Những đòn bẩy tăng trưởng thông minh hơn và xanh hơn
Diễn đàn 'Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn' do Báo Đầu tư tổ chức sáng 21/03/2022, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia từ các hiệp hội quốc tế, cùng các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Dưới đây là một số ý kiến ghi nhận tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Phong Nhã -Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC):
Đến thời điểm hiện nay, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone). Với những thử nghiệm ở những góc độ khác nhau trên 40 tính, thành phố: thử nghiệm ở các băng tần số khác nhau từ băng tần thấp đến băng tần trung và cả băng tần mmWave, thử nghiệm mô hình SA/NSA; thử nghiệm kỹ thuật, thương mại dịch vụ 5G.
Với thời gian thử nghiệm 2 năm qua, cho thấy Việt Nam chúng ta đã tham gia tiếp cận vào 5G rất sớm cả từ phương diện quản lý nhà nước đến triển khai mạng lưới, cung cấp dịch vụ.
Việc thử nghiệm 5G thực sự có giá trị cho doanh nghiệp vì mạng 5G và kinh doanh trên mạng 5G thực sự khác biệt so với triển khai mạng trên các công nghệ 4G, 3G và 2G. Trước đây, triển khai các mạng di động là nói đến vùng phủ, là nói đến tốc độ down load, up load; tổ chức mạng lưới được định sẵn bởi nhà cung cấp, chất lượng mạng lưới được thực hiện theo nguyên tắc best effort.
Ông David Linden- Tham tán thương mại, Trưởng đại diện Business Sweden:
Chuyển đổi số mang lại những giá trị khác nhau đối từng tổ chức, vì vậy việc đưa ra một câu trả lời chung là rất khó. Tuy nhiên, những đóng góp của chuyển đổi số cho hiệu quả kinh doanh tổng thể thường liên quan đến việc sử dụng các nền tảng số để tăng hiệu suất và hiệu quả cho hoạt động hàng ngày. Việc kết nối mọi người cho từng quy trình kinh doanh không chỉ làm giảm lãng phí, mà còn là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, Thụy Điển cũng có nhiều công ty công nghệ tiên tiến với những sản phẩm hỗ trợ các công ty khác phát triển nhanh hơn, thông minh hơn và thân thiện với môi trường hơn. Một ví dụ tiêu biểu là Ericsson, công ty chuyên cung cấp các giải pháp kết nối cho con người, máy móc và hệ thống tự động nhằm góp phần hỗ trợ hoạt động hiệu quả thông qua các giải pháp 5G.
Các doanh nghiệp Thụy Điển cũng hợp tác chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa công việc hành chính. Thụy Điển, cùng với các thành viên EU khác, đã công nhận tính hợp pháp của chữ ký điện tử từ năm 2000 theo Đạo luật Chữ ký điện tử. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc ký kết, lưu trữ và truy tìm các tài liệu quan trọng như hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ. Chỉ một hành động này đã giúp giảm lượng khí thải phát sinh từ việc di chuyển vật lý, sử dụng giấy và năng lượng được sử dụng để duy trì các địa điểm lưu trữ.
Thụy Điển đã xây dựng các chính sách và bộ thực hành liên quan đến số hóa dựa trên năm trụ cột: năng lực, an ninh, đổi mới, lãnh đạo và cơ sở hạ tầng.
Chúng tôi đã bàn rất nhiều về việc trang bị các kỹ năng số cơ bản cho người dân. Do đó, hệ thống giáo dục Thụy Điển luôn xem xét và sửa đổi chương trình giảng dạy để áp dụng các công nghệ mới nhất. Các khóa học lập trình mà tôi đã học ở trường đại học từ những năm 2000 vẫn còn tồn tại, nhưng đã được thay thế bởi các ngôn ngữ và phương pháp lập trình hoàn toàn khác.
