Những điều kiện chính trong đàm phán giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột
Hiện các nhà ngoại giao Nga và Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với hy vọng nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột khiến nhiều người dân Ukraine và binh sỹ của cả 2 phía thiệt mạng.
Sau 3 tuần giao tranh dữ dội, cả Nga và Ukraine đều hiểu rằng một cuộc xung đột kéo dài sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào và một thỏa thuận hòa bình là điểu 2 nước mong muốn ở thời điểm này. Nhiều quan chức cấp cao cùng các nhà phân tích của phương Tây và Nga kỳ vọng, thỏa thuận hòa bình nếu có giữa các bên sẽ bao gồm việc thực thi lệnh ngừng bắn toàn diện, lập trường của Ukraine đối với NATO cùng nhiều vấn đề hóc búa khác, như cách thức và thời điểm quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine.
Những tín hiệu tích cực đã phát đi từ cả phía Nga lẫn Ukraine cho thấy tiến trình đàm phán của hai nước đang có những chuyển biến rõ rệt và đi vào trọng tâm. Tia hy vọng vẫn được nhen nhóm bất chấp Moscow tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự và Kiev kiên quyết chống trả, cùng với đó là cuộc khẩu chiến giữa Nga và Mỹ.
Hiện, dư luận quốc tế đang hồi hộp theo dõi các cuộc đàm phán Nga-Ukraine và đưa ra đánh giá về các điều khoản có thể xuất hiện trong một thỏa thuận hòa bình tiềm năng.
Trước hết là cơ chế trung lập
Theo những nguồn tin quen thuộc với các cuộc hòa đàm, điều quan trọng nhất của thỏa thuận là cơ chế trung lập về quân sự của Ukraine. Theo đó, Ukraine sẽ từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, không đặt bất cứ căn cứ quân sự hoặc khí tài quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ nước này, chấp nhận trở thành một quốc gia trung lập như Áo hoặc Thụy Điển. Ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Nga cho biết: “Ukraine đang đưa ra một phiên bản trung lập tương tự như Áo hoặc Thụy Điển, phi quân sự nhưng có quân đội và lực lượng hải quân riêng”.
Đối với Nga, cam kết theo đuổi cơ chế trung lập của Ukraine có lẽ là yêu cầu tối quan trọng. Việc đảm bảo cam kết này trong bất cứ thỏa thuận nào cũng có thể giúp giảm bớt những lo ngại của Nga về mối đe dọa an ninh ngay sát sườn, đặc biệt là trước khả năng Kiev có thể trở thành thành viên NATO.
Ukraine có thể gia nhập EU
Benjamin Haddad, giám đốc cấp cao của Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, điều mà Ukraine có thể đánh đổi là từ bỏ giấc mộng gia nhập NATO để đổi lấy cơ hội hội nhập với Liên minh châu Âu. Thụy Điển và Áo – 2 hình mẫu về cơ chế trung lập dù đứng ngoài NATO nhưng đều là là thành viên của EU. Song vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Putin có chấp nhận một thành viên EU tồn tại trước ngưỡng cửa của Nga hay không.
Benjamin Haddad, giám đốc cấp cao của Trung tâm Châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nói: “Nga từng tuyên bố không chấp nhận Ukraine gia nhập EU hoặc NATO. Nhưng nếu Ukraine có thể tách rời điều này, nói rằng họ chấp nhận đánh đổi sự đảm bảo quân sự để lấy sự đảm bảo về kinh tế thì họ có thể bắt đầu quá trình tới EU. Trước chiến tranh, điều này rất khó chấp nhận với Nga nhưng hiện giờ tình hình đã khác”.
Ukraine cần sự đảm bảo an ninh của phương Tây
Tiếp theo là việc Ukraine cần sự đảm bảo an ninh của phương Tây. Đối với Ukraine, cam kết trung lập có thể sẽ đi kèm với điều khoản cần được Nga chấp nhận đó là các cường quốc phương Tây sẽ hỗ trợ họ nếu Ukraine bị đe dọa về an ninh. Đây là điểm mấu chốt đối với Nga, vì điều đó sẽ cho phép một số quốc gia khác, ngoại trừ NATO được tham gia vào kế hoạch phòng thủ tương lai của Ukraine. Một cách thức để điều khoản này trở nên khả thi hơn là Nga có thể giới hạn danh sách những loại vũ khí mà Ukraine được quyền sở hữu.
Nga muốn công nhận quy chế của Crimea, Lugansk và Donetsk
Sau khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ bởi phong trào biểu tình trong nước vào tháng 2/2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời hỗ trợ phong trào ly khai ở khu vực Donbass, nơi chủ yếu người dân nói tiếng Nga. Đến tháng 4/2014, phe ly khai thân Nga giành quyền kiểm soát một số khu vực ở miền Đông, tự xưng là Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR). Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin chính thức công nhận nền độc lập của 2 khu vực này. Như một điều kiện chấm dứt xung đột, Nga có thể yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận độc lập cho DPR cũng như LPR. Tuy vậy, Ukraine từng tuyên bố không chấp nhận điều khoản này.
Ông Podalyak – thành viên thuộc phái đoàn đàm phán của Ukraine đề nghị tách biệt vấn đề này, có nghĩa là nó có thể được thảo luận trong một bối cảnh khác giữa Moscow và Kiev sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn cụ thể.
Nga rút quân
Ukraine có thể yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ nước này và chấm dứt chiến dịch quân sự. Vẫn chưa rõ Nga sẽ rút quân ở mức độ nào vì Moscow đã công nhận biên giới của các khu vực ly khai kéo dài tới những thành phố phía Nam như Mariupol hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Ông Podolyak khẳng định rằng “quân đội Nga, trong mọi trường hợp, cần phải rời khỏi lãnh thổ Ukraine” ám chỉ những khu vực đã bị Nga giành quyền kiểm soát từ miền nam đến miền bắc và miền đông Ukraine. Do đó, cuộc chiến giành Mariupol có thể rất quan trọng trong việc định hình phiên bản cuối cùng của thỏa thuận hòa bình.
Không dễ đồng thuận
Giới phân tích cho rằng, Nga và Ukraine khó có thể tiến tới việc đạt được thỏa thuận hòa bình một cách nhanh chóng. Sự ngờ vực và khác biệt về mục tiêu của mỗi bên là những yếu tố khiến các cuộc đàm phán gặp nhiều thách thức.
Tiến sĩ Domitilla Sagramoso - chuyên gia về chính sách an ninh và đối ngoại của Nga tại Đại học Kings College London nhận định, những vòng đàm phán vừa qua đã giúp đặt nền móng cho việc tìm kiếm thỏa thuận nhưng thế bế tắc vẫn chưa được phá vỡ. "Thật tốt khi có những cuộc đàm phán nhưng đó mới chỉ là giai đoạn đầu. Hy vọng sẽ sớm có một bước đột phá”, nhà phân tích Sagramoso nói./.