Chủ tịch Hồ Chi Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và căn nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội
Tầng 2, nhà số 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng ở, làm việc và hội họp từ ngày 25/8 đến ngày 2/9/1945. Ảnh: ST
Khoảng thời gian trên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong cuốn hồi ký "Những chặng đường lịch sử", do nhà văn Hữu Mai ghi lại, NXB Văn học ấn hành năm 1977.
Những chú thích ảnh sau đây sẽ được trích theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn hồi ký
"Về Hà Nội, chúng tôi ở phố Hàng Ngang. Thành ủy đã bố trí cho chúng tôi ở tại một tia đình cơ sở" (trang 227). Ảnh: Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội sưu tầm
"Anh chị chủ nhà ở phố Hàng Ngang đã dành cho chúng tôi tầng gác 2. Bác được mời lên tầng 3 làm việc cho tĩnh. Nhưng Bác không thích ở một mình, cùng ở với chúng tôi" (trang 238)
"Tầng gác này vốn là phòng ăn và buồng tiếp khách nên không có bàn viết" (trang 238).
"Bác ngồi viết ở cái bàn ăn rộng thênh thang" (trang 238).
"Chiếc máy chữ của Bác được đặt trên cái bàn vuông nhỏ, mặt bọc ni-xanh, kê ở góc buồng" (trang 238).
"Hết giờ làm việc, mỗi người kiểm một chỗ nghỉ luôn tại đó. Người nằm ở đi-văng. Người ngủ trên những chiếc ghế kê ghép lại" (trang 238).
"Bác nghỉ trên một chiếc chế xếp bằng vải trước kia vẫn dựng ở góc buồng" (trang 238)
"Ngay từ hôm Bác mới về, những toán quân Tưởng đầu tiên đã xuất hiện ở Hà Nội. Đó là những tên thám báo và tiền trạm. Đứng trên bao lơn, chúng tôi nhìn thấy những toán quân Tưởng lẻ tẻ vẫn tiếp tục kéo đến" (trang 238)
"Bác chủ tọa phiên họp đầu tiên của Thường vụ tại Hà Nội. Cách mạng đã thành công ở hầu khắp các tỉnh. Nhưng chính quyền cách mạng Trung ương vẫn chưa thành lập. Tình hình trong, ngoài lại rất khẩn trương, Thường vụ nhận thấy phải sớm công bố danh sách Chính phủ lâm thời và tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ. Những việc này cần làm ngay trước khi đại quân của Tưởng kéo vào" (trang 239)
Danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp thông qua tại số nhà 48 Hàng Ngang, ngày 26/6/1945. Ảnh: Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội.
"Ngoài đường lối, chính sách của Chính phủ, phải chuẩn bị cả những lời thề để đưa ra trước nhân dân. Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: Thảo bản Tuyên ngôn Độc lập" (trang 240)
"Trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy" (trang 240)
"Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì" (trang 241)
"Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết là mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử" (trang 241)
"Một buổi sáng, Bác và anh Nhân gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người" (trang 241)
"Hai mươi sáu năm trước, Bác đã tới Hội nghị hòa bình Véc-xây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình" (trang 241). Giờ phút này, Người đang thay mặt cho cả dân tộc, hái quả của tám mươi năm đấu tranh" (trang 241)
"Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người" (trang 241)
Được biết, chủ nhân căn nhà khi ấy là vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội sưu tầm
Bài, ảnh: Trường Hùng