Những điều chỉ có ở đảo quốc sư tử
Rời khỏi sân bay Changi lúc 18h30, bầu trời quốc đảo Sư tử vẫn xanh thăm thẳm. Ánh nắng mặt trời của miền nhiệt đới như đổ mật ong lên những tán cây Raintree (loại cây có tán lá xòe như cái ô che mưa) và những em bé vẫn chầm chậm đạp xe dọc bãi biển...
Từ một làng chài hoang vu
Chúng tôi ăn tối xong lúc 19h30 thì trời mới xâm xẩm tối. Trước khi sang đây, những người quen của tôi đều bảo rằng, đi Sing chán lắm, đắt đỏ, toàn nhà là nhà, không có chỗ chơi, chỉ được cái sạch sẽ. Đến đây mới hay, sức mạnh của đất nước có diện tích chỉ xấp xỉ bằng Thủ đô Hà Nội (647,8km2; dân số hơn 3 triệu người) đang cố gắng thu hút khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới bằng cách cải thiện những mô hình dịch vụ và thay đổi nhận thức của các du khách nước ngoài.
Quả thật, nếu nói về các danh thắng ở Singapore thì chỉ quanh quẩn ở khu du lịch Sentosa, vườn chim Jurong, vườn thực vật, tháp hải sư, đồi Faber và những địa điểm du lịch này hoàn toàn không thể so sánh với những nơi tương tự ở các nước trong khu vực như cao nguyên Jenting, công viên Noong Nooch. Hơn nữa, các loại hình giải trí của Singapore cũng không mấy hấp dẫn khách du lịch, không có sòng bạc lớn như Malaysia, không có nhà hát của các vũ công chuyển giới như Pattaya, không có nhiều di tích như Bắc Kinh, không có Disneyland như Hồng Kông, mua sắm thì không rẻ và đa dạng như ở Trung Hoa đại lục… Tuy nhiên, hòn đảo nhỏ bé này lại có những nét riêng biệt mà nhiều quốc gia trên thế giới đang muốn học hỏi. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn đối với những đoàn khách du lịch đang ngày một gia tăng.
Singapore được coi là một trong những con rồng châu Á, là nước dẫn đầu châu Á về thương mại, du lịch và tài chính. Là một quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc giống như Malaysia (trên thực tế mới tách khỏi Malaysia từ năm 1965), người dân Singapore cũng có thể nói được 4 thứ tiếng khác nhau. Ngoài tiếng “mẹ đẻ” là tiếng Ấn, Mã Lai, Trung Quốc… các cư dân Singapore phải học chính khóa bằng tiếng Anh từ năm cấp 2 vì đây là ngôn ngữ hành chính của đất nước này. Vì thế ngay cả chú lái xe, cô phục vụ hay bà lao công cũng nói tiếng Anh làu làu chẳng kém người Anh gốc.
Ngay từ thời Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo tài ba này đã biết điểm yếu của đất nước mình nên tổ chức một cuộc thi sáng tác biểu tượng đất nước. Và hình tượng con hải sư nổi tiếng ra đời, mà tác giả của nó là một họa sĩ người Đức. Bây giờ, con hải sư xuất hiện ở khắp nơi trên đất Singapore. Trước cửa hàng, siêu thị đều có 2 con hải sư trắng ngoẹo cổ, thắt nơ đỏ. Cửa hàng to thì con sư tử biển to, cửa hàng nhỏ thì sư tử biển cũng nhỏ theo. Ngoài bờ sông Singapore, đối diện nhà hát hình trái sầu riêng có con hải sư phun ra nước. Trong công viên Sentosa có tháp hải sư cao bằng tòa nhà 11 tầng. Tối đến khách ngồi xem nhạc nước có thể nhìn thấy mắt và mồm nó lúc đỏ rực, lúc xanh lè được chiếu bằng ánh đèn laze.
Trong những cửa hàng bán đồ lưu niệm ngập tràn các sản phẩm mô phỏng hải sư như bật lửa, móc đeo chìa khóa, phù điêu, áo phông… Và dĩ nhiên du khách thi nhau chụp ảnh với hải sư, mua hải sư về làm quà. Điều đó làm nên một biểu tượng cả về văn hóa lẫn kinh tế cho Singapore. Một quốc gia nhỏ bé mới chính thức hình thành được 40 năm, hầu như không có bản sắc riêng biệt, không chăn nuôi, trồng trọt hay sản xuất và đến nước ngọt cũng phải nhập từ nước láng giềng Malaysia đã tạo nên hình tượng mới oai hùng cho mình qua chú hải sư. Tác giả của biểu tượng này đã rất thông minh khi sáng tạo hải sư dựa trên truyền thuyết lịch sử và vị trí địa lý của Singapore.
Trước đây Singapore chỉ là một làng chài hoang vu và một ngày nọ, vị hoàng tử người Indonesia trên đường đi săn bắn đã phát hiện ra mảnh đất tuyệt đẹp này. Sinh vật đầu tiên mà ông ta chạm trán là một con sư tử nên cái tên Singapura đã ra đời từ đó (Singa nghĩa là Sư tử và Pura là Thành phố). Nơi đây lại là bán đảo, một hải cảng nằm ở vị trí trọng yếu trên bản đồ quốc tế nên hải sư là sự kết hợp của biển và đất liền, của sự uyển chuyển và oai phong.
