Video: Những điều kỳ thú ở "làng cá voi".
Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch được biết đến là một trong tám ngôi làng nổi tiếng từ xưa (bát danh hương) của tỉnh Quảng Bình với gần 400 năm lịch sử.
Nơi đây còn được biết đến là “làng cá voi" từ trăm năm qua. Người dân xã Cảnh Dương thờ phụng 2 bộ xương cá voi có kích thước “khủng”, họ tôn kính gọi là đức Ông, đức Bà.
Hai bộ xương cá voi khổng lồ được thờ tại Ngư Linh miếu, xã Cảnh Dương.
Theo gia phả của một dòng họ lớn ở Cảnh Dương, 2 bộ xương cá voi khổng lồ này có thể đã được thờ phụng hàng trăm năm. Cụ thể, gia phả Tây Trung Họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây gia phả) có đoạn viết: "Năm Kỷ Tỵ (1809), đời Gia Long thứ 9, Đức Bà vào, các dòng họ trong làng tổ chức đón linh đình. Năm Đinh Mùi (1907), đời Duy Tân thứ 16, Đức Ông vào, các dòng họ tổ chức đón linh đình".
Theo bậc cao niên ở xã Cảnh Dương, 2 bộ xương cá voi có chiều dài khoảng 26m, được xếp vào những bộ hài cốt cá voi lớn nhất Việt Nam. Bên trong ngôi miếu thờ 2 bộ xương cá voi được đặt trên sạp gỗ.
Trên sạp gỗ có nhiều xương sườn, xương đốt sống, xương ống, xương hình cánh quạt của cá voi, đặc biệt có 4 thanh xương hình cánh cung, đặt dựng vào tường, cao hơn 4m.
Ông Hồ Quang Hường, Phó Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương cho biết, hai bộ xương cá voi được bao đời người dân Cảnh Dương bảo quản cẩn thận. Trải qua thời gian, ảnh hưởng trong chiến tranh và nhiều lần bị mất trộm nên 2 bộ xương còn lại không nhiều.
“Phần lớn người dân Cảnh Dương hàng trăm năm nay làm nghề đánh bắt hải sản, xem Ngư Linh Miếu là linh hồn của người dân xứ biển. Vì vậy, Ngư Linh Miếu thờ đức Ông, đức Bà luôn hương khói, thờ phụng, cầu mong đánh bắt thuận buồm, xuôi gió", ông Hồ Quang Hường cho biết. (Ảnh chụp Lễ hội cầu ngư vào Rằm tháng Giêng hằng năm, được người dân Cảnh Dương tổ chức tại Ngư Linh Miếu).
Ở xã biển Cảnh Dương còn có một khu nghĩa địa dành riêng để an táng và thờ phụng hàng chục "cá ông", "cá bà" chết rồi dạt vào bờ biển (người dân hay gọi là cá voi lụy bờ).
Từ một khu mộ nhỏ, theo thời gian có nhiều cá voi chết dạt vào nên người dân đã đóng góp rồi xây dựng thành nghĩa địa trang nghiêm làm nơi thờ phụng, cúng viếng.
Hiện, nghĩa địa cá voi có 24 ngôi mộ, trong đó có 18 ngôi mộ đã được xây cất và lắp đặt bia mộ, 6 ngôi mộ còn lại do mới chôn cất nên đang được đắp bằng cát biển.
Những ngôi mộ được xây không khác gì những ngôi mộ của người, trước mỗi bia mộ đều có bát nhang. Trên bia mộ ngư dân khắc tên cá do dân làng đặt và thông tin về ngày, tháng cá "lụy' bờ.
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, tục an táng cá voi tại Cảnh Dương đã có từ rất lâu đời. Ngư dân coi cá voi là vị thần hộ mệnh cho họ giữa biển khơi, giúp họ có những chuyến đi an toàn, may mắn. Việc mai táng và thờ cúng cá voi được tổ chức trọng thể như một cách đền ơn đáp nghĩa của ngư dân.
Hùng Trần