Những điều thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi xác nhận nhập học
Tại các cơ sở giáo dục đại học, thí sinh đang trong thời gian xác nhận nhập học đại học 2023 cần lưu ý một số thông tin sau đây để quá trình nhập học được suôn sẻ.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống của Bộ đến trước 17h ngày 8/9.
Để trở thành tân sinh viên, thí sinh cần lưu ý gì?
Nhằm giúp thí sinh có thêm thông tin về việc nhập học, ThS. Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết, xác nhận nhập học là thao tác quan trọng để thí sinh trúng tuyển chính thức trở thành tân sinh viên. Thí sinh cần tuân thủ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nếu thí sinh đã trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống đồng thời đến các trường để làm các thủ tục nhập học. "Trong trường hợp các bạn đến sau ngày 8/9, các trường sẽ căn cứ theo các chỉ tiêu còn lại mới đưa ra tuyển bổ sung, đặc biệt với điểm thi tốt nghiệp THPT".
ThS. Phạm Doãn Nguyên lưu ý, nếu thí sinh đã xác nhận trên hệ thống mà chưa tới trường để làm thủ tục nhập học được thì các bạn có thể đóng lệ phí và học phí trước, sau đó tới trường thì các nhà trường sẽ hỗ trợ thí sinh làm thủ tục và quy trình nhập học.
"Trong trường hợp không xác nhận trên hệ thống và cũng không đến trường làm thủ tục nhâp học, điều này đồng nghĩa với việc các bạn từ chối với kết quả trúng tuyển đợt 1. Trường hợp các bạn đã xác nhận trên hệ thống nhưng không làm thủ tục nhập học và cũng không đóng lệ phí thì cũng coi như không trúng tuyển đợt 1. Đây là điều các bạn thí sinh cần hết sức lưu ý".
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho biết thêm, mỗi trường đại học có kế hoạch nhập học riêng và sẽ gửi thông báo cho thí sinh qua email, số điện thoại hoặc giấy báo trúng tuyển.
Vì vậy, sau khi xác nhận nhập học trên hệ thống, các em cần thường xuyên xem, kiểm tra email để biết thông tin tài khoản nhập học, thủ tục nhập học và làm theo hướng dẫn của các trường.
Khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học, thí sinh sẽ cần chuẩn bị những giấy tờ cơ bản sau: Giấy báo nhập học (bản chính); Sơ yếu lý lịch học sinh - sinh viên (hồ sơ trúng tuyển); Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (hoặc tương đương) đối với những thí sinh tốt nghiệp năm 2023; Bằng tốt nghiệp THPT (bản chính và bản sao công chứng) đối với những thí sinh tốt nghiệp trước năm 2023; Học bạ THPT (bản sao công chứng và bản gốc để đối chiếu); CMT hoặc CCCD (bản sao có công chứng), sổ đoàn viên; Bản sao Giấy khai sinh; Phiếu khám sức khỏe; Hồ sơ, giấy chứng nhận ưu đãi, ảnh thẻ 3×4. Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự và giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban chỉ huy quân sự cấp đối với nam (bản sao).
Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối cơ hội học tập. Với thí sinh không trúng tuyển đợt 1, các em có thể tham gia các đợt xét tuyển bổ sung nếu đủ điều kiện, theo thông báo trên trang tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
Thích nghi với môi trường học tập mới
Một điều mà nhiều tân sinh viên trăn trở, đó là bên cạnh các thủ tục nhập học và lo về nơi ăn ở thì các tân sinh viên còn lo không biết mình có thích nghi được với môi trường học tập mới hay không.
Về vấn đề này, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho biết, giữa học THPT với đại học rất khác. Khi học đại học, các sinh viên sẽ tự học, tự nghiên cứu và tự trưởng thành. Vì vậy, khi bước chân vào môi trường mới, các tân sinh viên cần học phương pháp học đại học. Các em có thể tiếp cận và làm quen với các anh chị sinh viên khóa trước để tìm hiểu cách học để hiệu quả.
Ngoài ra, khi trở thành sinh viên, các em cần tự lo cho bản thân khi phải xa gia đình, tự cân đối về chi tiêu, về thời gian, cân đối các mối quan hệ… Đặc biệt, phải làm chủ bản thân trong các mối quan hệ. "Ở thành phố lớn có nhiều cám dỗ cũng như các mối quan hệ phức tạp nên các em cần phải làm chủ các mối quan hệ đó cũng như thích nghi với môi trường sống ở thành phố.
Nếu đi làm thêm, các em cần làm đúng những công việc, những lĩnh vực mà mình đang học thì sau này sẽ giúp ích cho bản thân nhiều hơn. Các em hãy xác định rõ mục tiêu cuộc đời của mình khi học ngành đó ra trường mình sẽ làm công việc gì để ngay bây giờ có thể tạo các mối quan hệ với công ty, với doanh nghiệp, với thầy cô, với chuyên gia… để có cơ hội phát triển", ThS. Phạm Doãn Nguyên khuyên.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết, nhiều tân sinh viên "sốc" khi bước vào môi trường học tập mới. Nếu các em không chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt sẽ rất khó để thích ứng.
Theo đó, các em nên nghiên cứu kỹ quy định đào tạo của trường mình theo học; theo dõi thông tin đào tạo thường xuyên của nhà trường thông qua các kênh chính thống. Đồng thời, xây dựng kế hoạch học tập từng năm, kỳ và môn học và từng bước để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, các em nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các giảng viên cố vấn. "Các em nên tự giác ôn tập sau mỗi ngày học tập. Không nên ôn tập trước mỗi kỳ thi; nhất tâm vào việc học và tuyệt đối bỏ ngay tâm lý "đứng núi này trông núi nọ". Các em cũng chỉ đi làm thêm khi hoàn thành tốt việc học tại trường vì đây là nhiệm vụ chính yếu".
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong số 660.258 thí sinh đăng ký xét tuyển, có 92,7% thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo năm 2023. So với tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 sau lọc ảo chiếm 61,1%.