Những định hướng quan trọng về công tác cán bộ khi sáp nhập tỉnh, thành

Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy, các tỉnh, thành ủy cần thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, nghị quyết của Trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chỉ đạo về công tác nhân sự.

Xin ý kiến về nhân sự chủ chốt các địa phương sau sáp nhập

Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị nêu, đối với phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và xây dựng phương án nhân sự cụ thể, báo cáo xin ý kiến đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện phương án nhân sự chủ chốt của các địa phương, trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: PV.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: PV.

Các nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập, theo Kết luận 150, gồm: bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn ĐBQH và các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy.

Đối với phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập và việc phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh (sau khi được chỉ định) đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Kết luận 150 nhấn mạnh, sẽ trải qua 3 bước.

Bước 1, địa phương xây dựng và thông qua phương án nhân sự. Bước 2 báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét, cho ý kiến về phương án nhân sự. Bước 3, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện phương án nhân sự. Sau 3 bước này, sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét chỉ định nhân sự theo quy định.

Kết luận 150 cũng nêu, khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã, thì không bầu cử các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng, phó đoàn ĐBQH; trưởng các ban của HĐND và ủy viên UBND theo quy định, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan nêu trên.

Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập.

Chỉ định bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy

Theo Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIV, đối với địa phương hợp nhất, sáp nhập, sẽ giữ số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 như số lượng được chỉ định tại thời điểm sau hợp nhất, sáp nhập nhiệm kỳ 2020 - 2025 (trừ các đồng chí không đủ tuổi tái cử, chuyển công tác khác hoặc có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi) và sẽ thực hiện giảm dần số lượng trong thời gian 5 năm sau khi hợp nhất, sáp nhập; đến nhiệm kỳ 2030 - 2035 số lượng cấp ủy sẽ thực hiện theo quy định mới của Bộ Chính trị.

Các địa phương không hợp nhất, sáp nhập, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện như nhiệm kỳ 2015 - 2020; đối với số lượng phó bí thư thực hiện theo Kết luận số 102-KL/TW, ngày 30/11/2024 của Bộ Chính trị.

Chỉ thị 45 lưu ý, cơ bản thực hiện bố trí bí thư (phó bí thư) cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh, cấp xã.

Cũng theo chỉ thị, mỗi đồng chí trong thường trực cấp ủy cấp tỉnh cơ bản không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố: Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn ĐBQH, chủ tịch MTTQ; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; phấn đấu cơ bản hoàn thành ở cấp xã và khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác", chỉ thị nêu.

Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương ban hành hướng dẫn số 31 về việc thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã.

Trong hướng dẫn, với các tỉnh, thành sau hợp nhất, Ban Tổ chức Trung ương nêu, sẽ thẩm định đề án của các tỉnh, thành ủy; tham mưu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định thành lập đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc

Về công tác cán bộ khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị.

Phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.

“Đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập. Phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự đại hội đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội XIV - Nhân sự bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp”, Tổng Bí thư lưu ý.

Theo Tổng Bí thư, công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Tổng Bí thư nhấn mạnh, tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ "đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng" để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước.

“Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi.Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của ban thường vụ cấp ủy theo phân cấp, đề nghị các đồng chí phải bàn bạc, thống nhất để bố trí "đúng người, đúng việc" theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới”, Tổng Bí thư nói.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-dinh-huong-quan-trong-ve-cong-tac-can-bo-khi-sap-nhap-tinh-thanh-post1738725.tpo