Những đột phá của sách giáo khoa tiếng Anh theo chương trình mới

Chuyên gia từ các trường đại học đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh có những điểm sáng khi lấy người học làm trung tâm.

Với mục đích phát triển năng lực và phẩm chất của người học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phối hợp cùng các nhà xuất bản quốc tế lớn trên thế giới để phát hành các bộ sách giáo khoa tiếng Anh.

Sau một thời gian đưa vào giảng dạy tại trường học, sách giáo khoa tiếng Anh theo chương trình mới được đánh giá là có nhiều đột phá, giúp học sinh không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phát triển những kỹ năng khác.

Trao kỹ năng giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lương Quỳnh Trang, giảng viên Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Các bộ sách giáo khoa tiếng Anh mới được xây dựng trên hệ thống chủ điểm, chủ đề, các năng lực giao tiếp liên quan tới chủ điểm, chủ đề này cũng như hệ thống các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).

Sách giáo khoa sẽ giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho các em các năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh đầy đủ thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giúp các em sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ đạt được bậc năng lực 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam”.

Theo cô Trang, các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giúp các em có hiểu biết về đất nước, con người và nền văn hóa của một số quốc gia trên thế giới, đồng thời các em cũng được trang bị những hiểu biết về những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam.

Các bộ sách cũng có sự tích hợp kiến thức của các môn học khác, được biên soạn theo các đường hướng giảng dạy ngôn ngữ hiện đại giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời cũng góp phần tạo nên ý thức và trách nhiệm cộng đồng, khả năng thích ứng trong bối cảnh mới, hình thành cho các em các kỹ năng học tập và làm việc của thế kỷ 21 và niềm yêu thích đối với môn học.

Ngoài ra, chương trình còn góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết đối của người lao động như ý thức và trách nhiệm lao động, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng thích ứng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp mới.

 Sách giáo khoa Tiếng Anh trong bộ Chân trời sáng tạo hướng học sinh trở thành “công dân toàn cầu”. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sách giáo khoa Tiếng Anh trong bộ Chân trời sáng tạo hướng học sinh trở thành “công dân toàn cầu”. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Thạc sĩ Chu Quang Bình, Trưởng Bộ môn Văn học Anh thuộc Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội cho biết, sách giáo khoa tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đã có một số điểm đổi mới quan trọng so với chương trình trước đây.

Thứ nhất là tích hợp và liên môn qua phần CLIL - Content and Language Integrated Learning. Chương trình mới chú trọng đến việc tích hợp và liên kết các môn học khác nhau, giúp học sinh không chỉ học tiếng Anh mà còn sử dụng tiếng Anh để tiếp cận và tìm hiểu các kiến thức của các môn học khác như Khoa học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Điển hình như sách giáo khoa tiếng Anh thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo có những đơn vị bài học thực tế như Những mối quan hệ, Nghề nghiệp, Sức khỏe, Phong tục và văn hóa, Kỳ nghỉ và du lịch, Thay đổi thế giới… Hệ thống chủ đề đa dạng, cập nhật cuộc sống hiện đại, gợi mở học sinh khám phá, tìm hiểu, năng nổ tham gia xây dựng tiết học trên lớp.

Giờ học tiếng Anh cũng trở nên sống động và thiết thực hơn với phần học “Văn hóa” cuối mỗi đơn vị bài học. Các chủ đề đều hướng về giáo dục một lối sống lành mạnh, có ý thức cộng đồng, giữ gìn văn hóa dân tộc, tôn trọng văn hóa nhân loại.

Thứ hai là phát triển năng lực giao tiếp. Thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp và từ vựng, chương trình mới đặt trọng tâm vào việc phát triển các kỹ năng giao tiếp thực tiễn, bao gồm nghe, nói, đọc và viết. Học sinh được khuyến khích tham gia vào các hoạt động giao tiếp đa dạng như thảo luận, tranh luận, và thuyết trình.

Thứ ba là học qua dự án và tình huống thực tế. Học sinh được tham gia vào các dự án học tập và giải quyết các tình huống thực tế bằng tiếng Anh. Điều này giúp họ phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và làm việc nhóm.

Thứ tư là tăng cường sử dụng công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được sử dụng rộng rãi trong dạy và học tiếng Anh. Học sinh có thể sử dụng các phần mềm học tập, các trang web giáo dục và các ứng dụng di động để nâng cao kỹ năng tiếng Anh.

Trong sách giáo khoa tiếng Anh Global Success thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có trang hoclieu.vn với các tính năng nổi bật, phục vụ cho nhu cầu giảng dạy và học của giáo viên và học sinh.

Thứ năm là đánh giá theo quá trình. Thay vì chỉ đánh giá cuối kỳ, chương trình mới áp dụng phương pháp đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình học tập. Điều này bao gồm việc đánh giá qua các bài tập, dự án, và các hoạt động học tập hàng ngày, giúp phản ánh chính xác hơn quá trình học tập và tiến bộ của học sinh.

