Những điều nên biết về Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Hôm nay, hơn 887.000 thí sinh cả nước đã hoàn tất thủ tục dự thi. Ngày mai (25-6), các em học sinh cấp 3 sẽ bước vào kì thi THPT Quốc gia 2019 với môn thi đầu tiên là Ngữ Văn. Trước kì thi đặc biệt của cuộc đời này, rất nhiều phụ huynh và học sinh đã đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám để cầu may, đỗ đạt. Cùng tìm hiểu lịch sử của quần thể di tích này.
Lịch sử hình thành Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long được xây dựng vào cuối thế kỉ XI gồm: Văn Miếu được thành lập vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, để thờ Khổng Tử và các nhà Nho của đất nước, là nơi học tập của Hoàng Thái Tử; Quốc Tử Giám (trường học đầu tiên của nhà nước) được xây dựng vào năm 1076, là nơi để các văn thần, con cháu hoàng tộc học tập.
Dưới thời nhà Lý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa được triều đình thực sự coi trọng. Việc giáo dục còn sơ sài, mặc dù mục đích xây dựng là để tôn vinh ông tổ Nho giáo, nhưng Nho giáo và những người theo nho học thời kì này vẫn chưa có chỗ đứng.
Sau đó dưới thời Trần, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được quan tâm, trùng tu sửa chữa. Triều đình rất chú trọng đến việc tuyển chọn người tài phục vụ đất nước và các Tư nghiệp Quốc Tử giám (chuyên trách việc dạy học). Ở thời kỳ này, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thực sự trở thành trung tâm giáo dục cao nhất của đất nước, đào tạo bài bản và quy củ, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính.
Hơn 900 năm hoạt động, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành nơi tham quan cho du khách trong và ngoài nước, và là nơi tổ chức các hoạt động khen tặng học sinh xuất sắc, tổ chức hội thơ vào tháng giêng. Học sinh đến đây “cầu may”, xin chữ “đỗ đạt”, “đăng khoa” trước các kì thi quan trọng.
Kiến trúc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở trung tâm Hà Nội. Phía Nam là cổng chính thuộc phố Quốc Tử Giám, phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu. Quần thể kiến trúc bao gồm: Khu ngoại tự gồm: Hồ Văn và vườn Giám, khu nội tự gồm: Khu Nhập đạo, khu Thành Đạt, khu vườn bia Tiến sĩ, khu Đại Thành, khu Thái Học. Toàn bộ kiến trúc hiện nay là kiểu kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn, với bốn bức tường gạch Bát Tràng bao quanh.
Khu ngoại tự bao gồm Hồ Văn và vườn Giám. Hồ Văn nằm ở phía trước Văn Miếu và bị ngăn cách với nội tự bởi phố Quốc Tử Giám. Vườn Giám chạy dọc bờ tường bên phía Tây của khu nội tự. Ngoài ra còn có Tiền án là khoảng không gian mở ra phía trước. Khu này được bắt đầu bằng tứ trụ (nghi môn) và hai bia Hạ mã hai bên.
Khu nội tự được chia thành 5 khu nhỏ, mỗi khu được giới hạn bởi các tường gạch, có các cửa thông nhau, một cửa chính giữa và 2 cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là:
1. Khu Nhập đạo: Chính giữa khu Nhập đạo có đường Thần đạo dẫn đến cổng Đại Trung vào khu thứ hai ngày nay gọi là khu Thành Đạt.
2. Khu Thành Đạt: được bắt đầu bằng cổng Đại Trung, hai bên có hai cổng nhỏ: Thành Đức và Đạt Tài (ý nghĩa: đào tạo con người vừa có đức vừa có tài).
3. Khu vườn bia Tiến sĩđược tiếp nối bởi gác Khuê Văn với 2 cổng nhỏ Súc Văn và Bí Văn. Đi qua Khuê Văn Các là vào khu vườn bia Tiến sĩ. Chính giữa khu thứ ba và một chiếc giếng vuông có tên gọi là Thiên Quang tỉnh (giếng ánh sáng trời).
4. Khu Đại Thành: Đây là là khu vực chính thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, Tiên nho, bao gồm điện Đại Thành, nhà Bái Đường, hai dãy Đông vu, Tây vu và sân Đại bái.
5. Khu Thái Học: Gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống được xây dựng trên nền đất xưa của trường Quốc Tử Giám.
Bia tiến sĩ: Di tích quý giá của lịch sử Việt Nam
Qua tìm hiểu 82 bia tiến sĩ, các nhà sử học có thể tìm thấy những tư liệu về lịch sử giáo dục, những tên tuổi gắn bó với lịch sử dân tộc (quê quán, danh tính, triều đại). Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu triết học cũng có thể tìm thấy ở đây những chứng cứ để xác định vai trò của Nho giáo ở Việt Nam.
Những tư liệu được khắc trên bia có hệ thống liên tục, ít nhất cũng trong vòng 3 thế kỷ (từ 1484 tới 1780). Các nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nghệ sĩ tạo hình có thể từ những hình dáng bia, rùa, hoa văn và các mô típ chạm khắc trên bia mà tìm ra tinh hoa của nghệ thuật dân tộc để phát huy, áp dụng vào những sáng tạo hiện đại.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-dieu-nen-biet-ve-van-mieu-quoc-tu-giam/815317.antd