Những đơn vị của Viện KSND tối cao sau khi sắp xếp bộ máy

So với Nghị quyết 951/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về bộ máy làm việc, dự thảo Nghị quyết lần này đã bỏ quy định về số lượng tối đa Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng như số lượng tối đa cấp phó tại các đơn vị cấp cục, vụ

Chiều 7/2, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy của Viện KSND tối cao.

Kết thúc hoạt động, sáp nhập, sắp xếp lại một số đơn vị cấp vụ

Trình bày Tờ trình, Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Hồ Đức Anh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện KSND tối cao. Cụ thể, sáp nhập Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5); tên đơn vị sau sáp nhập là “Vụ công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng”. Kết thúc hoạt động của Vụ Thi đua - Khen thưởng, chuyển nhiệm vụ về Văn phòng Viện KSND tối cao.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Hồ Đức Anh trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Hồ Đức Anh trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết.

Sáp nhập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (T2) và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh (T3); tên đơn vị sau sáp nhập là “Trường Đại học Kiểm sát”, có Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh trên cơ sở xây dựng đề án cơ cấu lại Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh thành “Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh”.

Cơ cấu, sắp xếp lại 2 đơn vị Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Tạp chí Kiểm sát thành 2 đơn vị: Vụ Pháp chế và Viện Khoa học kiểm sát. Đề nghị chỉnh sửa tên của một số đơn vị trực thuộc bảo đảm ngắn gọn, khái quát, vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ và có tính tương đồng nhất định với TAND tối cao và Bộ Công an.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của Viện trưởng Viện KSND tối cao về đề nghị kết thúc hoạt động, sáp nhập và sắp xếp lại một số đơn vị cấp vụ trực thuộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp.

So với Nghị quyết 951/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về bộ máy làm việc, dự thảo Nghị quyết lần này đã bỏ quy định về số lượng tối đa Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng như số lượng tối đa cấp phó tại các đơn vị cấp cục, vụ.

Bộ máy làm việc của Viện KSND tối cao gồm 24 đơn vị

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với việc ban hành Nghị quyết và các nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao về tổ chức bộ máy của Viện KSND tối cao với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo Nghị quyết, bộ máy làm việc của Viện KSND Tối cao gồm 24 đơn vị. Cụ thể gồm: Ủy ban Kiểm sát; Văn phòng; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy; Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án tư pháp; Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự; Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao; Vụ Kiểm sát giam giữ và thi hành án hình sự; Vụ Kiểm sát án dân sự; Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại; Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự; Vụ Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp; Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Cục Thống kê tội phạm và Chuyển đổi số; Cục Tài chính; Thanh tra; Trường đại học Kiểm sát (có phân hiệu Trường đại học Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh); Viện Khoa học kiểm sát; báo Bảo Vệ Pháp luật; Viện Kiểm sát quân sự trung ương. Cũng theo nghị quyết được thông qua, Viện trưởng Viện KSND Tối cao quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của các đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện KSND Tối cao.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhung-don-vi-cua-vien-ksnd-toi-cao-sau-khi-sap-xep-bo-may-i758472/