Những điều nên và không nên khi giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn

Khoảnh khắc nhà tuyển dụng nói 'Hãy giới thiệu một chút về bạn' giống như lời mở đầu nhẹ nhàng nhưng đây là một trong những phần quan trọng nhất của cuộc phỏng vấn.

Ấn tượng đầu tiên rất mạnh mẽ và câu trả lời của bạn sẽ tạo không khí cho mọi thứ sau đó. Vậy bạn nên và không nên nói điều gì khi giới thiệu bản thân?

Nên bắt đầu bằng một bản tóm tắt ngắn gọn, tập trung vào các điểm nổi bật trong CV

Thay vì liệt kê dài dòng về quá khứ, việc lựa chọn những thành tựu, kỹ năng và kinh nghiệm nổi bật có liên quan đến vị trí ứng tuyển sẽ giúp bạn dễ dàng thể hiện được giá trị cốt lõi mà mình mang lại cho công ty.

Theo các chuyên gia nhân sự của trang tuyển dụng CareerLink.vn, điều này không chỉ cho thấy bạn là người biết cách giao tiếp hiệu quả mà còn giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng hiểu được sự phù hợp của bạn với công việc mà họ đang tìm kiếm. Giới thiệu ngắn gọn còn giúp bạn duy trì sự tự tin, tránh lạc đề và làm chủ cuộc trò chuyện từ đầu.

Ví dụ: “Em là Nguyễn Văn A và em đã có 3 năm làm việc trong lĩnh vực marketing, đặc biệt là về nội dung số và quản lý mạng xã hội. Trong vai trò gần đây, em phụ trách xây dựng chiến lược nội dung cho fanpage và giúp tăng lượt tương tác lên 40% trong 6 tháng. Em là người chủ động, thích học hỏi và luôn cố gắng tạo ra giá trị rõ ràng qua từng dự án mình tham gia. Với vị trí lần này, em hy vọng có thể áp dụng tốt những kinh nghiệm đó để đóng góp vào hiệu quả truyền thông của công ty”.

Đừng đọc lại toàn bộ CV của bạn

Việc lặp lại toàn bộ CV thực sự không cần thiết và có thể làm mất thời gian. Nhà tuyển dụng đã có bản CV của bạn rồi, nên thay vì chỉ đọc lại những gì đã có, bạn nên chọn lọc những điểm mạnh và kinh nghiệm nổi bật để làm nổi bật khả năng phù hợp của mình với công việc.

Lặp lại quá nhiều thông tin có thể khiến bạn trở nên thiếu tự tin hoặc gây cảm giác thiếu sự chuẩn bị. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc liên kết các kỹ năng và thành tựu của mình với yêu cầu của công ty, để nhà tuyển dụng dễ dàng nhận thấy giá trị bạn có thể mang lại ngay từ những phút đầu tiên.

Đây là ví dụ về những gì bạn cần tránh “Em tốt nghiệp năm 2020, sau đó làm việc tại ABC trong một năm, sau đó làm việc tại XYZ trong hai năm, sau đó em chuyển đến,…”.

Nêu bật một hoặc hai thành tích mà bạn tự hào

Đừng chỉ liệt kê những công việc bạn đã làm. Để tạo ấn tượng tốt, bạn nên đề cập đến 2-3 thành tích nổi bật đã đạt được. Chia sẻ điều này cho thấy bạn là người có khả năng đạt được kết quả thực tế và có đóng góp rõ ràng, giúp nhà tuyển dụng dễ dàng hình dung bạn sẽ mang lại giá trị gì cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc nêu bật các thành tích quan trọng sẽ giúp bạn tránh lan man, giữ cuộc trò chuyện súc tích và tập trung vào những điểm mạnh mà bạn muốn nhấn mạnh.

Bạn có thể nói như thế này: “Trong công việc trước đây, em đã lãnh đạo một nhóm nhỏ để cải tiến các chiến dịch tiếp thị qua email, giúp tăng tỷ lệ mở lên 30% trong ba tháng. Thực hiện nhiều chiến dịch như thế này, em nhận ra rằng mình thực sự thích công việc dựa trên dữ liệu có tính sáng tạo”.