Một vấn đề quan trọng khác là tăng tính minh bạch của dữ liệu. Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn vẫn đòi hỏi thủ tục giấy tờ kết hợp với một phần công nghệ số, gây ra nhiều vấn đề trong việc đồng bộ hóa và tập trung hóa dữ liệu. Để hỗ trợ điều này, cần phải tăng tính rõ ràng về bảo mật dữ liệu. Việc nâng cấp bảo mật dữ liệu sẽ giúp các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ lập kế hoạch rõ ràng và tự tin.
Các hành động cần thiết để cải thiện bảo mật dữ liệu bao gồm tiêu chuẩn hóa và triển khai khuôn khổ bảo vệ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng; nhấn mạnh bảo mật dữ liệu trong giáo dục; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số để giảm và thu hẹp khoảng cách hạ tầng giữa các tỉnh.
Tại Việt Nam, Ericsson đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khai thác di động trong việc thử nghiệm khả năng của công nghệ 5G với các thí điểm 5G được triển khai lần đầu vào năm 2020. Ericsson cũng là một trong năm công ty trong Liên minh Năng lượng Thụy Điển-Việt Nam, cùng với ABB, Hitachi Energy, Hexicon và Linxon, chuyên đưa ra những khuyến nghị trong việc lồng ghép năng lượng tái tạo trong quy hoạch năng lượng quốc gia.
Các nhà đầu tư khác như Tetra Pak, Assa Abloy, Polarium và Hestra coi tính bền vững là phương châm hoạt động của họ và hành động để trở thành những người tiên phong tại địa phương, chẳng hạn như triển khai các hoạt động xanh và thực hành phát triển bền vững cho các nhân viên trong hoạt động hàng ngày. Các nhà cung cấp giải pháp hệ thống quản lý tiêu chuẩn của Thụy Điển cũng sẵn sàng hợp tác với ngành công nghiệp Việt Nam để tìm ra phương pháp thực hành tốt nhất.
Triết lý của các doanh nghiệp là tạo ra những bước tiến phù hợp bằng cách áp dụng phương pháp thực hành tốt nhất từ các trường hợp tiền lệ, đánh giá kết quả và đầu tư vào việc khuếch đại các giải pháp hiệu quả.
Ông Pavel Poskakukhin- Chủ tịch Tiểu Ban Kỹ thuật số, EuroCham:
Chuyển đổi kỹ thuật số của các công ty châu Âu chủ yếu được thúc đẩy bởi khả năng tận dụng sự đổi mới trong không gian công nghệ ở các lĩnh vực web 3.0, AI và quan trọng nhất là an ninh dữ liệu để đảm bảo người tiêu dùng được bảo vệ khi họ được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này. EuroCham và các công ty thành viên của Tiểu ban Kỹ thuật số chuyên về những lĩnh vực này và có thể đóng góp kiến thức, chuyên môn và các phương pháp tốt nhất, chẳng hạn như giúp các công ty CNTT trong nước giành được thị phần lớn hơn, đưa ra các quyết định chiến lược tốt hơn và cải thiện lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh.
Quan hệ đối tác chặt chẽ là rất quan trọng trong hành trình này và chúng tôi hoan nghênh việc thành lập Tổ tư vấn để hỗ trợ Doanh nghiệp số Việt Nam đi ra thế giới gần đây, do Ngài Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Với tư cách là Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham, chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bên liên quan khác nhau của Việt Nam trong lĩnh vực này để tìm sự đồng thuận và đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công tại thị trường Châu Âu và ngược lại bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng cao và các thông lệ tốt nhất.
Tốc độ và tính nhất quán của các cải tiến đang diễn ra làm chúng tôi yên tâm rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang đồng hành để đảm bảo quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tiếp tục tăng tốc và được áp dụng thành công trong các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, giáo dục, v.v.. Bài học quan trọng từ kinh nghiệm của chúng tôi ở EU là hài hòa tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu khi đã thử nghiệm và chứng minh kỹ lưỡng để giảm thiểu ảnh hướng không tích cực và xây dựng lòng tin của công chúng và doanh nghiệp.
