Những doanh nghiệp 'vỡ kế hoạch' phát hành cổ phiếu

Kỳ vọng huy động vốn từ thị trường chứng khoán để phục vụ cho sản xuất kinh doanh nhưng thời gian qua, một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu. Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp bất động sản có kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu. Ảnh minh họa

Gần đây nhất, hai doanh nghiệp cùng thông báo sẽ tạm dừng phương án phát hành cổ phiếu. Đó là CTCP Chứng khoán Nhất Việt (mã VFS, sàn HNX)CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã AGG, sàn HoSE).

Theo nghị quyết HĐQT ngày 18/2/2025, Chứng khoán Nhất Việt quyết định tạm dừng phương án chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức hồi tháng 4 năm ngoái. Cụ thể, VFS dự kiến chào bán 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ chào bán là 1:1. Thời gian chào bán là trong năm 2024.

Nếu thực hiện thành công, Nhất Việt sẽ tăng vốn gấp đôi lên 2.400 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.200 đồng, công ty dự kiến dùng 600 tỷ đồng để bổ sung cho hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán gồm cổ phiếu và các giấy tờ có giá, 600 tỷ đồng còn lại sẽ bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ.

Trong nghị quyết HĐQT ngày 18/2/2025, VFS không nêu lý do tạm dừng phát hành cổ phiếu, tuy nhiên cho biết HĐQT công ty sẽ tiến hành điều chỉnh phương án này và xin ý kiến cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.

Cũng trong ngày 18/2/2025, HĐQT Bất động sản An Gia thông qua nghị quyết về việc dừng triển khai phương án chào bán 40,63 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua. Lý do “nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông do tình hình thị trường chưa phù hợp để thực hiện chào bán và đảm bảo tính khả thi của đợt phát hành”. HĐQT sẽ xem xét và quyết định triển khai đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng vào một thời điểm khác phù hợp lợi ích của cổ đông và công ty.

Kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng được ĐHĐCĐ An Gia thông qua tại đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản diễn ra vào tháng 10/2024. Với giá chào bán là 10.000 đồng/cp, An Gia dự kiến thu về 406 tỷ đồng từ đợt phát hành. Trong đó, 148 tỷ đồng sẽ được sử dụng để trả nợ vay ngân hàng, 68 tỷ đồng và 190 tỷ đồng dùng đầu tư góp vốn vào 2 công ty con là CTCP Tư vấn AGI & HSR và Công ty TNHH Western City.

Trước hai doanh nghiệp trên, năm 2024, nhiều doanh nghiệp cũng tạm dừng kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu. Cuối tháng 12/2024, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã DIG) thông báo tạm dừng chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dù đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận.

Lý do DIG đưa ra là do điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi, công ty sẽ điều chỉnh kế hoạch thu xếp vốn bằng hình thức huy động vốn khác. Theo phương án phát hành của DIG, công ty sẽ chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, qua đó huy động về 3.000 tỷ đồng. Mục đích chủ yếu để đầu tư vào các dự án.

Diễn biến cổ phiếu DIG trên thị trường chứng khoán.

Diễn biến cổ phiếu DIG trên thị trường chứng khoán.

Lên kế hoạch triển khai đợt tăng vốn từ quý 4/2024 đến quý 1/2025 nhưng Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (mã NHA, sàn HoSE) cũng đã thông báo tạm dừng vào cuối tháng 11/2024. Lý do là để thay đổi phương án chào bán phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, kế hoạch huy động vốn và sử dụng vốn trong thời gian tới.

Trước đó, Nhà và Đô thị Nam Hà Nội thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 20 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cp. Với hơn 44,17 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty sẽ chào bán thêm hơn 8,8 triệu đơn vị để huy động gần 88,35 tỷ đồng, nhằm xây dựng dự án, trả nợ và bổ sung vốn lưu động.

Trong năm vừa qua, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (mã LPB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB), TTC AgriS (mã SBT), Chứng khoán An Bình (mã ABW), Đầu tư Hải Phát (HPX)... cũng tạm dừng kế hoạch huy động vốn qua phát hành cổ phiếu.

Việc các doanh nghiệp liên tiếp hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2024 đến nay không có nhiều đột phá, khối ngoại rút dòng mạnh và dòng tiền nội vào thị trường yếu - thể hiện ở mức thanh khoản thấp. Nhà đầu tư cũng thận trọng và nhạy cảm hơn với các thông tin phát hành của doanh nghiệp, bởi nỗi lo pha loãng cổ phiếu và giảm giá trị doanh nghiệp.

Thực tế, khi DIC Group công bố thông tin phát hành thêm, cổ phiếu của doanh nghiệp liên tục "lao dốc", phải đến khi công ty thông báo tạm dừng kế hoạch, đà giảm mới tạm dừng. Cổ phiếu DXG của Tập đoàn Đất Xanh cũng bị bán mạnh khi công ty thông báo được cơ quan quản lý chấp thuận chào bán hơn 150 triệu cổ phiếu vào cuối tháng 12/2024. Hiện phương án đang được doanh nghiệp triển khai.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2025, với triển vọng nâng hạng, sự trở lại của khối ngoại và sự ổn định vĩ mô, tăng tốc trong phát triển kinh tế. Khi dòng tiền vào thị trường sôi động hơn, các doanh nghiệp mới có nhiều cơ hội để huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu. Về lâu dài, đây vẫn là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Doanh nghiệp muốn thu hút được nhà đầu tư thì trước hết cần phải cải thiện chính các giá trị nội tại bên trong, từ hiệu quả kinh doanh đến tình hình tài chính, quyền lợi cho cổ đông...

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-doanh-nghiep-vo-ke-hoach-phat-hanh-co-phieu-38508.html