Đừng chia sẻ quá nhiều về cuộc sống cá nhân của bạn

Trong buổi phỏng vấn, việc chia sẻ quá nhiều về cuộc sống cá nhân có thể khiến bạn đánh mất trọng tâm và làm loãng thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Nhà tuyển dụng chủ yếu quan tâm đến việc bạn có phù hợp với công việc và văn hóa công ty hay không, chứ không phải bạn nuôi mấy con mèo hay thích đi phượt mỗi cuối tuần.

Tất nhiên, trở nên thân thiện, dễ gần là tốt nhưng nếu bạn tập trung quá nhiều vào đời sống riêng tư, người nghe có thể cảm thấy bạn chưa thực sự hiểu rõ mục tiêu của buổi phỏng vấn. Tốt nhất là nên giữ phần chia sẻ cá nhân ở mức vừa phải và chỉ đưa vào nếu điều đó có liên quan đến công việc hoặc giúp làm nổi bật điểm mạnh của bạn.

Thể hiện cá tính và sự chuyên nghiệp

Thể hiện một chút tính cách (miễn là phù hợp với phong cách của công ty) có thể khiến bạn được nhớ đến nhiều hơn, trong khi sự chuyên nghiệp thể hiện bạn là người nghiêm túc, biết cách giao tiếp phù hợp với môi trường làm việc. Sự kết hợp này cho thấy bạn không chỉ có năng lực mà còn có khả năng hòa nhập và làm việc hiệu quả trong tập thể.

Nhà tuyển dụng không chỉ tuyển người có kỹ năng phù hợp mà còn quan tâm đến phong cách làm việc và thái độ của ứng viên. Vì vậy, những câu giới thiệu như “Em là người thích làm việc trong môi trường có nhịp độ nhanh và giải quyết tốt vấn đề. Ngay cả ngoài công việc, em cũng không để một câu đố khó nào không được giải đáp”, sẽ nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.

Khiêm tốn nhưng đừng hạ thấp bản thân mình

Nhiều người cố tỏ ra khiêm tốn bằng cách hạ thấp kinh nghiệm của mình nhưng trong một cuộc phỏng vấn, những câu như “Em thực sự không có nhiều kinh nghiệm, nhưng em sẽ cố gắng hết sức” hoặc “Em không chắc mình có phù hợp không, nhưng em muốn thử”, chỉ khiến bạn có vẻ không tự tin.

Sự khiêm tốn luôn là điểm cộng vì nó cho thấy bạn là người biết lắng nghe và sẵn sàng học hỏi. Tuy nhiên, quá khiêm tốn đến mức hạ thấp bản thân lại có thể khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về năng lực thật sự của bạn. Thay vào đó, hãy trình bày thành tích một cách rõ ràng, khách quan, cho thấy bạn biết mình làm được gì nhưng vẫn giữ thái độ cầu thị. Đó là sự khiêm tốn thông minh và rất được đánh giá cao trong môi trường chuyên nghiệp.

Nên tóm tắt lý do bạn có mặt ở đây

Cùng với việc nói về bản thân, bạn nên kết thúc phần giới thiệu bằng cách nói về lý do vì sao bạn quan tâm đến công việc và công ty. Điều đó cho thấy bạn đã tìm hiểu kỹ và thực sự muốn đóng góp, chứ không phải đến phỏng vấn chỉ để “thử cho biết”.

Một câu đơn giản như “Em rất ấn tượng với định hướng phát triển của công ty và nghĩ rằng đây là môi trường phù hợp để em áp dụng những kinh nghiệm về A, B, C” sẽ khiến phần giới thiệu của bạn trở nên rõ ràng và thuyết phục hơn nhiều.

Cuối cùng, hãy giới thiệu bản thân trong thời gian không quá 90 giây vì đó là khoảng thời gian vừa đủ để bạn truyền tải những thông tin quan trọng mà vẫn giữ được sự tập trung của người nghe. Nếu nói quá dài, bạn dễ rơi vào tình trạng lan man, lặp ý hoặc khiến nhà tuyển dụng mất hứng thú vì chưa thấy điểm nổi bật.

Một phần giới thiệu ngắn gọn, súc tích cho thấy bạn biết cách chọn lọc thông tin, giao tiếp hiệu quả và tôn trọng thời gian của người đối diện. Quan trọng hơn, nó tạo tiền đề tốt để cuộc trò chuyện tiếp theo đi vào trọng tâm công việc một cách mạch lạc và chuyên nghiệp hơn./.

A.T

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-dieu-nen-va-khong-nen-khi-gioi-thieu-ban-than-trong-buoi-phong-van-a194816.html