Những đột phá trong hành trình 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN
Chặng đường 30 năm đồng hành cùng ASEAN không chỉ là quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mà còn là hành trình trở thành một thành viên tin cậy, tích cực và trách nhiệm.
Năm 2025 đánh dấu cột mốc tròn 30 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (28-7-1995 – 28-7-2025). Tham gia ASEAN không chỉ là điểm khởi đầu cho Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, mà còn hỗ trợ chiến lược đối ngoại của đất nước nhằm củng cố vị thế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Phu nhân tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN hồi tháng 3-2025. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Bước ngoặt của Việt Nam
. Phóng viên: Việc trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN đã định hình chính sách đối ngoại và nâng tầm vị thế của Việt Nam như thế nào trong suốt 30 năm qua?
+ Ông Japhet Quitzon, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở Mỹ): Việc gia nhập ASEAN đã đưa Việt Nam vào quỹ đạo hợp tác khu vực thông qua các cơ chế xây dựng luật lệ và thúc đẩy hòa bình bằng đối thoại và hợp tác. Có thể xem ASEAN như cánh cửa để Việt Nam sau Đổi mới chính thức bước ra sân khấu quốc tế trong vai trò một đối tác đáng tin cậy với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.

Ông Japhet Quitzon, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở Mỹ). Ảnh: NVCC
Chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện được định hình bằng sự cân bằng linh hoạt trong quan hệ với các nước lớn. Tinh thần đồng thuận và hợp tác quốc tế của ASEAN được phản ánh rõ trong cách tiếp cận của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
+ GS Alice D. Ba, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Delaware (Mỹ): Việc trở thành thành viên ASEAN đã hỗ trợ Việt Nam trên nhiều phương diện. Trước hết, tư cách thành viên ASEAN giúp Việt Nam mở rộng quan hệ với các nền kinh tế thị trường phát triển. Đồng thời, gia nhập ASEAN góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như một chủ thể ngoại giao có trách nhiệm. Dù những cơ hội hợp tác này có thể sẽ đến theo thời gian, nhưng nếu không có tư cách thành viên ASEAN, tiến trình đó chắc chắn sẽ diễn ra chậm hơn.
Song song đó, tư cách thành viên ASEAN còn giúp tăng cường vai trò của Việt Nam trong quan hệ song phương với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật và Liên minh châu Âu (EU).
Về mặt kinh tế, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế quan trọng nhất của ASEAN, với sức hấp dẫn riêng. Trên phương diện ngoại giao, ASEAN tiếp tục đóng vai trò nâng đỡ và làm nổi bật vị thế cũng như tính chính danh của Việt Nam trên trường quốc tế. ASEAN là một nền tảng ngoại giao được công nhận rộng rãi và được xem là tổ chức khu vực quan trọng thứ hai trên thế giới. Chính vì vậy, ASEAN mang lại cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, những lợi thế mà nhiều nước ngoài khu vực không có được.
ASEAN không chỉ hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc tiếp xúc song phương, mà còn tăng cường tiếng nói của Việt Nam và các nước thành viên trong các tổ chức quản trị toàn cầu, cũng như trong quá trình hợp tác với các khu vực khác trên thế giới. Các đánh giá về sức mạnh ngoại giao đều cho thấy Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN có được mạng lưới quan hệ, đối tác và cơ hội chính trị rộng hơn nhiều so với nhiều quốc gia không có một cơ chế khu vực tương tự.
Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - ASEAN
28-7-1995: Chính thức gia nhập ASEAN
1998: Tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6; thông qua Chương trình Hành động Hà Nội
2000-2001: Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và Chủ tịch Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)
2010: Chủ tịch ASEAN, với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn đến hành động”; tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)
2020: Đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36
2021: Tổ chức Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững
2022: Chủ tịch luân phiên Ủy ban các nước ASEAN tại Buenos Aires (ACBA).
2024: Tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 lần thứ nhất
(theo TTXVN)
Thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm
. Chuyên gia đánh giá thế nào về những đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với ASEAN trong suốt chặng đường 30 năm qua?
+ TS Nguyễn Tăng Nghị, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM: Có thể thấy rõ rằng quá trình phát triển của Việt Nam và ASEAN song hành với nhau trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, an ninh đến kinh tế.

TS Nguyễn Tăng Nghị, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: NVCC
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Việt Nam đã tiến hành công cuộc Đổi mới mạnh mẽ, mở ra một thời kỳ chuyển mình sâu rộng về kinh tế - xã hội. Từ một nước bị cô lập, cấm vận, Việt Nam giờ đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
Trong thời gian đó, ASEAN cũng đã có những thay đổi đáng kể, từng bước củng cố vị thế của tổ chức trên trường quốc tế. Sức hút của Việt Nam phản ánh sức hút ngày càng gia tăng của ASEAN như một khu vực ổn định, có tiềm năng phát triển và có vai trò chiến lược về kinh tế - chính trị - an ninh.
Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong ASEAN, đặc biệt ở hai phương diện: Thứ nhất là vai trò kinh tế khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển bậc nhất ở ASEAN trong vòng 20 năm qua. Thứ hai, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
TS Nguyễn Tăng Nghị
+ Ông Japhet Quitzon: Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng trong chuỗi sản xuất điện tử và chất bán dẫn với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và Hàn Quốc.
