Những đóng góp của Tiểu đoàn tên lửa vác vai 172 trong Chiến dịch Nguyễn Huệ và Chốt chặn Tàu Ô

Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 trên chiến trường Đông Nam Bộ nói chung, chiến đấu phòng ngự Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng nói riêng có nhiều lực lượng của ta tham gia. Trong đó có một lực lượng tham gia và đạt được những thành tích đáng kể nhưng ít ai biết đến, đó là Tiểu đoàn tên lửa 172 thuộc Trung đoàn 64 Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tên lửa vác vai là loại tên lửa tầm nhiệt do Liên Xô tài trợ cho lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ (đầu năm 1971). Loại vũ khí này có tên gọi đầy đủ là “tên lửa phòng không vác vai 9k32 Strele2 (định danh NATO là SA-7)”, bộ đội ta gọi là A72. Đây là loại tên lửa có tầm bắn thấp, từ dưới 3km trở xuống nên chủ yếu dùng để bắn các loại máy bay hoạt động tầm thấp hoặc máy bay tầm cao như C130 nhưng khi hoạt động ở tầm thấp.

Theo các cựu chiến binh của tiểu đoàn, đơn vị tên lửa 172 được thành lập tháng 1-1972 gồm 4 đại đội với quân số hơn 800 người, chia làm 4 đại đội. Trong đó, đại đội 1 và đại đội 2 được điều động vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị; đại đội 3 và đại đội 4 hành quân vào Nam, chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Các đơn vị hành quân bằng hình thức đi bộ theo đường Trường Sơn (chủ yếu là nhánh Tây) từ Việt Nam qua Lào, đến Campuchia và về lại Việt Nam qua địa phận Lộc Ninh (theo đường 13 vào vùng Lộc Tấn). Sau khi đến Lộc Ninh, lực lượng tên lửa vác vai 172 đóng quân tại khu vực gọi là rừng cấm (xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh).

Khi đến Lộc Ninh, đơn vị tách thành 6 tổ, mỗi tổ từ 3 đến 4 người, trong đó có 1 chỉ huy, 1 xạ thủ chính, 1 xạ thủ dự bị và 1 người hỗ trợ. Hoạt động chiến đấu của đơn vị chủ yếu là phối thuộc. Do đó, mặt trận chiến đấu của đơn vị Tiểu đoàn 172 trải khắp chiến trường Nam Bộ. Mặc dù lực lượng không nhiều, hoạt động tương đối độc lập nhưng với sự cơ động nhanh và linh hoạt, tính hiệu quả chiến đấu cao, tên lửa vác vai A72 có vai trò rất quan trọng, là đơn vị chia lửa cho các lực lượng của ta chiến đấu trên chiến trường. Khi địch sử dụng máy bay vào trận địa, áp lực của địch lên các lực lượng chiến đấu của ta là rất lớn. Có thể, máy bay trinh sát sẽ phát hiện vị trí của ta để chúng sử dụng hỏa lực tấn công, hoặc dùng máy bay ném bom trực tiếp vào các đơn vị của ta. Nếu như vậy, tổn thất lực lượng của ta là rất lớn. Nếu bắn rơi được máy bay địch khi chúng tiến hành tấn công lực lượng của ta, áp lực không quân của địch sẽ giảm đi đáng kể, sức mạnh của địch từ đó cũng giảm đi, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta triển khai lực lượng chiến đấu, từ đó có thể mang lại thắng lợi cho các trận đánh, các chiến dịch. Vấn đề này đã được kiểm chứng qua thực tiễn chiến đấu ở chiến trường như: Trận Bình Long 4-1972, chiến đấu phòng ngự Chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng (từ tháng 5-1972 đến tháng 8-1972), trận Bù Bông - Kiến Đức (1-1973)...

Thời điểm này, chiến trường Đông Nam Bộ với chiến dịch Nguyễn Huệ đang diễn ra vô cùng ác liệt, địch sử dụng nhiều loại máy bay để hỗ trợ các lực lượng tham chiến, để tấn công, ném bom vào các đơn vị của ta. Vì vậy, lực lượng tên lửa vác vai 172 được triển khai ngay vào các trận địa để phối hợp với các đơn vị tiến hành đánh địch.

Trong cuộc tấn công vào thị xã An Lộc, một tổ A72 được triển khai để bắn may bay địch. Địa hình vùng An Lộc có địa hình phức tạp, phía Đông có núi Gió và những ngọn đồi tiếp giáp. Địch lợi dụng địa hình để bay và ném bom vào trận địa nên rất khó phát hiện và bắn hạ kịp thời. Sau nhiều ngày phục đón, đến sáng 13-4, chiến sĩ Nguyễn Quang Lộc đã bắn hạ được chiếc máy bay AD6, phi công sau khi nhảy dù đã bị bắt sống. Đến ngày 14-4, chiến sĩ Lộc tiếp tục bắn rơi một máy bay OV10 khi chúng lên ném bom vào lực lượng ta đang bao vây An Lộc.