Chúng tôi kỳ vọng đầu tư sẽ bắt kịp các xu hướng kinh tế vĩ mô tích cực ở ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp để duy trì xu hướng này.
Ông Urs KLOETI - Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen/ Factory Manager, Nestle Vietnam Ltd
Phương pháp tiếp cận của Nestlé đối với vấn đề Chuyển đổi số trong sản xuất tại Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu là tìm kiếm trong xu hướng phát triển công nghệ bên ngoài những cơ hội có ý nghĩa mà chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ cũng như giúp chúng tôi có thể tiết kiệm và/hoặc có được cơ hội tăng trưởng. Chuyển đổi số trong sản xuất đã giúp chúng tôi trong việc số hóa dữ liệu và mang lại nhiều lợi ích cho chúng tôi. Nhờ Chuyển đổi số, chúng tôi tận dụng được các tiềm năng về hiệu suất cũng như các cơ hội phát triển bền vững. Về những kết quả đạt được, chúng tôi đạt mức giảm phát thải CO2 lên tới 38.000 tấn/năm.
Chuyển đổi số giúp chúng tôi kết nối nhân viên tại tất cả các cấp bậc trong công ty một cách hiệu quả và chủ động hơn. Chúng tôi đã xây dựng một vài mạng lưới nội bộ từ những đội ngũ sẵn có trong từng lĩnh vực quan trọng và hiện giờ tại mỗi thị trường chúng tôi cũng xây dựng những mạng lưới như vậy để xác định những vấn đề cần cải thiện và tìm kiếm những ứng dụng phù hợp nhất để xử lý những vấn đề này. Trong phần lớn các trường hợp, các công nghệ mới cũng được chúng tôi xác định dựa vào mô hình đề xuất từ cấp cơ sở lên cấp trên, tức là từ các nhà máy/thị trường lên tập đoàn và quy trình này được đẩy mạnh thông qua mạng lưới nêu trên.
Chuyển đổi số giúp mang lại những kết quả hữu hình đối với hoạt động của chúng tôi, đơn cử như: Giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; Giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; Giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành tay nghề cao.
Ông Ngô Diên Hy- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT: Triển khai 5G đồng tốc để tạo nên lợi ích cân bằng
Từ góc độ nhà cung cấp mạng như VNPT, chúng tôi cho rằng, cần chuẩn bị phương án đầu tư kỹ lưỡng. Trước đó, chúng ta đã triển khai 2G-3G-4G theo đúng lộ trình. Ban đầu khi triển khai 2G, các chi phí đầu tư là rất lớn, chi phí thuê nhà trạm rất cao. Đầu tư cao thì cước phí cao. Sau đó, việc triển khai 3G-4G có chi phí giảm dần.
Câu chuyện về 5G hơi khác một chút. Chúng tôi tập trung mạnh việc triển khai 5G để cung cấp dịch vụ cho đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp. Với đặc điểm tốc độ cao, độ trễ thấp, 5G sẽ tạo ưu thế cho phát triển năng lực sản xuất. 5G cũng cần những thử nghiệm để cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho một khu công nghiệp, một nhà máy, một cảng biển với những yêu cầu khác biệt về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ…
Nếu phát triển mạnh 5G, nhưng phía khách hàng/doanh nghiệp chưa có sự tương thích, chưa có nhu cầu thì sẽ không đạt hiệu quả. VNPT đang làm việc với một số nhà máy sản xuất để xây dựng các kết nối riêng. Chúng tôi tập trung vào thị trường ngách trước khi tiến tới thị trường đại chúng.
Trong quá trình này, cần có xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng, từ cả phía chính phủ, nhà cung cấp mạng, khách hàng doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ…
Diễn đàn là kênh đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của hợp tác công – tư trong hành trình số và Xanh tại Việt Nam. Diễn đàn cũng là nơi giao lưu, kết nối cơ hội đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế. Thúc đẩy hợp tác công nghệ giữa các doanh nghiệp chính là nhân tố để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, thông minh hơn và phát triển xanh hơn tại mỗi doanh nghiệp.