Việc Việt Nam bước ra sân khấu quốc tế vào những năm 1990 thông qua việc gia nhập ASEAN, tham gia Hiệp định về Chương trình Thuế quan Ưu đãi có Hiệu lực Chung (CEPT) của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), và bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã đặt nền móng cho tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn CEPT cũng đã mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
Sau 30 năm, Việt Nam đã chuyển mình từ một “tân binh” trên trường quốc tế trở thành một đối tác then chốt trong khu vực. Năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí theo đuổi mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới hòa bình, ổn định và cùng thịnh vượng cho khu vực Đông Nam Á. Kể từ đó, Việt Nam giữ vai trò chủ động trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia thành viên.
. Xin cảm ơn các chuyên gia.
Khẳng định vị thế của Việt Nam
30 năm sau, Việt Nam đã chứng tỏ là quốc gia tiếp cận nhanh, thích ứng tốt và trở thành một trong những thành viên chủ động, tích cực và có vai trò nổi bật trong ASEAN. Trên cả phương diện kinh tế, chiến lược và chính trị, việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã mang lại lợi ích cho cả hai phía.
GS Alice D. Ba, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Delaware (Mỹ). Ảnh: NVCC
Tôi cũng đánh giá cao những lần Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã đóng góp vào năng lực lãnh đạo tập thể để xây dựng một ASEAN mạnh mẽ hơn. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020. Đây là một thành tựu đặc biệt nổi bật trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây gián đoạn toàn cầu và các mối đe dọa đối với thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy việc đưa phát triển Tiểu vùng Mekong trở thành một nội dung ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN.
Tổng thể, các đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2025 và thúc đẩy đoàn kết nội khối, hội nhập kinh tế và kết nối tiểu vùng cho thấy hành trình 30 năm của Việt Nam không chỉ là quá trình hòa nhập, mà còn là một hành trình trưởng thành, chủ động và kiến tạo trong cấu trúc khu vực.
GS Alice D. Ba
Hợp tác nội khối: Chìa khóa để ASEAN vượt qua thách thức
Trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay có nhiều thách thức, các chuyên gia nhấn mạnh rằng ASEAN cần tăng cường hợp tác nội khối, tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Bình luận về giải pháp cho những vấn đề khu vực và thế giới hiện nay, TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng trước hết ASEAN cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
“Chính việc có được lòng tin lẫn nhau sẽ tạo tiền đề, làm cơ sở cho việc hình thành nên khối đại đoàn kết ASEAN. Một khi đã đoàn kết, tiếng nói của ASEAN, vốn là một khu vực năng động về mặt kinh tế, sẽ không bị phớt lờ” - TS Nguyễn Tuấn Khanh nêu ý kiến.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan khai mạc sáng 26-5 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
Và để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, theo vị chuyên gia, ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực trao đổi văn hóa, “phải nội địa hóa văn hóa khu vực và mở rộng, khuếch tán văn hóa của bản thân từng quốc gia”. Việc này rất quan trọng, vì nó tác động trực tiếp vào suy nghĩ, nhận thức của từng người dân tại khu vực Đông Nam Á này, TS Nguyễn Tuấn Khanh lưu ý.
Tương tự, TS Nguyễn Tăng Nghị, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM, cũng chỉ ra rằng trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 vừa qua tại Malaysia, cả Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết và thúc đẩy hợp tác nội khối trong ASEAN. Theo TS Nguyễn Tăng Nghị, bên cạnh hợp tác nội khối, thời gian qua, ASEAN đã chủ động mở rộng kết nối với bên ngoài, đặc biệt là thông Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN cùng 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Úc và New Zealand.
TS Nguyễn Tăng Nghị cho rằng căng thẳng thương mại là thách thức không chỉ với riêng ASEAN mà còn đối với các đối tác của khối, khiến ASEAN và các đối tác nhận thức rõ hơn về nhu cầu thúc đẩy liên kết kinh tế. “Tôi cho rằng căng thẳng thương mại cũng tạo ra cơ hội để các quốc gia xích lại gần nhau hơn trong hợp tác kinh tế, qua đó thúc đẩy nhiều thỏa thuận và chỉ số tăng trưởng tích cực trong thời gian tới” - TS Nguyễn Tăng Nghị nhận định.
Còn đối với GS Alice D. Ba, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại ĐH Delaware (Mỹ), trong nội khối, đoàn kết nghĩa là phải tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm việc mở rộng thị trường và hệ sinh thái đầu tư chung, để tăng cường khả năng chống chịu của toàn khối. Ảnh hưởng của ASEAN trong và ngoài khu vực sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực hợp tác nội khối giữa các quốc gia thành viên.
Đồng thời, với quy mô kinh tế còn nhỏ, các nước ASEAN vẫn phụ thuộc đáng kể vào chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu. Vì vậy, theo đuổi một con đường độc lập cũng đồng nghĩa với việc phải tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực.
Tuy nhiên, GS D. Ba lưu ý rằng trong bối cảnh hiện nay, những nỗ lực như vậy đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ hơn, tốt nhất là dưới hình thức đa phương, có thể kể đến như RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Chủ nghĩa đa phương mang lại sức nặng địa chiến lược và kinh tế lớn hơn và là một nền tảng ổn định hơn, ít bị biến động” - GS D. Ba nhận định.