Những điều kiện để người lao động được nghỉ hưởng lương hưu trước tuổi

Việc xác định điều kiện nghỉ hưu và tính mức hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi đời, giới tính, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, chức danh nghề, công việc, tình trạng sức khỏe…

Người lao động nhận lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.

Người lao động nhận lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.

Nhiều người lao động quan tâm về việc muốn nghỉ hưu sớm trong năm 2024 thì cần điều kiện gì, được hưởng bao nhiêu phần trăm lương hưu và cần làm những thủ tục gì để hưởng chế độ.

Trả lời về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết về điều kiện tuổi nghỉ hưu, hiện nay thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 tuổi, so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.

Có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn tối đa 10 tuổi, so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và thêm một trong các điều kiện sau: Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Người lao động không bị quy định giới hạn về tuổi đời khi đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Về cách tính mức lương hưu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết mức hưởng lương hưu hằng tháng quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ (đối với người có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc) như sau:

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng, nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó, về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với người lao động nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi: Đối với lao động nam được tính 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội; nữ được tính 45% tương ứng với 15 năm đóng.

Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, cả lao động nam và nữ được tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội: Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, để tính lương hưu đối với người lao động có thời gian làm việc thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ trước ngày 1/1/1995 như sau:

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này, và tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội quy định như sau: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ mỗi năm đóng cao hơn, thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc xác định điều kiện nghỉ hưu và tính mức hưởng lương hưu hằng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi đời, giới tính, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, chức danh nghề, công việc, tình trạng sức khỏe, địa bàn làm việc…

Hồ sơ hưởng lương hưu

Theo Khoản 1 Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Sổ bảo hiểm xã hội; Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 của Luật này, hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 của Luật này.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-dieu-kien-de-nguoi-lao-dong-duoc-nghi-huong-luong-huu-truoc-tuoi.htm