Những 'dốc thượng' ở núi Bà Đen

Người Tây Ninh đã từng 'bộ hành' lên viếng núi Bà, ai mà không biết đến nơi gọi là dốc Thượng. Đấy là khi đã bụng run, chân mỏi trên những bậc đá xếp dốc lên cao đã hơn ngàn mét chiều dài.

Dốc Thượng trước cổng núi Điện Bà.

Dốc Thượng trước cổng núi Điện Bà.

Có khi đã mệt, hoa cả mắt rồi mà ngước lên vẫn thấy một bậc đá dốc đứng sừng sững ngay trước mắt. Nhưng mà, không lên được dốc này thì không thể tới chùa Phật, điện Bà, nên lại đành cắm cúi bước lên.

Còn may là hai bên có những thanh sắt lan can để người ta vịn vào mà co kéo người lên. Khi tưởng như đã lực kiệt, sức cùng thì cũng là lúc đã vượt qua bậc cuối. Để trước mắt hiện lên quang cảnh uy nghi, “trùng thềm điệp ốc” của những ngôi chùa và điện nổi bật trên cái nền núi biếc non xanh…

Đến khi núi Bà có tuyến cáp treo đầu tiên, rồi cáp công nghệ châu Âu thì người đi đường bộ cũng ít hơn. Thế nhưng, dù bộ hành hay "cưỡi" những tuyến cáp treo này thì vẫn cứ phải leo qua dốc Thượng. Dốc như một thử thách cuối cùng với con người trước khi bước vào một miền tâm linh nhất của núi Bà Đen.

Dốc Thượng! Đơn giản chỉ là một cái dốc có bậc xây bằng đá núi Bà, liên tục dốc lên tới 122 bậc. Nơi này đã được ghi vào sử sách Tây Ninh. Đấy là vào đầu năm 1946: “Lực lượng vũ trang của đồng chí Điểm có 1 tiểu đội cùng với lực lượng quân báo của đồng chí Trần Văn Mạnh đóng ở núi Bà.

Tại đây giặc Pháp bao vây núi, đến ngày thứ ba chúng đưa quân lên núi, bị ta chặn đánh ở dốc Thượng giặc Pháp thương vong nhiều nên rút lui, ta thu nhiều vũ khí đạn dược… Ba ngày sau, quân Pháp cho pháo 105 ly đặt tại Suối Đá bắn vào chùa Bà trên núi tan nát, gây thêm lòng phẫn uất trong đồng bào…” (Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), NXB Chính trị Quốc gia, năm 2010).

Theo Huỳnh Minh, trong sách Tây Ninh xưa thì giặc Pháp còn cho: “Một tiểu đoàn lính lê dương trấn đóng núi Điện Bà. Trong tiểu đoàn đó, đa số là lính ô hợp, mang nhiều dòng máu, bản tánh ngang tàng, không biết đạo đức là gì…”, do vậy mà chúng đập phá tượng Phật để tìm vàng bạc, riêng pho tượng đồng Bà Linh sơn Thánh mẫu đặt trong điện Bà thì chúng “đem xuống chợ Tây Ninh bán cho một chủ quán rượu”. Pho tượng này còn trải qua rất nhiều lưu lạc, trầm luân, để tới chín năm sau mới quay trở về chùa núi Điện Bà.

Như vậy, trận đánh tại dốc Thượng núi Bà là trận thứ hai của lực lượng vũ trang non trẻ Tây Ninh thắng Pháp. Sau trận đầu tiên tại bàu Cá Trê, xã Thanh Điền. Chỉ tiếc là có lẽ do địa hình khuất khúc, hiểm trở nên đã không ghi nhận được cụ thể thiệt hại của địch. Nhưng, tiếng vang của trận này đã cổ vũ lòng người Tây Ninh; cũng như một tiên báo rằng, từ đây núi Bà sẽ là một thành trì chống giặc ngoại xâm…

Trước khi lên dốc Thượng, sau một chặng dài thấm mệt nên khách thường dừng chân ngơi nghỉ, thì tại nơi này có một vườn tháp mộ, rợp bóng cây xanh, hoa kiểng. Lan can vườn có gắn một tấm biển nhỏ chỉ nơi có dấu chân ông khổng lồ, theo một huyền thoại xa xưa của núi Điện Bà.

Tuy vậy, đây không thể là dấu chân ông khổng lồ ấy được! Bởi dấu lõm in trên đá có hình bàn chân này chỉ dài có 0m50, gấp đôi bàn chân người bình thường. Suy ra, người này chỉ cao 4 mét là cùng. Không thể là ông khổng lồ huyền thoại mà chân này đứng ở núi Bà, chân kia đặt trên núi cậu cách nhau cả chục cây số. Tay lại vung lên ném tảng đá nặng cả tấn, rơi đúng vào chạc đá một cây dầu cổ thụ ở trên Trại Bí (Tân Biên) cho được.

Ngay gần bên tảng đá lớn có hình dấu chân là ngôi tháp mộ lớn nhất, cao trên 10 mét với 3 tầng tháp gạch, quét vôi vàng. Khác với các tháp mộ thường thấy ở những ngôi chùa khác, ngôi tháp lớn để người ta xây được hẳn 3 ngôi mộ ở bên trong, có cửa vào ra.

