Những 'đóa hoa' đẹp

Người mang trong mình căn bệnh nan y nhưng vẫn vượt qua bệnh tật trở thành giáo viên giạy giỏi, được học trò kính trọng, đồng nghiệp quý mến. Người đi lên từ gian khó, trở thành nữ doanh nhân năng động với nhiều việc làm từ thiện giúp đỡ phụ nữ, trẻ em. Người vốn tật nguyền nhưng lại có trái tim ấm áp, biết 'cho đi' để nhận lại niềm vui… Mỗi người một hoàn cảnh, số phận, công việc, nhưng các chị đều gặp nhau ở một điểm là tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Người phụ nữ thời kỳ mới

Chị Trần Thị Phương Thảo.

Chị Trần Thị Phương Thảo.

Chúng tôi gặp chị Trần Thị Phương Thảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Tuyên Quang tại “Đêm dạ hội” chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam vừa được Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh tổ chức. Chị chia sẻ, trước khi là chủ cửa hàng nội thất Thảo Thành, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hiệp (chuyên kinh doanh các mặt hàng nội thất văn phòng, trường học, cơ quan của các thương hiệu uy tín), chị đã trải qua một quãng thời gian vô cùng khó nhọc, với đủ các ngành nghề.

Từ nhân viên của một công ty du lịch đến đi buôn tại các chợ phiên, cuốn thuốc lá, cắt may quần áo gia công. Công việc nào cũng đòi hỏi phải nhanh nhạy, chịu thương chịu khó. Đến nay, chị đã có một công ty khá lớn nằm trên trục đường Quang Trung. Công ty hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức lương 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, công ty chị nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước với mức trung bình khoảng trên 400 triệu đồng/năm, thực hiện chế độ bảo hiểm cho 100% lao động.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, với vai trò được giao, chị đã đóng góp nhiều ý kiến trong việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh, Hội Doanh nghiệp thành phố. Chị tham gia vào hầu hết các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí do câu lạc bộ tổ chức và rất tích cực trong công tác từ thiện, đặc biệt là giúp đỡ phụ nữ và học sinh nghèo vượt khó. Mỗi năm chị ủng hộ cho Quỹ Khuyến học của tỉnh 10 triệu đồng và nhận đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó. Riêng năm 2018, chị đã ủng hộ cho Hội LHPN thành phố Tuyên Quang 50 triệu đồng để xây dựng tuyến đường hoa vào chùa Hang, xã An Khang. Chị Thảo có 2 con. Hiện giờ các con chị đều đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Không được may mắn như chị Thảo, chị Đỗ Thị Thu Nga, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Tháng 10 (Yên Sơn) lại mắc phải căn bệnh suy thận. 10 năm qua, mỗi tuần 3 lần đều đặn, chị phải chạy thận. Chị tâm sự, bị bệnh, sức khỏe, cơ thể nhiều khi mệt mỏi, suy kiệt nhưng với trái tim yêu nghề, tinh thần lạc quan, sự động viên của gia đình, đồng nghiệp và bạn bè, chị đã vượt lên bệnh tật, sống vui vẻ, lạc quan hơn. Ngày ngày, chị đi gần chục cây số tới trường, lên lớp đủ số tiết và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Một tiết học văn do cô giáo Đỗ Thị Thu Nga giảng dạy.

Một tiết học văn do cô giáo Đỗ Thị Thu Nga giảng dạy.

Chị đã thực hiện rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh công nhận, được nhiều nhà trường ứng dụng vào hoạt động dạy học đạt hiệu quả cao, trong đó có sáng kiến “Ứng dụng mô hình sơ đồ (Graph) vào giảng dạy môn Ngữ văn THPT”,“Ứng dụng hình thức ngoại khóa vào dạy học một số tiết bám sát môn Ngữ văn lớp 10”… Sáng kiến của chị đã tạo ra những tiết học thú vị, hấp dẫn, giúp cho học sinh học văn tốt hơn. Từ năm 2016 đến nay, năm nào chị cũng có học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi chọn học sinh giỏi văn cấp tỉnh.

