Những đối thoại đa sắc, đa hình và đa diện của cá tính họa sĩ
Từ ngày 7-25.4, triển lãm cá nhân của họa sĩ Hà Minh với chủ đề Ouroboros sẽ được diễn ra tại Work Room Four. Trong khi đó, từ ngày 8-20.4, tại Son Art & Culture Space sẽ diễn ra triển lãm tranh và gốm Niêm Hoa, tập hợp các tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ từ nhóm G39.
Khi gấu bông trở thành nguồn cảm hứng
Sinh năm 1994, Hà Minh hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội. Hình thức và màu là yếu tố chủ đạo trong những bức tranh sơn dầu của cô. Cô nghiên cứu màu sắc qua việc quan sát những hình thức tự nhiên và phong cảnh, cũng như kết hợp chúng với cảm hứng nhận được từ hình thể con người.
Họa sĩ Hà Minh luôn thích khám phá tính đối ngẫu qua những tác phẩm của cô: hình thức và hỗn loạn, hình thù và sự trừu tượng hóa, không gian đầy và không gian âm, ánh sáng và bóng tối, những sắc màu hài hòa và xung đột. Cô hướng đến tạo ra một thế cân bằng cho những lực dường như đối lập: âm - dương, cái - đực, và khám phá các khả thể ở giữa những đối cực này. Sự tìm kiếm cân bằng và khám phá tính đối ngẫu phản ánh con người Việt Nam ở cô và quá trình sống của một người chuyển giới thực hành nghệ thuật.
Lần đầu tiên thực hiện triển lãm cá nhân, nữ họa sĩ sinh ra tại Hà Nội đã đặt tên là Ouroboros, bởi đây là biểu tượng vòng tròn miêu tả con rắn hoặc con rồng tự nuốt đuôi của chính mình.
Bắt nguồn từ thuật giả kim xa xưa, biểu tượng này tượng trưng cho vòng luân hồi của sinh tử; và với tiêu đề là Ouroboros, triển lãm cá nhân đầu tiên của Hà Minh cũng là sự đánh dấu của những khởi đầu và kết thúc, hiện lên theo nhiều nghĩa.
Loạt tác phẩm của triển lãm được sáng tác vào khoảng thời gian ba năm vô cùng đặc biệt trong cuộc đời của nghệ sĩ; trong suốt nhiều năm, từ thời còn rất trẻ, sáng tạo đã là bánh lái dẫn lối cho Hà Minh, và Ouroboros chính là điểm mốc của một chương mới mẻ, và đoạn kết của một quãng thực hành sáng tạo bước đầu.
Không gian triển lãm Ouroboros tại Work Room Four.
Là một họa sĩ tự học, Hà Minh luôn luôn được thôi thúc sáng tạo bởi một khao khát vẽ đến từ bên trong, cô đã tự mài giũa thông qua những nghiên cứu vẽ độc lập, gần như hoàn toàn chỉ vẽ những gì từ cuộc sống nhằm phát triển khả năng của mình.
Điểm đặc biệt trong triển lãm, khi các tác phẩm của họa sĩ đều được sáng tác trong khoảng thời gian xã hội cách ly phòng chống đại dịch và xoay quanh một khách thể hết sức riêng tư, thân mật - con gấu bông của nghệ sĩ. Hà Minh bắt đầu học hội họa với việc làm quen với các kỹ thuật và phương pháp cổ điển dựa trên các nghiên cứu về hình thể con người lấy từ cuộc sống. Do sự giãn cách xã hội ngăn trở việc này, cô đã chuyển sang họa những đồ vật đơn giản xung quanh để duy trì thực hành sáng tạo.
Qua đó, ‘Teddy’ trở thành thi hứng, người mẫu, nhân chứng thầm lặng và người bạn tâm tình của cô. Loạt tranh nối kết lại tạo nên một không gian kỳ diệu tựa thơ ấu, cũng như một nơi nghệ sĩ có thể tự nhìn lại chính mình, đối mặt và chấp nhận căn cước phụ nữ, cũng như vị thế của một họa sĩ trẻ hiện nay.
Triển lãm này vô cùng đặc biệt với Hà Minh vì cô cảm thấy như được một lần nữa công khai bản dạng giới, lần này không phải với thế giới mà với chính cô: “Làm phụ nữ trong thế giới này, em sẽ ổn thôi (và thậm chí mọi thứ sẽ còn tốt đẹp nữa kia), nên đừng lo lắng quá nhé”.
Một bông hoa... một nụ cười
Trong khi đó, triển lãm Niêm Hoa, tập hợp các tác phẩm nghệ thuật của 8 nghệ sĩ từ nhóm G39: Ngô Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Hồng Phương, Đinh Công Đạt, Chu Hồng Tiến, Phương Bình, Lê Thiết Cương và những bông sen bằng gốm Phù Lãng của điêu khắc gia Vũ Hữu Nhung.
