Những đóng góp của quân và dân Hoằng Hóa trong kháng chiến chống Mỹ
Đại thắng mùa xuân 1975 là một trong những trang sử hào hùng và chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 48 mùa xuân đã đi qua nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, lật đổ chế độ ngụy quyền để Tổ quốc trọn niềm vui thống nhất vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và Nhân dân Hoằng Hóa nói riêng. Truyền thống đó tiếp tục được khơi dậy và phát huy trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong giai đoạn hiện nay.
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng: “Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Đảng bộ, quân và dân huyện Hoằng Hóa đã nhanh chóng khôi phục và phát triển sản xuất, củng cố hậu phương, ổn định đời sống nhân dân. Trong gần 10 năm xây dựng CNXH, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã phát triển một bước, năng suất lao động được nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Phong trào thi đua xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến ở tất cả các ngành, các cấp được đẩy mạnh…
Cuối năm 1964, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, chúng ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc.
Trong những tháng ngày thử lửa gian nan đó, huyện Hoằng Hóa với vị trí chiến lược xung yếu: nằm ở bờ bắc cầu Hàm Rồng, có đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1A, đường sông, đường biển với 2 cửa Lạch Trường và Lạch Trào, có cầu Tào thông thương Bắc Nam được xem như “điểm tắc lý tưởng” trên con đường chiến lược vận tải chi viện từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn, do đó trở thành một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hoằng Hóa đã tập trung xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện cho cuộc chiến đấu, sẵn sàng đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện cho tuyền tuyến lớn miền Nam. Mỗi hợp tác xã, mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học trong huyện đều thành lập các đơn vị tự vệ chiến đấu. Ở các vùng xung yếu, khu vực trọng điểm còn có các Ban sơ tán, Ban phòng không nhân dân, Ban cứu tải thương, hậu cần chi viện bộ đội,... Trên mặt trận giao thông-vận tải, nhiều tuyến đường giao thông chiến lược mới được mở, thu hút hàng vạn lao động ở các xã tham gia. Việc tổ chức trực chiến giao thông ban đêm cũng trở thành thường xuyên suốt Quốc lộ 1A.
Phong trào thi đua bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh được phát động khẩn trương, rộng rãi mà nổi bật nhất là trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường đã bắn tan xác 2 chiếc máy bay F4 và AD6, trong đó có chiếc thứ 2.400 của giặc Mỹ bị rơi trên miền Bắc tháng 10 năm 1967.
Noi gương sáng của các cụ, ngày 11 tháng 11 năm 1967, Trung đội dân quân gái xã Hoằng Trường tiếp tục bắn rơi 1 máy bay Mỹ và 5 ngày sau, 2 đội dân quân gái Hoằng Trường và Hoằng Hải lại phối hợp chiến đấu, bắn rơi cả tốp 2 máy bay AD6, được Bác Hồ gửi thư khen.
Cũng thời gian đó, 2 đơn vị nữ dân quân Hoằng Yến, Hoằng Ngọc phối hợp với bộ đội cao xạ bắn bị thương 1 máy bay khác tại trận địa cầu Cách.
Đặc biệt, tại trận tuyến Hàm Rồng, nơi được xem là “điểm nóng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của huyện cũng như trên miền Bắc, trong các ngày 3-4 tháng 4 năm 1965 và suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ sau đó, quân dân Hoằng Hóa đã dũng cảm kiên cường bám đất bám làng trực tiếp đánh giặc, cứu chữa, chăm sóc thương binh, tiếp lương, tải đạn, ngụy trang xe pháo, sửa cầu, san đường, lấp hố bom,… góp phần xứng đáng cùng cả tỉnh bắn rơi 147 máy bay giặc Mỹ.
Hình ảnh 75 dũng sỹ Yên Vực đội mưa bom bão đạn của kẻ thù băng qua sông tải đạn, dũng sỹ Nguyễn Thị Hiền kiên cường nơi tuyến lửa chân cầu, em Lê Thị Hoàn 14 tuổi xung phong ra trận và hy sinh khi đang cầm ca tiếp nước cho bộ đội, 13 dân quân cảm tử xã Hoằng Châu chèo thuyền chở bộ đội hải quân phá thủy lôi trên sông Mã cùng bao tấm gương chiến đấu hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, quần chúng Nhân dân mãi mãi là những tấm gương chói lọi, những bông hoa bất tử tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương Hoằng Hóa.
