Những đột phá trên thị trường vaccine toàn cầu nhìn từ đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển vaccine và Hàn Quốc có thể là một mô hình để các quốc gia khác học hỏi trong những đại dịch tiếp theo.

Đây là những đánh giá được đưa ra tại diễn đàn “The Korea Herald Biz Forum” được tổ chức tại thủ đô Seoul của Hàn Quốcvừa qua.

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, phát biểu tại một phiên thảo luận đặc biệt có tiêu đề “Công nghệ chữa bệnh”, người đồng sáng lập Moderna Robert Langer và Tổng Giám đốc Viện Vaccine quốc tế (IVI), tiến sỹ Jerome Kim, đã chia sẻ suy nghĩ về cách thức cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tạo ra những tiến bộ lớn trong công nghệ vaccine và những bài học mà nhân loại có được.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong đó, ông Robert Langer cho biết đã tư vấn cho một số công ty Hàn Quốc và ông “rất ấn tượng với khoa học Hàn Quốc và các công ty công nghệ sinh học”. Ông nhấn mạnh rằng: “Có những công ty tuyệt vời đang thực hiện các nghiên cứu tiên tiến. Tôi cảm thấy tinh thần kinh doanh ở Hàn Quốc rất tuyệt vời” và Hàn Quốc đã ứng phó rất tốt đối với đại dịch COVID-19.

Sự phát triển nhanh chóng của các bộ xét nghiệm nhanh (kit test) đã giúp củng cố một chiến lược sáng tạo gồm kiểm tra, theo dõi, điều trị. Hiện cũng đã có vaccine do một công ty trong nước sản xuất và Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đã phát triển được kháng thể đơn dòng.

Ông Robert Langer nói thêm: “Cách thức phối hợp mà Hàn Quốc thực hiện có thể là một mô hình để các quốc gia học hỏi trong đại dịch tiếp theo”.

* Thay đổi đột phá

Chuyên gia Robert Langer cho biết, với tốc độ chưa từng có, công nghệ mRNA đã cứu sống nhiều người trong bối cảnh các nền kinh tế buộc phải đóng cửa và con người đối diện với khủng hoảng y tế nghiêm trọng.

Ông nói: “Moderna, BioNTech và Pfizer cùng nhau sản xuất vaccine một cách nhanh chóng và cứu sống rất nhiều người. Điều này cho thấy những gì ngành công nghệ sinh học có thể làm và những gì khoa học có thể làm”. Ông cho biết các loại vaccine (vốn sẽ mất nhiều năm để sản xuất và được phê duyệt) đã được hoàn thành trong vòng chưa đầy một năm nhờ sức mạnh của công nghệ mới và việc các cơ quan quản lý cho phép thử nghiệm lâm sàng diễn ra nhanh hơn.

Vào ngày 11/1/2020, Trung Quốc đã công bố trình tự mã của protein đột biến (các gai hình vương miện nhô ra từ bề mặt của virus SARS-CoV-2). Ông nói, chỉ mất chưa đầy hai ngày để các nhà khoa học “tính toán” mRNA để làm cơ sở cho vaccine.

“Thông thường, phải mất rất nhiều thời gian để làm điều đó. Đó là sự kết hợp của cả một nền khoa học hoàn toàn mới, một cách hoàn toàn mới để thực hiện mọi thứ một cách nhanh chóng. Đó là điều mà tôi gọi là một sự thay đổi đột phá”.

Ông Robert Langer cho biết, sự thay đổi này đã giúp ích, Moderna đã có một số thử nghiệm lâm sàng trên người bằng cách sử dụng vaccine mRNA. Theo một cách chính thức, tốc độ được kích hoạt bởi công nghệ mRNA, công nghệ này giúp giải quyết những rắc rối của vaccine thông thường như virus phát triển trong trứng.

“Bây giờ tất cả những gì bạn phải làm chỉ là thực hiện một phép tính. Trên máy tính, bạn có thể thiết kế vaccine và sau đó tổng hợp lại. Điều này hoàn toàn khác biệt và diễn ra siêu nhanh”.

Tiến sỹ Jerome Kim đến từ IVI, tổ chức quốc tế duy nhất trên thế giới dành cho việc phát triển và cung cấp các loại vaccine an toàn, hiệu quả và giá cả phải chăng, thì cho rằng: “Chúng tôi vẫn đang viết cuốn sách về những bài học kinh nghiệm trong đại dịch COVID-19”. Nhìn lại những gì có thể làm tốt hơn, Tiến ỹĩ Jerome Kim nhấn mạnh đến điều mà ông gọi là “4 khoảng cách lớn” gồm khoảng cách trong: chẩn đoán, cung cấp vaccine, tiêm chủng và khả năng lãnh đạo.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ông cho biết thiếu chẩn đoán dẫn đến việc không nắm được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Sau đó, các công ty phải vật lộn để tạo ra đủ nguồn cung cấp vaccine khắp thế giới. Cuối cùng, khi các công ty thành công trong việc sản xuất hàng tỷ liều, một quốc gia như Hàn Quốc đã có thể có 95% người dân được tiêm chủng trong khi ở châu Phi, gần 80% người dân chưa từng nhìn thấy một liều vaccine nào.

Tiến sỹ nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng đây là điều có thể đã được ngăn chặn nếu có một lời kêu gọi hành động”. Trong một đại dịch toàn cầu, cần có sự lãnh đạo toàn cầu cũng giống như một bản giao hưởng cần có một nhạc trưởng thay vì một tứ tấu đàn dây. Ông Kim cho biết vaccine ngừa COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc chính phủ đầu tư vào “khoa học có năng suất cao, rủi ro cao”. Bên cạnh đó, một bài học khác là cần có kinh phí để biến sự sáng tạo thành tính khả thi.

Ông chỉ ra những “anh hùng lớn” của đại dịch không nhất thiết phải là những tên tuổi đã thành danh trong ngành. Pfizer hợp tác với BioNTech từng ít được biết đến. Moderna và Novavax chưa từng có vaccine nào được phép sử dụng công khai trước đây. Mặc dù các chính phủ thực hiện đầu tư vào khoa học có thể không mang lại lợi nhuận thực tế ngay lập tức song điều này lại có thể trở nên quan trọng về lâu dài.

Chuyên gia Robert Langer cho biết, công nghệ mRNA đã “mở ra một chương mới” về vaccine cả loại dự phòng và điều trị. Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành đối với vaccine mRNA phòng bệnh cúm, sốt Zika và công nghệ trong tương lai, thậm chí có thể hy vọng về một loại vaccine ngừa ung thư.

Phòng thí nghiệm của ông đã dẫn đầu nỗ lực do Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates tài trợ để đưa ra thứ được gọi là vaccine “tự tăng cường”, giúp loại bỏ nhu cầu tiêm nhiều mũi trong một đợt tiêm chủng. Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng công nghệ này cực kỳ mạnh mẽ và rất nhiều cải tiến có thể xảy ra”./.

Anh Nguyên (TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-dot-pha-tren-thi-truong-vaccine-toan-cau-nhin-tu-dai-dich-covid-19/262779.html