Những điều cần biết về vụ sụp đổ của SVB
Vụ sụp đổ quá nhanh và bất ngờ của SVB là 'thảm kịch' ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ khi ngân hàng Washington Mutual tan rã vào năm 2008...
Vụ sụp đổ diễn ra hết sức chóng vánh, trong vòng chỉ 48 giờ đồng hồ, của Silicon Valley Bank (SVB) đã trở thành vụ đổ vỡ nhà băng lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ.
Cổ phiếu và trái phiếu SVB đồng loạt bị bán tháo sau khi ngân hàng này tuyên bố phải huy động thêm vốn do thua lỗ từ danh mục đầu tư chứng khoán và dòng vốn suy giảm. Nằm trong top 20 ngân hàng thương mại lớn nhất của Mỹ, SVB giờ đây nằm dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) vì mất khả năng thanh toán cho khách hàng rút tiền gửi.
Dưới đây là những điều cần biết về vụ sụp đổ của SVB, theo trang CNN Business:
SVB LÀ MỘT NGÂN HÀNG LỚN
Ra đời năm 1983, SVB là nhà cung cấp vốn vay cho khoảng một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc y tế có vốn đầu tư mạo hiểm ở Mỹ. Những công ty này đương đầu với thách thức lớn khi lãi suất tăng cao và dòng vốn đầu tư mạo hiểm suy cạn.
Dù ít được biết đến bên ngoài Thung lũng Silicon, SVB là một trong 20 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Mỹ. Vào thời điểm cuối năm ngoái, ngân hàng này có tổng tài sản 209 tỷ USD - theo FDIC.
Vụ sụp đổ quá nhanh và bất ngờ của SVB là "thảm kịch" ngân hàng lớn nhất ở Mỹ kể từ khi ngân hàng Washington Mutual tan rã vào năm 2008. Bi kịch bắt đầu vào ngày thứ Tư tuần trước, khi SVB tuyên bố đã bán một lô chứng khoán ở giá lỗ và sẽ bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để phục hồi bảng cân đối kế toán đang trong tình trạng thâm thủng.
NHÀ CHỨC TRÁCH HÀNH ĐỘNG NHANH CHÓNG KHÁC THƯỜNG
Cơ quan chức năng bang California đóng cửa SVB vào hôm thứ Sáu. FDIC trở thành đơn vị tiếp quản và xử lý các vấn đề của SVB. Ở cương vị này, FDIC sẽ thanh lý tài sản của SVB và hoàn tiền cho khách hàng của nhà băng này, bao gồm người gửi tiền và chủ nợ.
FDIC, một cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ chuyên nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng và giám sát các định chế tài chính, nói rằng từ ngày thứ hai, tất cả khách hàng có tiền gửi thuộc diện được bảo hiểm tại SVB sẽ được tiếp cận đầy đủ với tiền gửi của họ. Ngoài ra, FDIC cho biết sẽ thanh toán một “khoản cổ tức trả trước trong vòng tuần tới” cho người gửi tiền ngoài diện bảo hiểm tại SVB.
Việc FDIC tiếp quản SVB diễn ra ngay trong buổi sáng ngày thứ Sáu, thay vì đợi cho tới khi thị trường đóng cửa như các vụ tiếp quản ngân hàng khác mà cơ quan này từng thực hiện.
“Tình trạng của SVB xấu đi nhanh chóng đến nỗi ngân hàng không thể tồn tại thêm trong 5 giờ đồng hồ nữa. Đó là bởi khách hàng đến rút tiền mạnh đến mức độ khiến SVB mất thanh khoản. Một vụ đóng cửa ngân hàng vào giữa ngày là điều không thể tránh khỏi trong trường hợp một cuộc rút tiền ồ ạt kinh điển”, CEO Dennis M. Kelleher của Better Markets nhận định.
LÃI SUẤT CAO DẪN TỚI “CÁI CHẾT” CỦA SVB
Để chống lại lạm phát cao nhất 4 thập kỷ ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất mạnh tay và liên tục trong suốt 1 năm qua. Về lý thuyết, lãi suất tăng khiến cho việc người dân và doanh nghiệp vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, qua đó “hạ nhiệt” nền kinh tế và kéo lạm phát xuống.
Trong thời gian lãi suất ở Mỹ còn ở gần ngưỡng thấp kỷ lục, các ngân hàng đã mua nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài, loại tài sản được cho là có độ rủi ro gần như bằng 0. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, giá của những trái phiếu đó giảm xuống, khiến cho các ngân hàng nắm giữ những trái phiếu này ôm những khoản thua lỗ lớn trên giấy tờ, chưa được hiện thực hóa (unrealized loss).
Ngoài ra, lãi suất cao đặt ra trở ngại lớn đối với các công ty công nghệ, khiến giá cổ phiếu công nghệ tụt dốc và các doanh nghiệp này khó huy động vốn. Đối mặt với lãi suất tăng, hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngừng trệ, và dòng vốn ngày càng cạn, khách hàng của SVB - chủ yếu là các startup công nghệ - bắt đầu rút tiền khỏi ngân hàng này.
“Lãi suất cao cũng làm giảm giá trị của trái phiếu kho bạc Mỹ mà các chứng khoán khác mà SVB cần bán để trả tiền cho chủ nợ. Tất cả những yếu tố này cùng dẫn tới việc người gửi tiền ồ ạt tới rút, buộc FDIC phải tiếp quản SVB”, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s nhận định.