Hai ngôi hai bên là của các vị sư tổ: Nguyên Cơ- Giác Phú và Nguyên Chất- Giác Điền. Ngôi mộ ở chính giữa là sư tổ Tâm Hòa- Chánh Khâm, chính là vị sư tổ có nhiều công lao với sự nghiệp tôn tạo, trùng tu và xây mới nhiều công trình trên núi.

Mà nổi bật nhất chính là những ngôi chùa được xây cất hoàn toàn bằng đá núi Bà. Một là chùa Bà, từ năm 1922 đến 1927. Hai là nhà (chùa) Tổ, hoàn thành năm 1937. Tiếc rằng cả hai ngôi đã không thể tồn tại sau những trận giặc Pháp nã đạn đại bác 105 vào thẳng khu chùa năm 1946…

Ba ngôi mộ trong tháp thì hai ngôi được xây năm 1939 ngay sau khi hai ông đã mất. Ngôi thứ ba được xây sau, là của sư Nguyên Chất- Giác Điền- người có nhiều năm trụ trì chùa tổ Phước Lâm (Vĩnh Xuân).

Cả ba được xây hoàn toàn bằng đá chẻ và đá xanh nguyên khối, đẽo tạc cầu kỳ những hoa văn truyền thống. Đặc biệt nhất là ngôi giữa, được xây lùi vào phía trong. Trên nóc mộ là một ngôi miếu thờ được xây cất từ nguyên các khối đá ghép lại. Hai khối phía trước là 2 cột tròn có khắc chạm hình rồng cuộn.

Đỡ bên trên một khối đá tạc hình vòm cong làm cửa miếu với tấm mái đua tạc hình chim phượng. Phía sau là những tấm đá chữ nhật ghép lại làm thành không gian miếu, với các liễn đối được chạm khắc hai bên, cùng ảnh thờ, bài vị ở phía sau… Miếu có 2 tầng mái chồng diêm tạc từ nguyên khối đá. Đây quả là một công trình nghệ thuật, được tạo tác công phu từ đá núi Bà.

Người được các thế hệ tăng ni ở núi tôn vinh như thế, chính là sư tổ Tâm Hòa, còn gọi là Hòa thượng Chánh Khâm. Theo tác giả Phan Thúc Duy trong “Ngọn đuốc cửa thiền” thì ông quê gốc ở làng Nhật Tảo, nay thuộc tỉnh Long An.

Cái tên làng này lại khiến người Tây Ninh nhớ đến nơi sinh thành của một con người rất nổi tiếng tại Tây Ninh từ hàng trăm năm trước. Đó là Quan lớn Trà Vong- Huỳnh Công Giản (1722-1782). Theo sách đã dẫn, sư tổ Tâm Hòa sinh ngày 12.11 năm Tân Dậu (1861).

Năm 19 tuổi (1880), ông tìm tới núi xin xuất gia, học đạo. Bài học đầu tiên thầy giao là xuống chùa Trung, vừa tu tụng vừa khai phá ruộng vườn, lúc ấy quanh chùa còn là rừng hoang vu rậm rạp: “Ngài ra sức làm hoài như vậy cả tám chín tháng. Xưa kia là một vuông rừng rậm nay hóa chỗ đất bằng rất tốt, chỗ nào dọn trống trải tỉa đậu trồng khoai, hay là rau cải cũng đủ sử dụng cho chùa…”.

Rồi thấm thoắt thoi đưa: “Ngoài làm công việc cho chùa trọn 2 năm công khó biết bao, lớp mở đường lót thêm cho bằng thẳng. Con đường từ dưới đất bằng chạy dài theo triền núi đi lên đến Điện Bà, đi rất dễ không gập ghềnh, còn mấy chỗ hủng thì lót thêm mấy cục đá cho tiện việc lên xuống, nhờ có một tay của ngài không biết tiếc công khó nhọc, nên ngày nay mới đặng như vậy…”.

Sau hai năm ở chùa Trung, ông mới được Đại sư Trừng Tùng- Chơn Thoại, trụ trì các chùa núi gọi về làm đệ tử. Tại đây ông cũng dốc hết sức lao động tu bổ, tôn tạo làm cho sân núi Điện Bà thêm rộng rãi khang trang. Năm 1910, trước khi Đại sư mất, ông được lập làm “Trưởng tử” và tới năm 1919 thì chính thức được tôn làm Hòa thượng trụ trì các chùa núi Bà Đen.

Ngày nay, Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa- Viện chủ hệ thống các chùa núi Bà còn tôn vinh thầy tổ của mình bằng cách xây dựng nên giảng đường mang tên ông (Tâm Hòa) tại chùa Trung, nơi ông từng nhọc nhằn khai phá từ hơn trăm năm trước. Trên dốc Thượng, tháp mộ ông vẫn cao sừng sững, ngay bên cạnh sân núi Điện Bà vừa được mở rộng thêm bằng sắt, thép, bê tông.

Công trình được khánh thành ngày 14.7.2019 với những nếp sân uốn lượn trước sân đá núi Điện Bà ngày xưa, nay đã trở thành nhỏ hẹp. Rất may là công trình mới mẻ, kỳ vĩ này dù bao trùm ôm lấy dốc Thượng nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn lấy con dốc lịch sử và khu vườn mộ, để người thiện tâm lên núi viếng Bà, cúng Phật vẫn dễ dàng tìm tới viếng thăm.

TRẦN VŨ

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nhung-doc-thuong-o-nui-ba-den-a140754.html