàn quốc sẽ nhận được cúp/kỷ niệm chương Cuộc thi Toàn quốc, giải thưởng bằng tiền mặt; được hỗ trợ truyền thông, giới thiệu về Dự án khởi nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Hội LHPN Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Trang thông tin điện tử của Hội LHPN các tỉnh, thành phố và các kênh báo chí truyền thông khác; có cơ hội nhận được sự tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực, ươm tạo, phát triển kinh doanh và kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển Dự án khởi nghiệp.
- Ngoài ra, các Ứng viên còn có cơ hội được nhận Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam do có thành tích trong thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" năm 2024.
Thời gian và quy trình tổ chức Cuộc thi (dự kiến):