THIỆT HẠI SẼ LỚN
Khách hàng của SVB tại Mỹ có ít nhất 151,5 tỷ USD tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm ở ngân hàng này tính đến thời điểm cuối năm 2022 - theo báo cáo thường niên mới nhất của SVB. Tiền gửi của khách hàng nước ngoài đạt ít nhất 13,9 tỷ USD và cũng không được bảo hiểm.
Khách hàng doanh nghiệp có thể đã rút được một khoản lớn trong cuộc rút tiền ồ ạt khỏi SVB vào tuần trước, nhưng vẫn còn một lượng tiền gửi lớn bị đặt vào tình thế rủi ro. Chẳng hạn Roku gửi khoảng 487 triệu USD tại SVB, chiếm 26% trong tổng số 1,9 tỷ USD tiền mặt của công ty. Roku cho biết phần lớn số tiền gửi của công ty tại SVB thuộc diện không được bảo hiểm.
Công ty game Roblox và công ty cho vay tiền ảo đã phá sản BlockFi cũng là những khách hàng gửi tiền tại SVB.
ĐÂY ĐÃ PHẢI LÀ MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG HỆ THỐNG HAY CHƯA?
Hôm thứ Năm, nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng - tỷ phú Bill Ackman đã so sánh SVB với Bear Stearns - ngân hàng đầu tiên đổ vỡ trong những ngày đầu của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. “Rủi ro từ việc đổ vỡ và mất mát tiền gửi ở đây là sẽ có những ngân hàng có vấn đề về vốn khác bị rút tiền mạnh và sập theo. Những quân bài domino sẽ tiếp tục đổ xuống”, ông Ackman viết trên Twitter.
Sau SVB, vào ngày Chủ nhật, nhà chức trách Mỹ đóng cửa thêm một ngân hàng khác là Signature Bank - một ngân hàng lớn trong lĩnh vực tiền ảo. Những diễn biến này thổi bùng nỗi sợ hãi rằng lãi suất tăng nhanh cuối cùng đã bắt đầu gây ra những hệ quả to lớn đối với hệ thống tài chính Mỹ và thậm chí xa hơn nữa.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng sức khỏe của hệ thống tài chính Mỹ hiện nay tốt hơn nhiều so với cách đây 15 năm, và SVB “gặp hạn” chẳng qua bởi ngân hàng này phục vụ đối tượng khách hàng chuyên biệt. “Lý do khiến SVB đổ vỡ là bởi họ liên quan đến một số lĩnh vực cụ thể”, trong khi những ngân hàng khác có khách hàng đa dạng hơn nhiều - theo nhà kinh tế Jonas Goltermann của Capital Economics.
Dù vậy, việc 3 ngân hàng Mỹ liên tiếp “sập tiệm” trong vòng chưa đầy một tuần (trước SVB và Signature Bank là Silvergate Capital) khiến giới đầu tư không thể không lo lắng.
CÁC STARTUP CÔNG NGHỆ ĐIÊU ĐỨNG
SVB chủ yếu cho vay và nhận tiền gửi từ cộng đồng các startup công nghệ. Khi ngân hàng này đổ vỡ, các nhà sáng lập startup đang lo không thể rút tiền để trả lương cho nhân viên và trang trải các chi phí khác.
“Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. FDIC bảo hiểm cho số tiền gửi 250.000 USD, liệu tôi có thể lấy lại được toàn bộ số tiền gửi triệu USD của tôi không”, nhà sáng lập Ashely Tyrner của công ty giao hàng thực phẩm chăm sóc sức khỏe FarmboxRx nói.
CÁC NGÂN HÀNG KHÁC CÓ THỂ “VẠ LÂY”
Những ngân hàng tương tự như SVB rơi vào một tình thế nhiều rủi ro sau vụ đổ vỡ của SVB. Rõ ràng nhất là Signature Bank đã sập vào hôm Chủ nhật và được nhà chức trách California tiếp quản để ngăn chặn rủi ro hệ thống. Trước đó, vào hôm thứ Tư, Silvergate tự nguyện đóng cửa.
“Nói chung, toàn hệ thống ngân hàng Mỹ đang trong trạng thái tốt và có thể chống chọi được với những cú sốc lớn. Tôi cho rằng SVB là trường hợp đặc biệt vì đối tượng khách hàng khác biệt”, giáo sư tài chính Jens Hagendorff thuộc trường King’s College London nhận xét.
Tuy nhiên, nỗi lo của nhà đầu tư được phản ánh rõ nét qua diễn biến trên thị trường chứng khoán. Nhiều cổ phiếu ngân hàng như First Republic, Signature, Wester Alliance Bancorp và PacWest Bancorp đã có lúc bị tạm ngưng giao dịch trong phiên ngày thứ Sáu.
Cú giảm 23% của cổ phiếu Signature trong phiên ngày thứ Sáu đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ khi chào sàn. Cổ phiếu Signature và First Republic cùng có tuần mất giá tồi tệ nhất từ trước đến nay - theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data. Loạt cổ phiếu ngân hàng Citizen Financial Group, Comerica, Fifth Third Bancorp, Zions Bancorp và Charles Schwab Corp. đều giảm hơn 15% trong tuần trước.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-vu-sup-do-cua-svb.htm