Những điều 'kỳ lạ' trong thảm kịch máy bay Hàn Quốc

Các chuyên gia nhận định giới chức Hàn Quốc nên nghiêm túc suy xét về bức tường bê tông bị máy bay Jeju Air gặp nạn đâm phải hôm 29-12.

Chuyến bay mang số hiệu 7C2216 của Jeju Air gặp nạn tại sân bay Muan hôm 29-12 khi đáp bằng bụng, trượt dọc theo đường băng với tốc độ cao rồi đâm vào tường và bốc cháy.

Ông David Learmount - chuyên gia về an toàn hàng không - chia sẻ việc va chạm với bức tường hỗ trợ hệ thống dẫn đường ở cuối đường băng là “khoảnh khắc quyết định” trong thảm kịch này.

“Không chỉ không có lý do chính đáng (để xây bức tường ở đó), tôi cho rằng việc đặt bức tường tại đó ngang bằng một hành động phạm pháp”, ông Learmount nói, ám chỉ sự vô trách nhiệm với tính mạng con người.

Thảm kịch hàng không Hàn Quốc: Chuyên gia đặt dấu hỏi về giả thuyết va chạm với chim

Nạn nhân lẽ ra đã sống sót?

Ông Learmount tin các nạn nhân có cơ hội thoát chết sau khi phi công đưa máy bay xuống đất dù ở tốc độ cao. “Phi công đã hạ cánh rất đẹp trong hoàn cảnh này, họ đang bay rất nhanh nhưng máy bay vẫn còn nguyên vẹn khi trượt trên mặt đất” - ông nói.

Khi tới cuối đường băng và va chạm với tường, máy bay gần như bị phá hủy ngay lập tức. “Loại cấu trúc kiểu này không nên xây ở đó. Thật kinh khủng, thật khủng khiếp, không thể tin được” - vị chuyên gia nói thêm.

Sân bay quốc tế Muan mở cửa vào năm 2007. Bản đồ vệ tinh cho thấy bức tường bê tông nằm ở đầu phía Nam của đường băng gần hàng rào trong nhiều năm. Bức tường này chứa hệ thống hỗ trợ phi công hạ cánh vào ban đêm hoặc khi tầm nhìn kém. Tại hầu hết sân bay, những hệ thống này được đặt trong những cấu trúc thu gọn.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy bức tường bê tông đứng ở đầu phía nam của đường băng gần hàng rào trong nhiều năm. Ảnh: Sky News

Hình ảnh vệ tinh cho thấy bức tường bê tông đứng ở đầu phía nam của đường băng gần hàng rào trong nhiều năm. Ảnh: Sky News

“Tôi chưa từng chứng kiến việc đặt một vật cứng cách đường băng khoảng dưới 200m” - ông Learmount nhận định nếu không va chạm với tường, máy bay có thể đâm xuyên hàng rào, băng qua đường và dừng lại một cánh đồng.

"Có đủ không gian cho máy bay giảm tốc, dừng lại. Các nạn nhân có khả năng thoát nạn, còn phi công có thể bị thương vì hàng rào an ninh hoặc vật gì đó tương tự" - ông Learmount nói.

Bà Sally Gethin - một chuyên gia hàng không khác - cũng lo ngại về vị trí của bức tường nhưng không cho rằng mọi người đều sống sót. Bà Gethin phán đoán máy bay “vẫn duy trì tốc độ, nên ngay cả khi có nhiều không gian hơn ở cuối đường băng thì vẫn có thảm họa”.

Trong khi đó, Geoffrey Thomas - biên tập viên Airline News - đặt câu hỏi: “Tại sao lính cứu hỏa không có mặt khi máy bay hạ cánh? Tại sao lại có một bức tường ở cuối đường băng?”.

Ông Joo Jong-wan - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc - khẳng định chiều dài 2.800 m của đường băng không phải nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn và các bức tường ở hai đầu đường băng được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành hàng không.

Theo Yonhap, bức tường này nằm cách điểm cuối đường băng 250 m, cao 2 m (nếu tính cả thiết bị định vị gắn trên đó thì cao 4 m)

Những dấu hiệu lạ trong giả thuyết va chạm với chim

Trong khi đó, các nhân chứng đã nhìn thấy rất nhiều chim xung quanh đường băng ngay trước khi vụ tai nạn xảy tới.

Tháp kiểm soát không lưu đã cảnh báo phi công về khả năng va chạm với chim. Một phút sau, máy bay phát tín hiệu khẩn cấp. Khi cố hạ cánh lần 2 vào 9 giờ 3 phút, bánh đáp của máy bay không hoạt động.

Khoảnh khắc máy bay va chạm với bức tường bê tông. Ảnh: Sky News

Khoảnh khắc máy bay va chạm với bức tường bê tông. Ảnh: Sky News

Theo các phi công, có khả năng ít nhất một động cơ không hoạt động và máy bay bị hỏng thủy lực sau khi va chạm với một con chim. Trong lần thứ 2, các phi công đã hạ cánh xuống đường băng với tốc độ cao nhưng không mở rộng cánh tà và phanh. Bộ đảo chiều lực đẩy, thiết bị dùng để giảm tốc khi đáp đất, dường như chỉ hoạt động trên một động cơ.

Cơ trưởng Denys Davydov - người lái Boeing 737-800 cho hãng hàng không Ukraine International Airlines - nhận định: “Có vẻ họ triển khai hệ thống thủy lực cho bộ đảo chiều lực đẩy, nhưng lại không có cánh tà hoặc bánh đáp. Với tư cách một phi công lái cùng dòng máy bay, tôi thấy rất kỳ lạ”.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, va chạm với chim không làm hỏng bánh đáp. “Tôi chưa bao giờ thấy một vụ va chạm với chim lại cản trở việc bung bánh đáp” - chuyên gia về an toàn hàng không Geoffrey Dell cho biết.

Tuy nhiên, bà Gethin nói cú va chạm với chim có thể khiến động cơ và hệ thống thủy lực bị hỏng. Do đó, đây là “lời giải thích hợp lý” về việc bánh đáp bị hư hại, nên các phi công phải đưa ra “những quyết định rất nhanh chóng” trong trường hợp này.

Còn theo Marco Chan - giảng viên cao cấp về hàng không tại Đại học Buckinghamshire New, bằng chứng cho thấy máy bay đối mặt với đàn chim "dẫn đến nghi ngờ động cơ hút phải chim”.

Phương Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-dieu-ky-la-trong-tham-kich-may-bay-han-quoc-196241230152004336.htm