Những đồng muối cuối cùng ở miền bắc

Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm muối theo hình thức phơi cát tại các tỉnh phía bắc càng ngày càng thu hẹp. Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, trong đó có quy hoạch nghề muối phơi cát tại năm tỉnh phía bắc nhưng thực tế tại các địa phương cho thấy rất khó bảo đảm các mục tiêu của Đề án. Diện tích và người làm nghề muối tiếp tục giảm mạnh...

Cánh đồng muối xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang bị bỏ hoang.

Cánh đồng muối xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang bị bỏ hoang.

Bài 1: Gian truân nghề muối

Những ngày tháng 8, chúng tôi có mặt tại những cánh đồng muối cuối cùng ở hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, ghi nhận thực trạng hiu hắt của nghề làm muối phơi cát truyền thống. Nhiều "vựa muối" ở hai địa phương này nay chỉ còn trong ký ức. Diêm dân không còn mặn mà theo nghề mà chuyển sang làm công việc khác.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng muối của Hợp tác xã Đại Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy (Thái Bình), anh Hoàng Đình Toàn, Trưởng phòng Cơ điện và Ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) cho biết: "Muốn gặp diêm dân thì phải đến đồng muối vào giờ nắng nhất".

Nguy cơ xóa sổ nghề muối tại Thái Bình, Nam Định

14 giờ, trời nắng như xối lửa trên đồng muối xã Thụy Hải. Những diêm dân trang phục kín mít mải miết cào, vun những hạt muối vừa kết tinh trên sân phơi thành đống. Họ đang chạy đua với nắng. Cựu Giám đốc Hợp tác xã Đại Đồng Vũ Đức Tuấn cùng vợ tất bật, người phơi cát, người cào muối. Anh Tuấn kể, Đại Đồng từng có diện tích làm muối lớn nhất nhì tỉnh với 80ha, giờ thực tế chỉ còn vài héc-ta nằm xen giữa gần 30ha đang để hoang, cỏ mọc um tùm. Nguyên nhân cơ bản là do công làm muối thấp, nên lao động nghề muối ngày một ít. Hầu hết diêm dân chuyển sang làm công nhân đóng tàu, nuôi thủy sản và đánh bắt cá ven bờ. Chủ tịch UBND xã Thụy Hải, Tạ Duy Bình cho biết: "Thụy Hải có hai hợp tác xã muối là Đại Đồng và Duyên Hải, diện tích làm muối theo quy hoạch của Chính phủ là 50ha nhưng thực tế gần như đang để hoang, chỉ còn vài chục hộ dân sản xuất cầm chừng. Tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng đang xúc tiến các giải pháp để phát triển nghề muối gắn với du lịch tâm linh là tham quan khu di tích Đền, Phủ thờ Bà Chúa Muối, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ mới triển khai được. Cả xã hiện còn khoảng 50 hộ dân kiên trì bám nghề, giữ đồng muối". Chị Tô Thị Chung ở xã Thụy Hải chia sẻ: "Giá muối năm nay tăng cao cho nên diêm dân chúng tôi phấn khởi lắm! Hiện giá muối bán tại ruộng khoảng 3.500 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các năm trước. Tuy giá muối tăng nhưng nghề làm muối thu nhập cũng chẳng là bao vì thế diêm dân ngoài sản xuất muối còn phải đi làm thêm nghề khác để bảo đảm đời sống. Nhiều gia đình bỏ nghề để đi làm công nhân trong các công ty, bởi lương cao hơn lại đỡ vất vả. Lao động làm nghề muối hiện nay chủ yếu là người già".

Từng là tỉnh có truyền thống làm muối ở miền bắc với hai địa danh nức tiếng nghề muối là Diêm Điền và Đền, Phủ thờ Bà Chúa Muối, lại mới được quy hoạch vùng sản xuất muối 50ha nhưng thực tế chỉ khoảng 7ha còn sản xuất muối. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, Đinh Vĩnh Thụy cho rằng: "Nếu không có tác động của Nhà nước, chắc chắn nghề muối ở Thái Bình sẽ bị xóa sổ. Trước mắt, để giữ nghề, tỉnh đã có đề án khôi phục và phát triển nghề muối ở Thụy Hải và sẽ gắn với phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người làm muối. Nhưng để thực hiện đòi hỏi thời gian dài cũng như phải kéo được doanh nghiệp đầu tư...".

Những cánh đồng muối ở các xã: Hải Lý, Hải Đông, Hải Chính… huyện Hải Hậu (Nam Định) trước đây luôn tấp nập người sản xuất. Nhưng hiện nay, nhiều diện tích đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu, ba xã nêu trên có tổng diện tích đất làm muối khoảng 109ha, nhưng hiện chỉ có 28ha với hơn 100 hộ tham gia sản xuất, còn lại 81ha bỏ hoang. Lao động tham gia sản xuất muối hiện nay hầu hết đã từ 50 tuổi trở lên, lực lượng này bám với nghề chủ yếu là do không thể tham gia lao động trong các lĩnh vực khác. Nghề làm muối vất vả nhưng thu nhập lại thấp, trung bình một hộ diêm dân sản xuất 1.000m2 cũng chỉ thu nhập hơn 15 triệu đồng/năm. Trước thực trạng này, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các xã, thị trấn động viên diêm dân tích cực sản xuất; động viên các đơn vị kinh doanh muối trên địa bàn tu sửa hệ thống kho bảo đảm thuận lợi việc thu mua muối cho người dân; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Trung Kiên, hơn 80 tuổi ở thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, một trong những người gắn bó cả tuổi thanh xuân với nghề làm muối và cũng là một trong số ít người bám trụ cuối cùng với nghề muối. Ông Kiên chia sẻ: "Nghề muối gắn bó với tôi mấy chục năm trời, trải qua bao thăng trầm nhưng tôi vẫn cố giữ nghề cha ông để lại. Lúc cao nhất, gia đình tôi sản xuất sáu sào muối phơi cát. Trước kia, nghề làm muối giúp gia đình tôi bảo đảm được cuộc sống hằng ngày. Nhưng sau, giá muối xuống thấp, thu nhập không ổn định, nên đến năm 2017, gia đình tôi phải bỏ nghề".