Cuối cùng là chú trọng văn hóa và kết nối quốc tế. Chương trình mới không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn dạy về văn hóa các nước nói tiếng Anh, giúp học sinh hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau và có cái nhìn toàn diện hơn về thế giới. Các hoạt động giao lưu quốc tế, kết nối với học sinh từ các quốc gia khác cũng được khuyến khích.

 Một điểm đặc biệt của sách tiếng Anh thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo là tài liệu Đọc/Nghe được mở rộng, cập nhật thông tin thực tế. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Một điểm đặc biệt của sách tiếng Anh thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo là tài liệu Đọc/Nghe được mở rộng, cập nhật thông tin thực tế. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Giáo viên phải tạo cơ hội cho học sinh tự học

Theo cô Trang, phương pháp giảng dạy chủ đạo trong chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh là đường hướng giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp. Đường hướng này cho phép sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh.

Song hành với đường hướng này là đường hướng lấy người học làm trung tâm. Trong lớp học áp dụng hai đường hướng này, vai trò của cả thầy cô giáo và học sinh đều có sự thay đổi.

Học sinh sẽ được tạo điều kiện tối đa để tham gia chủ động vào quá trình lĩnh hội tri thức của bản thân, tương tác với các bạn học và thầy cô để thu nhận kiến thức, phát triển các kỹ năng giao tiếp…

Trong quá trình này, học sinh sẽ được các thầy cô giáo hỗ trợ, hướng dẫn để dần dần các em sẽ có thể chủ động học tập và lĩnh hội kiến thức. Như vậy, học sinh sẽ được trao cơ hội để tự học nhiều hơn và chủ động hơn.

Sách giáo khoa được thiết kế với hoạt động học là trung tâm, giúp năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh của các em học sinh được phát triển thông qua hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo.

Điển hình như một trong những kỹ năng ngôn ngữ yêu cầu trong bộ sách giáo khoa Global Success là học sinh sẽ phải trình bày được các dự án học tập.

Sự xuất hiện của phương pháp dạy học theo dự án - một phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, với các dự án học tập đa dạng tạo ra các cơ hội cho học sinh được chủ động làm việc với các bạn, tự lên kế hoạch hoàn thành dự án, tự tìm kiếm thông tin, tự hoàn thành sản phẩm và thuyết trình trước lớp.

 Những yêu cầu cần có khi triển khai giờ học tiếng Anh qua dự án. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Những yêu cầu cần có khi triển khai giờ học tiếng Anh qua dự án. Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động luyện tập ngôn ngữ ở mức tối đa và từng bước nâng cao khả năng tự học.

Việc này cần được thực hiện từ sớm và liên tục, với các hướng dẫn và trợ giúp rồi dần dần tạo cơ hội cho học sinh tiến hành độc lập.

Bởi vì, học sinh không chỉ học tiếng Anh để làm bài tập ngữ pháp hay đọc hiểu mà sau khi học chương trình phổ thông mới các em sẽ có thể sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản và thiết thực về những chủ đề quen thuộc.

Học sinh có thể sử dụng tiếng Anh ở bậc phổ thông làm nền tảng cho việc học và giao tiếp tiếng Anh ở các cấp học cao hơn hoặc có thể sử dụng tiếng Anh để làm việc ngay sau khi học xong cấp trung học phổ thông.

“Học sinh có thể sử dụng tiếng Anh để nâng cao chất lượng học tập các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông bởi vì hiện nay các kiến thức của các môn học khác được viết bằng tiếng Anh khá nhiều.

Việc chương trình chú trọng vào phát triển 4 kỹ năng cũng góp phần làm thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên. Trong các giờ học thầy cô sẽ tổ chức các hoạt động học tập đa dạng, tập trung vào việc tạo cơ hội cho học sinh giao tiếp qua 4 kỹ năng và chủ động hơn trong học tập như các nhiệm vụ hay dự án học tập.

Khi tự học các em sẽ tìm ra các đặc điểm, năng lực của cá nhân mình và lựa chọn được phương pháp học tập phù hợp với bản thân mình nhất. Việc tự học, tự tìm hiểu cũng giúp các em trở thành những người học có khả năng học tập độc lập trong tương lai.

Dần dần học sinh sẽ có thể phát triển được không chỉ các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh mà còn phát triển được các kỹ năng mềm, các kỹ năng học tập và làm việc của thế kỷ 21 như kĩ năng tìm kiếm thông tin, kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề, đồng thời góp phần hình thành thói quen học tập suốt đời” - giảng viên Khoa Sư phạm tiếng Anh chia sẻ.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhung-dot-pha-cua-sach-giao-khoa-tieng-anh-theo-chuong-trinh-moi-post246622.gd