Những dự án dầu khí trong tương lai đang bị đe dọa

Vào hôm 31/5, các nhà hoạt động khí hậu đã kiện TotalEnergies (Pháp) lên Tòa án Paris. Một liên minh gồm những tổ chức phi chính phủ và cộng đồng của nhiều thành phố (như Paris và New York), đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho gã khổng lồ dầu khí này dừng tất cả những dự án hydrocarbon mới trên toàn thế giới.

Theo nhận định của các luật sư bào chữa cho TotalEnergies, yêu cầu chưa từng thấy này “không công bằng” và “không tương xứng”. Theo họ, đây chỉ là một “biện pháp tạm thời” mà các nhà hoạt động đưa ra trong lúc chờ tòa án đưa ra phán quyết chính thức. Tòa án sẽ đưa quyết định dựa trên yêu cầu của bên nguyên đơn: Yêu cầu tập đoàn Pháp điều chỉnh chiến lược khí hậu của họ phù hợp với thỏa thuận Paris. Dự kiến tòa án sẽ có phán quyết vào năm 2024 hoặc 2025.

Trong lúc chờ đợi, liên minh này đã yêu cầu thẩm phán - người chịu trách nhiệm đặt những câu hỏi sơ bộ trước khi tiến hành xét xử vụ án, phải cho “đình chỉ hoạt động của những dự án thăm dò và khai thác mỏ hydrocarbon chưa nhận được quyết định đầu tư cuối cùng”.

Ông Sébastien Mabile - luật sư đại diện cho liên minh, nói: “TotalEnergies đã biết mối quan hệ giữa khủng hoảng khí hậu và những sản phẩm của họ từ 50 năm nay. Chúng tôi không thể cho họ thêm vài tháng hay vài thập kỷ nữa, chỉ để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với Thỏa thuận Paris”.

Một số nguyên đơn khác còn bao gồm thị trưởng của một số thành phố, như ông Jean-Pierre Bouquet - Thị trưởng Vitry-le -Francois. Thêm vào đó là đại diện của những tổ chức xanh, như ông Eric Piolle - đại diện của EELV (chi nhánh Grenoble).

Ông Sébastien Mabile tiếp tục nói: “30% cổ đông của TotalEnergies đang yêu cầu điều tương tự”. Trên thực tế, vào hôm 26/5, tại buổi họp đại hội đồng của tập đoàn Pháp, đã có một số cổ đông phản đối chiến lược khí hậu hiện hành của TotalEnergies.

Ông khẩn cầu: “TotalEnergies chịu trách nhiệm cho 1% lượng khí thải nhà kính, một con số rất đáng kể. Chúng tôi không yêu cầu bất kỳ khoản bồi thường nào hay biện pháp trừng phạt nào. Chỉ cần họ có biện pháp căn chỉnh để cứu lấy khả năng sinh sống của hành tinh này”.

Để hỗ trợ luận điểm của mình, liên minh dẫn lời từ những báo cáo của nhiều chuyên gia khí hậu, từ IPCC cho đến Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, các tập đoàn dầu mỏ cần phải ngừng bất kỳ dự án thăm dò hydrocarbon mới nào vào năm 2021.

Người biểu tình phản đối chính sách khí hậu của TotalEnergies

Người biểu tình phản đối chính sách khí hậu của TotalEnergies

“Lạm dụng thủ tục”

Mặt khác, ông Denis Chemla - luật sự bào chữa cho TotalEnergies, đã tố cáo bên nguyên đơn “lạm dụng thủ tục một cách không công bằng”. Ông nói: “Họ thể hiện mình như một vị cứu tinh của nhân loại. Họ không bào chữa cho thẩm phán mà là cho báo chí”. Vị luật sư này cũng tuyên bố rằng TotalEnergies sẽ không trả lời ai ngoài thẩm phán.

“Nếu muốn chuyển hướng tranh luận, thì có những diễn đàn phù hợp cho việc đó. Trốn tránh luật pháp là điều rất nguy hiểm”- ông cảnh báo thêm, cho rằng bên nguyên đơn có biểu hiện muốn ép buộc thực thi công lý trên cơ sở đạo đức và chủ quan.

“Họ không có quyền kiểm soát TotalEnergies”, ông kết luận trước quan tòa.

Một luật sư khác của TotalEnergies cho biết, quyết định đình chỉ có thể sẽ để lại hậu quả như: Những quốc gia đã ký thỏa thuận với TotalEnergies sẽ chuyển sang những nhà khai thác khác. Đã vậy, biện pháp này sẽ không mang lại hiệu quả đối với khí hậu, cũng như không tương xứng.

Hành động pháp lý bắt đầu từ tháng 1/2020. Vào thời điểm đó, liên minh này kiện TotalEnergies vi phạm “nghĩa vụ theo dõi” tác động từ hoạt động của họ đối với môi trường. Đây là trách nhiệm của những công ty Pháp, theo một luật do chính phủ ban hành vào năm 2017.

Vào năm 2022, nhiều tổ chức từ Paris và New York đã cáo buộc gã khổng lồ Pháp “không hành động vì khí hậu”. Theo họ, TotalEnergies phải trả giá cho những hậu quả mà nhiên liệu hóa thạch của họ đã gây ra.

Mặt khác, TotalEnergies nói rằng họ đã không ngừng củng cố chiến lược khí hậu kể từ năm 2018 - thời điểm đưa ra kế hoạch đầu tiên để giải quyết vấn đề này. Tập đoàn Pháp có kế hoạch dành 1/3 khoản đầu tư của họ cho năng lượng carbon thấp trong thập kỷ này, nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên cho dầu mỏ và thậm chí nhiều hơn nữa với khí đốt.

Liên minh hy vọng diễn biến vụ kiện này sẽ tương tự với trường hợp của Shell. Vào năm 2021, các tổ chức phi chính phủ đã kiện Shell ra một tòa án tại Hà Lan và yêu cầu gã khổng lồ dầu mỏ này đẩy nhanh kế hoạch giảm khí thải nhà kính. Shell đã kháng cáo.

Các tổ chức phi chính phủ cũng đã kiện TotalEnergies ra tòa vì ý định thực hiện dự án dầu mỏ khổng lồ EACOP ở Uganda và Tanzania. Tuy nhiên, vào tháng 2/2023, tòa án Paris đã bác bỏ đơn kiện này.

Thẩm phán bảo lưu quyết định cho đến ngày 6/7.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-du-an-dau-khi-trong-tuong-lai-dang-bi-de-doa-686291.html