Thành phố trong nhà
Người ta nói rằng ở Singapore muốn gì cũng có, chỉ có một thứ khó kiếm, ấy là rác. Vẫn biết rằng Singapore là một thành phố sạch có tiếng nhưng phải cho đến khi mục sở thị tôi vẫn không tránh khỏi kinh ngạc. Quốc đảo nổi tiếng về điểm này vì nó sạch đồng đều, nói nôm na là sạch từ trong ra ngoài, sạch hơn cả những quốc gia nổi tiếng sạch sẽ như Thụy Điển và Phần Lan. Ở Bắc Âu, thi thoảng tôi vẫn thấy rác, dĩ nhiên là rác sạch như lá cây khô và tí nước bẩn ai đó vô tình để sánh ra, nhưng ở đây thì thậm chí không có cả bụi. Người ta có thể ngồi thoải mái ở bất kì một bậc thềm nào vì nó sạch y như trong nhà. Lá cây luôn xanh mướt màu sắc nguyên bản và ở những nơi công cộng như bến xe điện ngầm, sân bay, siêu thị… luôn có lao công chùi đi chùi lại sàn nhà.
Chính phủ Singapore hạn chế thuốc lá. Vì thế người ta chỉ được phép mang tối đa mỗi người một bao thuốc qua cửa khẩu vào Sing. Dân nghiền thuốc lá đành phải chấp nhận mua thuốc ở nước sở tại với giá cắt cổ, đổ đồng loại nào cũng như nhau là 10 đô Sing/bao. Và không phải chỗ nào cũng được phép hút thuốc lá. Đến đây người Sing sẽ nhắc bạn một điều rất dễ nhớ là, hễ khi nào thấy bầu trời xanh thì hãy châm lửa, nghĩa là việc hút thuốc ở những nơi công cộng trong nhà rất bị hạn chế. Thậm chí trường Đại học quốc gia Singapore còn cấm sinh viên hút thuốc trong khuôn viên trường. Nếu sinh viên nào bị bắt quả tang hút thuốc, lần đầu tiên sẽ bị gửi thư cảnh cáo, từ lần sau trở đi sẽ bị phạt từ 50-300 đô Sing/lần. Hai trường đại học còn lại cũng đang cố gắng tác động tư tưởng sinh viên bằng các bài nói chuyện và tư vấn thường xuyên về tác hại của thuốc lá.
Chỗ nào không trồng được cây thật thì họ làm cây giả. Thành thử đi đâu cũng mướt một màu xanh. Còn về vấn đề an toàn thì rõ rồi. Nếu như ở Rome, Paris hay Amsterdam ta phải giữ khư khư ví tiền khi đến những nơi công cộng thì ở Singapore có thể nói là thoải mái hơn, thậm chí cả khi đi dạo ở những khu trung tâm mua sắm đông đúc.
Khu vực mua sắm sầm uất nhất Singapore là phố Orchard với siêu thị lớn nhất là Ngee Ann City mà người Việt quen gọi đùa là “Nghệ An City”. Tuy trung tâm thương mại này lớn bằng một khu phố nhưng chỉ bán toàn đồ hiệu, còn siêu thị Lucky đối diện mới thực sự đông đúc hơn vì là một trong những nơi bán đồ rẻ nhất Orchard với các chủng loại đa dạng. Còn một siêu thị giá rẻ nữa ở khu Little India (khu người Ấn) nhưng hàng hóa xấu và bày biện chẳng khác nào chợ Đồng Xuân.
Khu trung tâm thương mại Suntex lại có không khí hoàn toàn khác. Nó hiện đại hơn với các tòa nhà cao của khối văn phòng. Suntex được xây dựng trên phần nền được lấn ra biển và chủ nhân của toàn bộ khu này là một người Hồng Kông. Đây là khu vực liên hoàn mà tôi gọi là “một thành phố trong nhà” khi bạn có thể đi từ khu này sang khu khác mà không cần phải ra ngoài trời vì nó có những đường nối bằng hầm ngầm, cầu vượt… Thậm chí khi đi bộ từ đây ra vịnh trong quãng thời gian nửa tiếng, tôi được một “thổ dân” Singapore gốc Việt dẫn đi hoàn toàn trên các nóc nhà, sân thượng của Suntex.
Người Singapore rất biết tận dụng diện tích, ngay dưới hầm cầu chỗ công viên hải sư (Merlion Park) người ta cũng mở một quán cà phê với tầm nhìn thoáng trông ra sông được thiết kế rất đẹp. Khu vực nhà thờ Thiên chúa giáo nổi tiếng Chijmes là một trong những điểm văn hóa của Singapore, nhưng đằng trước là nhà thờ, phía sân sau là cả một tổ hợp sàn nhảy, hộp đêm, bar, cà phê và restaurant với các cô gái ăn mặc sexy diễu qua diễu lại. Còn khi đứng trước một building, tôi có hỏi anh bạn người Việt cùng đi rằng, văn phòng kinh doanh gì mà toàn ghi bằng kí tự Arập. Anh ta bảo đấy là nhà thờ Hồi giáo Masjid Bencool. Các tín đồ làm lễ cứ làm lễ, người bên cạnh làm việc cứ làm việc, vì các phòng khác trong tòa nhà vẫn dùng để kinh doanh khách sạn, nhà hàng, văn phòng công ty. Có thể do thiếu đất, họ mua hoặc thuê luôn một căn để làm nhà thờ nhưng kiến trúc thì hiện đại hệt công sở.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-dieu-chi-co-o-dao-quoc-su-tu/819332.antd