Trong thời gian chiến tranh ác liệt ấy, giặc Mỹ đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác man rợ trên đất Hoằng Hóa. Không quân Mỹ đã đánh vào huyện 820 trận, trút xuống hàng vạn quả bom, 20 lần pháo kích từ ngoài biển vào đất liền. Có 100% xã trong huyện bị đánh đánh phá, trong đó 2/3 số xã bị tàn phá nặng nề. Bom Mỹ đã giết hại gần 3.000 người dân vô tội, phá hủy trên 7.000 ngôi nhà cùng nhiều trạm trại, HTX, công trình thủy lợi, hàng ngàn trâu bò, lợn gà bị giết.
Chỉ tính riêng xã Hoằng Long (nay là phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa) với diện tích chưa đầy 2km2 với số dân khoảng 3.500 người nhưng đã phải gánh chịu 3.600 quả bom phá, 22 ngàn bom bi, 160 quả đại bác, 950 quả rốc két, 16 bom từ trường và 320 loạt đạn 20 ly.
Chiến tranh ác liệt là thế, song quân dân Hoằng Hóa vẫn kiên cường bán trụ đất đai, thôn làng, đảm bảo giao thông, chi viện sức người sức của để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
10 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Hoằng Hóa đã tham gia 940.000 ngày công đào đắp công sự, đóng góp 50.000 cọc tre, tháo dỡ 1.536 nhà cho xe pháo đi qua, làm trận địa, hầm cứu thương cho bộ đội và xây dựng tuyến phòng thủ bờ biển, tổ chức 30 đội với 212 người tháo gỡ 16 quả bom phá, 36 bom từ trường, giải phóng đường 1A cho xe vận tải hàng hóa, đạn dược vào Khu 4 và giải phóng ngư trường cho ngư dân đánh bắt hải sản.
Tham gia cùng với tỉnh chi viện cho tuyền tuyến trên 60.000 tấn lương thực, hơn 5.000 tấn thịt lợn, 2.600 tấn cá tôm, 180 tấn vịt gà và gần 3.000 tấn lạc, cung cấp kịp thời nhu cầu của tiền phương. Trên mặt trận giao thông, đã tổ chức 5.820 lượt người và phương tiện vận chuyển 8.315 hòm đạn phục vụ cho các trận địa pháo bắn máy bay, tàu chiến; trung chuyển hàng vạn tấn lương thực cho các đoàn xe lửa Bắc - Nam an toàn, kịp thời.
Trong suốt cuộc chiến tranh, toàn huyện có 5.016 người con đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường và gần 2.000 người để lại một phần xương máu nơi trận mạc; trong đó có 304 gia đình có 2 con, 16 gia đình có 3 con, 72 gia đình có 1 con độc nhất là liệt sỹ.
Ghi nhận những đóng góp đó, huyện có 4 đơn vị được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Trung đội lão dân quân Hoằng Trường đã được Quốc hội tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tập thể dân quân Yên Vực được tuyên dương tập thể dũng sỹ gồm 75 người gọi là “75 dũng sỹ Yên Vực”. Từ 1 anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, đến thời chống Mỹ, toàn huyện có thêm trên 40 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, trên 400 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 30.000 huân, huy chương các hạng được trao cho đơn vị huyện, xã, các ngành và cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải chi viện chiến trường.
Có thể nói, trong bức tranh chiến thắng hào hùng của dân tộc, quân và dân huyện Hoằng Hóa tự hào đã đóng góp một phần xứng đáng ở giai đoạn lịch sử mà thử thách thật ác liệt nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Đất nước hòa bình, đổi mới, hòa cùng vào sự phát triển đi lên, huyện Hoằng Hóa hôm nay đang khởi sắc hàng ngày. Kinh tế phát triển với tốc độ cao, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, huyện đã hoàn thành về đích nông thôn mới năm 2020.
Những thành tích mà quân dân Hoằng Hóa đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là động lực tinh thần to lớn để đảng bộ, chính quyền quân và dân Hoằng Hóa ra sức xây dựng quê hương, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030.
Trần Đức Tuấn (Huyện ủy Hoằng Hóa)
—
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Cuốn Lịch sử đảng bộ và phong trào cách mạng của nhân dân Hoằng Hóa, T1, 1995; Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Hoằng Hóa (1945-2007), NXB Thanh Hóa, 2008).