Xạ thủ A72, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Lộc (ngoài cùng bên phải) và đồng đội. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng

Trong thế trận phòng thủ để bảo vệ vùng giải phóng Lộc Ninh, lực lượng 172 cũng có một tổ sẵn sàng chiến đấu và đã lập được thành tích. Trong đó, phải kể đến xạ thủ - chiến sĩ Nguyễn Văn Toản đã bắn rơi 1 máy bay C130 và 1 máy bay không người lái. Tiếp đó, đơn vị còn bắn rơi 1 máy bay A37. Những chiến công này đã làm nức lòng người dân Lộc Ninh, khi họ lần đầu tiên được chứng kiến máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Lộc Ninh.

Đối với chiến trường Tàu Ô - Xóm Ruộng (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước ngày nay), trong suốt 150 ngày đêm chiến đấu phòng ngự ở Tàu Ô - Xóm Ruộng, lực lượng tên lửa 172 cũng tham chiến, phối thuộc với các đơn vị và lập được những thành tích đáng kể. Chiến sĩ Nguyễn Văn Thoa trong lần đầu tiên được giao nhiệm vụ đã bắn hạ chiếc L19 - loại máy bay trinh sát chỉ điểm cho các lực lượng tấn công vào các vị trí có lực lượng của ta. Những ngày sau đó, chiến sĩ Thoa còn bắn rơi thêm 2 máy bay trực thăng tại trận địa chiến đấu phòng ngự Tàu Ô - Xóm Ruộng. Sau khi thay thế tổ bắn khác, chiến sĩ Phạm Văn Vượng cũng đã chiến đấu tại Tàu Ô và bắn rơi máy bay địch.

Cũng trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đơn vị Tiểu đoàn tên lửa vác vai 172 còn tham gia trận đánh vào Kiến Đức - Bù Bông (1-1973), bắn rơi máy bay AV10, góp phần mang lại thắng lợi cho trận đánh, giải phóng vùng đất này, kết nối với vùng giải phóng Lộc Ninh tạo thành vùng căn cứ rộng lớn để bộ đội Trường Sơn xây dựng chiến lược tập kết lực lượng chi viện cho chiến trường Nam Bộ trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Xạ thủ A72, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Lộc và tác giả bài viết

Xạ thủ A72, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Lộc và tác giả bài viết

Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng hơn 3 năm, từ tháng 1-1972 đến 4-1975, nhưng với sự sáng tạo, linh hoạt và gan dạ của mình, các xạ thủ của lực lượng tên lửa vác vai 172 đã lập được những thành tích rất nổi bật. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban liên lạc Cựu chiến binh 172, đơn vị đã có khoảng 45 chiến sĩ bắn rơi máy bay Mỹ, đã có 157 máy bay Mỹ bị bắn hạ, trong đó có những máy bay thuộc loại khó bắn hạ như AV10, A37, C130. Có những chiến sĩ, tổ bắn bắn rơi một vài chiếc máy bay nhưng cũng có những người bắn rơi hàng chục chiếc. Trong số đó, người bắn rơi nhiều nhất là xạ thủ Hoàng Văn Quyết, với 16 chiếc bị ông bắn hạ; ông Nguyễn Văn Thoa bắn rơi 13 chiếc, trong đó có 3 chiếc bắn rơi ở Tàu Ô - Xóm Ruộng; xạ thủ Nguyễn Đắc Luận bắn rơi 9 chiếc; xạ thủ Trần Văn Xuân bắn rơi 8 chiếc.

Những câu chuyện bắn rơi máy bay của các xạ thủ tên lửa 172 đã trở thành những huyền thoại trong chiến tranh. Họ trở thành nỗi khiếp sợ đối với lực lượng không quân Mỹ - ngụy trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, không ít chiến sĩ đã ghi dấu ấn lịch sử, góp phần vào thành tích chung trong thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, đặc biệt là những trận đánh bao vây An Lộc, chiến đấu phòng ngự Tàu Ô - Xóm Ruộng. Cùng với thành tích oanh liệt là sự hy sinh mất mát to lớn của các chiến sĩ 172. Nhiều người vẫn còn nằm lại trên các vùng đất trước đây là chiến trường mà đến nay người thân, đồng đội vẫn chưa tìm được hài cốt.

Với những thành tích đạt được trong kháng chiến, Tiểu đoàn tên lửa vác vai 172 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 4 đại đội được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị cũng đã có 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (những người có thành tích bắn rơi 5 chiếc máy bay trở lên sẽ được phong tặng). Trong đó, có những người đã từng là xạ thủ chiến đấu trên chiến trường Bình Phước, tham gia vào các trận đánh quan trọng trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, cùng các lực lượng làm nên thắng lợi to lớn.

Có thể khẳng định, trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 ở Đông Nam Bộ nói riêng, trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đơn vị Tiểu đoàn tên lửa vác vai 172 đã có những đóng góp rất to lớn, góp phần vào thắng lợi cuối cùng ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước.

Phạm Hữu Hiến (Bảo tàng tỉnh Bình Phước)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136371/nhung-dong-gop-cua-tieu-doan-ten-lua-vac-vai-172-trong-chien-dich-nguyen-hue-va-chot-chan-tau-o