Những điều cha mẹ cần dạy con trước khi trẻ 10 tuổi
Tất cả những hành vi của trẻ phần lớn đều hình thành thông qua việc giáo dục. Đặc biệt giai đoạn trước tuổi lên 10, đây là thời điểm quan trọng ảnh hưởng lớn tới nhân cách của trẻ sau này.
Do đó, cha mẹ cần lưu ý thời điểm này để đưa ra phương pháp giáo dục con phù hợp. Đặc biệt, trước 10 tuổi, cha mẹ nên dạy con những điều sau.
Thành thật với tất cả mọi người
Khi còn nhỏ, trẻ sẽ tiếp thu những hành động của mọi người xung quanh như một miếng bọt biển. Vì thế, nếu trẻ thấy cha mẹ mình đối xử với mọi người một cách thành thật, đàng hoàng, chúng cũng sẽ học theo. Đây chính là bài học tốt nhất cha mẹ có thể dạy cho con cái.
Thực tế với trẻ nhỏ, nói dối là cách để chúng tránh khỏi việc bị trừng phạt bởi một hành vi nào đó mà chúng biết là xấu. Do đó, cha mẹ cần cố gắng tiếp cận chuyện này một cách bình tĩnh, tạo cơ hội cho trẻ thành thật sau khi nói dối. Nếu trẻ tự nhận thức được hành vi của mình là sai, cha mẹ có thể đánh giá cao sự thành thật của chúng, ngay cả khi cha mẹ phải giải quyết hậu quả từ hành vi sai trái ấy của trẻ.
Cha mẹ luôn bên con bất cứ lúc nào
Nhiều người khi trưởng thành thường trở nên xa lánh bố mẹ, ít khi bộc lộ tình cảm. Điều này một phần do khi còn nhỏ, họ không được dạy cách chia sẻ, bày tỏ tình cảm với những người thân trong gia đình.
Trẻ nhỏ thường có rất nhiều tâm tư thầm kín. Để trở thành bạn của trẻ quả thực không dễ chút nào. Tuy nhiên, cha mẹ nên hiểu và tôn trọng trẻ, không nên tùy tiện động vào đồ của con và cho chúng thấy rằng, cha mẹ là những người con hoàn toàn có thể tin tưởng được thay vì tạo một hàng rào bằng việc la mắng hay nhiếc móc.
Đồng thời, cha mẹ cũng phải nói với con rằng: “Gặp phải những chuyện khó, ví như bị bắt nạt, tự thân con không giải quyết được thì nhất định phải nói với cha mẹ”.
Biết tò mò và dám đặt câu hỏi
Từ khi con 4 tuổi, cha mẹ thường xuyên nhận được những câu hỏi “Tại sao” như “Tại sao bầu trời lại có màu xanh?”. Lớn thêm một chút, trẻ bắt đầu hỏi những câu mang tính triết lý hơn, chẳng hạn như “Tại sao mọi người lại ghét nhau?”.
Thay vì phớt lờ những câu hỏi này, cha mẹ có thể gợi mở để cùng con suy nghĩ. Nuôi dưỡng tính tò mò là yếu tố quan trọng giúp trẻ trở nên chủ động, suy nghĩ nhanh, hài hước, nhiều kiến thức và sống tích cực hơn.
Cha mẹ chỉ đóng vai trò là người tạo ra môi trường để trẻ có thể phát triển, kích thích sự tò mò khám phá thế giới xung quanh.
Ngay cả khi cha mẹ đã quá biết câu trả lời cho một câu hỏi, nhưng hãy giảm bớt vai trò “cố vấn” của mình để cùng trẻ suy nghĩ để tìm ra câu trả lời.
Luôn lắng nghe, kể cả là quan điểm trái chiều
Từ khi còn học mẫu giáo, cha mẹ cần dạy cho trẻ cách biết lắng nghe những quan điểm đối lập.
Sự tôn trọng các quan điểm trái chiều có ý nghĩa lớn hơn khi trẻ lớn lên. Bởi lẽ, có những cách nhìn thế giới tương phản nhau mà tất cả đều có lý do chính đáng và có giá trị.
TS. Jana Mohr Lone, Giám đốc Trung tâm Triết học cho trẻ em tại ĐH Washington cho rằng: “Điều quan trọng nhất là trẻ phải hiểu rằng chúng có thể có quan điểm rất mạnh mẽ nhưng vẫn chấp nhận được một người khác có cách nhìn khác mình và cách nhìn ấy cũng rất có giá trị”.
Thấu hiểu cảm xúc của người khác
Khả năng thấu hiểu và kết nối với cảm xúc của người khác chính là nền tảng xây dựng các mối quan hệ bền chặt. Đó cũng là lý do tại sao sự đồng cảm thường lại là giá trị cốt lõi của mỗi gia đình.
Đối với TS. Ford, cô đã dạy cho con điều này thông qua các hành động cụ thể hơn. “Ví dụ, nếu cậu bé ném thứ gì đó trúng vào tôi, tôi sẽ thốt lên một câu như “Oái! Điều đó làm mẹ đau đấy” và đợi cậu bé đáp lại”.
Trong quá trình dạy về “sự đồng cảm” cho con trai mình, TS. Ford không yêu cầu cậu bé phải nói lời xin lỗi mà hướng dẫn cậu cảm thấy hành động của mình có tác động đến người khác. Ngoài việc xây dựng mối quan hệ với người khác, giá trị của sự đồng cảm còn góp phần giải quyết xung đột.
Thời Vũ(Theo Parents)