Người dân ở xã Kim Phú không chỉ biết đến cô giáo Nga mà còn biết đến cô Nga bán chè bưởi. Ngoài giờ lên lớp, chị Nga tranh thủ nấu chè, lấy miến dong, bột sắn dây để bán ở chợ… Với chị Nga, đây không chỉ là việc làm để chị kiếm thêm thu nhập, trang trải cho việc điều trị bệnh mà còn là cách chị tự tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống. Năm 2016, chị Nga vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tấm lòng nhân hậu

Chị Huyền tặng quà cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Phia Xeng, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) trong
chương trình “Sắc đỏ yêu thương”

Là chuyên viên thị trường của Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang, chị Nguyễn Thu Huyền không chỉ nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt công việc chuyên môn, chị còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của doanh nghiệp. Chị Huyền chia sẻ, đã 21 năm nay, chị gắn bó và tìm niềm hạnh phúc trong từng chương trình thiện nguyện. Năm nào chị cũng đứng ra tổ chức các chương trình tình nguyện, các chương trình làm nhà nhân ái cho hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhận đỡ đầu trẻ em nghèo, bị bệnh hiểm nghèo và kêu gọi hiến máu tình nguyện cứu người... Đến nay chị đã kết nối hỗ trợ cho 126 hộ nghèo trong và ngoài tỉnh xây nhà nhân ái, với kinh phí từ 35 - 90 triệu đồng/căn.

Trong tháng 10 này, chị sẽ tổ chức khánh thành và bàn giao 1 ngôi nhà nhân ái cho hộ chị Bàn Thị Tòng, thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình). Chị Tòng là hộ nghèo, có 1 con, không có khả năng lao động và bị khiếm thính. Chị Huyền tâm sự: “Chị thấy đau khi gặp những mảnh đời bất hạnh, chị thấy xót khi nhìn những hoàn cảnh đau ốm không có đủ cơm ăn, áo mặc. Mỗi lần làm việc thiện, chị lại thấy vui hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn và niềm vui, hạnh phúc được lan tỏa”.

Lâu nay, ở thôn Thọ Bình 1, xã Bình Xa (Hàm Yên), bà con hay nhắc tới cái tên “Thắm cụt” với trái tim nhân hậu. Chị là Nguyễn Thị Thắm, hội viên phụ nữ của thôn. Gọi như vậy, bởi năm 2007 chị bị tai nạn điện giật, cụt một tay trái và mỗi bàn chân mất 2 ngón. Mất một phần cơ thể nhưng trái tim chị lại đầy ắp tình yêu thương. Hễ biết ở đâu có người gặp khó khăn, hoạn nạn là chị lại lên đường đi xác minh để kêu gọi giúp đỡ. Trước đây, chị làm tình nguyện trong Câu lạc bộ Thắp sáng ước mơ ở Hàm Yên. Lúc đó, điều kiện gia đình chị chưa có, tay cụt, nhưng ngày ngày chị vẫn chạy chợ để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống và làm từ thiện.

Chị Thắm cùng các thành viên trong CLB thiện nguyện Trái tim yêu thương tặng quà cho trẻ em điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh dịp 1/6.

Từ năm 2016, khi cuộc sống gia đình chị khá giả hơn, với 3 cửa hàng chuyên bán đồ gỗ, nội thất, chăn ga, gối đệm, đồ chơi trẻ em và xe đạp học sinh, chị mới có điều kiện nhiều hơn để làm từ thiện. Chị đứng ra thành lập Câu lạc bộ thiện nguyện Trái tim Yêu thương, gồm 25 thành viên, do chị là chủ nhiệm. Được chồng ủng hộ, chị đã giúp đỡ và kêu gọi giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh không may mắn, tiếp thêm sức mạnh, điều kiện để họ vượt qua khó khăn. Mới đây, khi biết tin chị Nguyễn Thị Lợi, ở thôn Soi Long, xã Thái Sơn (Hàm Yên) bị mắc bệnh trọng, không còn khả năng lao động, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chị Thắm đã tặng chị Lợi 1 chiếc xe lăn, nhận đỡ đầu cho con chị Lợi; kêu gọi các thành viên trong câu lạc bộ ủng hộ được 7,5 triệu đồng.

Các chị, mỗi người mỗi việc, mỗi hoàn cảnh, mỗi vẻ đẹp khác nhau, nhưng ở các chị đều là sự tảo tần, nghị lực, năng động và bản lĩnh. Những việc làm của các chị đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của người phụ nữ trong xã hội hiện nay. Các chị chính là những đóa hoa tỏa sắc hương cho đời.

Phóng sự: Thu Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-doa-hoa-dep-124021.html