Triển lãm được lấy cảm hứng từ một điển tích của nhà Phật về sự ra đời của thiền với tên gọi “Niêm hoa vi tiếu”. Được biết, vào một buổi giảng pháp đặc biệt với các học trò xuất chúng của mình, Thích Ca với một bông hoa sen không thuyết giảng, không văn tự mà chỉ tâm truyền tâm. Cả lớp học lặng lẽ dõi theo bông sen và lặng thinh, duy chỉ có Ca Diếp mỉm cười, từ giây phút đó mà thiền ra đời…
Với quan niệm của nhà Phật, trong mỗi người đều sẵn có “Phật tính”. Đi tu là trở về chính mình, không phải là đi đến tận đâu. Làm nghệ thuật cũng vậy. Trên hành trình đi tìm mình, nhóm nghệ sĩ đã chiêm nghiệm ra những sự tương đồng trong sáng tạo hội họa với hành thiền.
Với họ, nghệ sĩ là kẻ đi tìm chính mình, tìm ra cách biểu đạt riêng. Tìm ra cá tính nghệ thuật đối với người nghệ sĩ được ví như tìm ra cõi Niết Bàn của người tu hành. Với họa sĩ, vẽ cũng là “tu”, vẽ cũng là hành thiền. Và 8 nghệ sĩ, mỗi người một lối “niêm hoa”.
Một tác phẩm gốm tại triển lãm Niêm Hoa.
Nếu như họa sĩ Bình Nhi ưa thích hoa sen, những bông sen trắng tĩnh lặng, xòe cánh, tự nhiên, an nhiên, an lành ngay trong thực tại, một mặt hồ, một cái ao rất đời sống, có rong rêu, có bèo, có những con chuồn chuồn nước... thì họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tung tẩy với sen trên nền báo cũ hoặc xuyến chỉ, chất liệu chủ đạo của anh. Sen nở, sen tàn, đi về, sinh tử, suy cho cùng cũng là một.
Tác phẩm Bạch liên 2 - tác giả Ngô Bình Nhi - chất liệu Acrylic trên toan - kích thước 100x100 cm.
Còn với họa sĩ Nguyễn Hồng Phương rực rỡ, vui sống với hoa, không chỉ một loại hoa mà bốn mùa hoa. Rất hiện sinh, ở đây và lúc này bằng những nhát cọ cộm sơn, nhanh mạnh, căng mọng, tràn trễ nhựa sống... “Cảm ơn vì ta mà hoa đã nở” như Tô Thùy Yên từng ngộ.
Tác phẩm Hoa xuân - tác giả Nguyễn Hồng Phương - chất liệu tổng hợp - kích thước 60x80.
Trong khi đó, điêu khắc gia Vũ Hữu Nhung đến với Niêm Hoa bằng cụm tác phẩm điêu khắc gốm và hoa sen. Những bông sen mãn khai, thô mộc, giản dị, bình an. Gốm là đối thoại của lửa, nước, đất, đối thoại của Thiên - Địa - Nhân. Gốm sen là cầu nối của đạo và đời, nhân và duyên. Họa sĩ Đinh Công Đạt đưa lên những bông hoa như nó vốn vậy.
Còn lối vẽ của nhà thơ, họa sĩ Chu Hồng Tiến là vẽ mà không. Có lẽ không phải vẽ? Từ mắt nhìn, trái tim cảm đến bàn tay, cây bút, mẫu là một, liền mạch. Ánh mắt ấy, chớp mắt ấy là tranh. Và những bông hoa của Tiến và anh là một. Đến với triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương góp mặt với Niêm Hoa bằng những bức tranh tối giản mực nho trên giấy đó, bút pháp kiểu thảo thư, chấm phá và gợi về một loài hoa nào đó.
Cuối cùng, họa sĩ Phương Bình góp mặt với Niêm Hoa bằng bộ bốn tác phẩm sơn mài, cùng một chủ đề đối thoại. Người và hoa trò chuyện, chính xác là những bông hoa sen cùng những dáng hình khỏa thân, bên nhau, cuốn vào nhau, hóa thân vào nhau, sen người, người sen trong nhau. Thuận theo tự nhiên, cùng nó, cũng khoe sắc. Đẹp là tự nhiên, vẻ đẹp của tự nhiên hội tụ trong vẻ đẹp của thân hình những cô gái, những nụ sen, đài sen.
Triển lãm Niêm Hoa diễn ra tại Son Art Space.
Đến với triển lãm, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng hơn 40 tác phẩm nghệ thuật trên nhiều chất liệu. Mỗi bông hoa trong những tác phẩm trưng bày này tại đây sẽ lại mang những nét riêng, cùng hiện diện bên nhau như một cuộc đối thoại của những cá tính đa sắc, đa hình, và đa diện ẩn dưới cái tinh thần tĩnh lặng của thiền.
Trước thềm Phật Đản, trong một tiết cuối xuân, tên gọi Niêm Hoa như gói ghém cái vô cùng trong cái vô ngôn đó.
Bài và ảnh: Mộc Trà