Những đội tàu cá Hitech
Trong hơn một thập niên trở lại đây, nghề đánh bắt cá biển ở Việt Nam được đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng đến sự chuyên nghiệp, hiện đại và có trách nhiệm hơn. Chặng đường tái cơ cấu này không thể không kể đến vai trò 'xương sống' của công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Dọc miền Trung, cuộc chuyển đổi công nghệ, số hóa tàu cá đang diễn ra mạnh mẽ.
Trang bị công nghệ tiền tỷ
Ở vùng biển Đề Gi thuộc huyện Phù Cát, Bình Định, ông La Bộ (52 tuổi) được xem là “quán quân” đánh cá trong vùng. Ông từng được các công ty cung ứng thiết bị hàng hải lớn ở TPHCM chọn làm “người mẫu” thử nghiệm các sản phẩm tiên tiến. Năm 2013, ông La Bộ được 4 công ty thủy sản ở Nhật Bản mời sang làm đại sứ, ra khơi cùng những con tàu đánh cá “khủng” của Nhật Bản.
Gần đây, dù không trực tiếp ra khơi cùng bạn tàu, nhưng ông vẫn trực “smartphone” để theo dõi, chỉ đạo con tàu 1.030 mã lực của mình ở biển Nam Côn Sơn. Ông kể: “Những năm 2008, 2009, tôi đã chi hàng tỷ đồng để “săn” các công nghệ đánh bắt. Đến năm 2010, tôi bắt đầu phất lên nhờ đầu tư công nghệ dò cá do Nhật Bản sản xuất. Công nghệ này đã làm thay đổi hẳn nhận thức của chúng tôi về đánh cá biển. Mọi thứ gần như trong tầm tay, khi đàn cá dưới biển trong bán kính 1.000-3.000m đều được định vị, mô phỏng rất chi tiết, nên hiệu quả đánh bắt tăng cao…”.
Trước kia, làng chài Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định, còn nghèo khó, biệt lập bên eo biển hoang vắng, nhưng nay ngôi làng này phất lên thấy rõ. Ông Hai Dũng (Đỗ Chí Dũng, 59 tuổi, làng biển Vĩnh Lợi) cho hay: “Cả làng Vĩnh Lợi khá giả nhờ bám biển, nhưng để giàu có hơn nhờ biết nắm bắt thời cơ hiện đại hóa sớm tàu cá, ứng dụng công nghệ trong đánh bắt”.
Hiện ông Hai Dũng sở hữu đội 4 chiếc, công suất từ 900CV đến trên 1.000CV, được trang bị nhiều thiết bị đánh bắt cá hiện đại. Trong đó, tàu cá BĐ 92358 TS (trên 1.000CV) do ông trực tiếp điều khiển, được trang bị 3 bộ máy dò định vị trị giá 8 tỷ đồng, gồm: trung chụp (dò cá bán kính dưới 1.000m), đại chụp (trên 2.000m), siêu chụp (trên 5.000m), các thiết bị radar, định vị vệ tinh, hải đồ vệ tinh, giám sát hành trình, máy đo dòng chảy, bộ đàm, thiết bị đo và báo gió bão, máy MF/HF, ICom…
“Năm nay, 4 con tàu tôi đạt doanh thu cao nhất trong 10 năm qua, tầm 1.000 tấn cá với doanh thu trên 90 tỷ đồng. Bí quyết để bội thu là nhờ ứng dụng công nghệ đánh bắt mới của Na Uy, trong đó có thiết bị dò cá kỹ thuật số siêu chụp giá 6 tỷ đồng”, ông Hai Dũng phấn khởi.
Hiệu quả cao
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, cho biết, so với cả nước về quy mô cấp huyện, thì Hoài Nhơn dẫn đầu về số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m (2.100 tàu). Hiện thị xã có 1 nghiệp đoàn nghề cá trên biển với 1.100 tàu với 680 tổ đánh bắt đoàn kết. Có 100% tàu cá xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nên 2 năm qua không có tàu cá nào ở Hoài Nhơn vi phạm quy định khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nhờ có đội tàu mạnh, kết nối hạ tầng công nghệ hiện đại nên sản lượng thủy sản 2022 tại địa phương đạt trên 61.000 tấn, doanh thu ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó cá ngừ đại dương đạt gần 11.000 tấn, doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.
Không chỉ ứng dụng công nghệ trên tàu cá, ngay tại cảng cá, cửa biển đều được trang bị thiết bị giám sát, hỗ trợ ngư dân. Tại cảng cá Quy Nhơn, sau khi các tàu cá trở về bờ thì tổ IUU, nhân viên cảng cá sử dụng phần mềm onedrive, vnfishbase để hỗ trợ ngư dân nhập cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản, tích hợp dữ liệu các tàu cá và định vị nơi neo đậu, tránh trú bão…
“Hiện các dữ liệu quản lý nghề cá đã quá tải, rất khó để cập nhật tìm kiếm, kiểm tra. Chúng tôi đang xin UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua 100 thiết bị Nhật ký điện tử NKT-01 để thử nghiệm trên 100 tàu cá khai thác xa bờ. Nếu ứng dụng tốt nhật ký này, sẽ giải tỏa rất lớn thủ tục, công việc cho cơ quan quản lý cảng bờ, tiết giảm thời gian rất lớn cho ngư dân, không phải kê khai bằng bút giấy”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, nhật ký đánh bắt điện tử là bước đột phá trong xu thế tái cấu trúc ngành thủy sản. Vì vậy, các địa phương có nghề cá lớn cần sớm triển khai ứng dụng này. Bên cạnh đó, các địa phương có nghề cá mạnh, như: Bình Định, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang… cần sớm lập các chợ đầu mối, trung tâm đấu giá hải sản để ngư dân cập nhật giá cả qua mạng, tạo sức cạnh tranh về giá cho sản phẩm cá biển…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-doi-tau-ca-hitech-post676471.html