Giám đốc Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (Nam Định) Phạm Văn Đạm chia sẻ: "Ưu điểm muối ở xã Bạch Long có nhiều khoáng chất hơn ở một số nơi làm muối khác nhưng nhược điểm là có nhiều tạp chất. Trước đây nghề muối trên địa bàn còn phát triển mạnh, muối nguyên liệu cho công ty luôn bảo đảm. Nhưng nay, nhiều diện tích bị bỏ hoang cho nên công ty phải mua muối nguyên liệu ở các địa phương khác ở khu vực miền trung về sản xuất. Việc thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của công ty".

Diêm dân xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thu hoạch muối.

Diêm dân xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định thu hoạch muối.

Nhọc nhằn giữ nghề

Trước đây, nghề làm muối phơi cát ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (Nam Định) giúp hàng nghìn hộ dân ổn định cuộc sống. Nhưng những năm gần đây, nghề muối phơi cát đang dần mai một. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ, diêm nghiệp, thủy sản và môi trường Bạch Long, Lại Văn Tiến cho biết: "Trước đây, cả xã có hơn 2.000 hộ sản xuất muối với diện tích 230ha. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 498 hộ sản xuất muối với diện tích 60ha, còn 170ha đang bị bỏ hoang. Nguyên nhân dẫn đến việc bỏ nghề là do giá muối những năm qua giảm mạnh, thời tiết ít ngày nắng, khiến sản lượng, chất lượng muối giảm ảnh hưởng đến đời sống diêm dân. Theo thống kê, bình quân mỗi sào làm muối phơi cát thu nhập vài ba triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ sản xuất được hơn 3 tháng. Trong khi đó, những lao động làm việc tại công ty, doanh nghiệp có thu nhập từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/tháng". Là một trong những hộ cuối cùng bám nghề muối phơi cát, bà Phạm Thị Xuân, xã Bạch Long chia sẻ: "Năm nay tôi đã 63 tuổi, gia đình chỉ còn hai vợ chồng già làm hai sào muối. Mặc dù thu nhập từ làm muối rất ít, khó trang trải được cuộc sống thường ngày nhưng vì tiếc tiền đã đầu tư làm ô, nề, thống, chạt cho nên hai vợ chồng vẫn cố giữ nghề. Ngoài làm muối, hằng ngày tôi vẫn đi làm thuê cho những gia đình nuôi tôm với tiền công 220.000 đồng/ngày để bảo đảm đời sống". Mặc dù nghề muối đang mai một nhưng việc giải quyết tình trạng bỏ hoang đất làm muối đang là bài toán khó đối với chính quyền xã Bạch Long. Chủ tịch UBND xã Bạch Long, Đỗ Đình Chung cho biết: "UBND xã đã lấy ý kiến của nhân dân từ đó làm cơ sở trình UBND huyện cho chuyển đổi những diện tích đất làm muối đang bỏ hoang sang trồng màu hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt".

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy, Trần Quang Hưng cho biết: "Trên địa bàn huyện có tổng diện tích đất để sản xuất muối khoảng 427ha tập trung ở thị trấn Quất Lâm và hai xã Giao Phong và Bạch Long. Nhưng hiện nay chỉ còn xã Bạch Long còn làm nghề này nhưng diện tích cũng đang giảm dần. Hầu hết diện tích làm muối trước đây bị bỏ hoang hoặc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau màu". Nguyên nhân là do phương thức sản xuất muối của người dân còn lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hơn nữa, giá muối không ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao; nghề làm muối thu nhập thấp hơn so với các ngành khác. Do đó, nhiều diêm dân bỏ nghề đi làm công việc khác có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều diện tích làm muối trước kia bà con nông dân thực hiện chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản hay trồng rau màu cho hiệu quả rất tốt". Điển hình như xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, trước đây có 78ha làm nghề muối phơi cát hiện nay đã chuyển đổi sang trồng rau màu và nuôi thủy sản. Phó Chủ tịch UBND xã Giao Phong, Bùi Văn Sơn cho biết: "Người dân trong xã đã bỏ nghề làm muối từ những năm 2012-2013. Sau đó xã đã xin huyện cho chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và trồng rau màu. Đối với trồng rau màu, hiện nay bình quân mỗi năm sản xuất được 3 đến 4 vụ, thu nhập đạt từ 300 triệu đến 350 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với làm muối".

Mặc dù Chính phủ đã có Đề án và các tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện nhưng ghi nhận thực tế tại các địa phương phía bắc cho thấy rất khó để bảo đảm diện tích theo Đề án. Để Đề án thực hiện hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp để giải quyết những điểm nghẽn, cũng như hỗ trợ diêm dân nâng cao thu nhập từ nghề làm muối.

(Còn nữa)

Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1325/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chung của Đề án là phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối. Theo Đề án, quy mô diện tích sản xuất muối phân theo tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó đối với muối phơi cát tại Thái Bình là 50ha, Nam Định 550ha, Thanh Hóa 200ha, Nghệ An 795ha và Hà Tĩnh là 280ha.

Bài, ảnh: BẢO TRUNG, HOÀNG HÙNG và TRẦN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-dong-muoi-cuoi-cung-o-mien-bac-post714686.html