Những dự án giao thông trọng điểm nào ở TP.HCM dự kiến hoàn thành năm 2022?
Năm 2022, TP.HCM sẽ khép kín Vành đai 2, khởi động đầu tư Vành đai 3, chuẩn bị triển khai Vành đai 4, Cao tốc TPHCM – Mộc Bài…
Ngày 18/1, Ban ATGT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
TP.HCM phát động năm 2022 xây dựng văn hóa giao thông gắn với hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19
Theo báo cáo của Ban ATGT TP.HCM, trong năm 2021 trên địa bàn thành phố xảy ra 1.784 vụ tai nạn giao thông, làm chết 477 người, bị thương 1.042 người.
So với cùng kỳ năm 2020, TNGT được kéo giảm ở cả 3 tiêu chí, cụ thể giảm 1.146 vụ (giảm 39,1%), giảm 70 người chết (giảm 12,8%) và giảm 993 người bị thương (giảm 8,8%).
Ngoài ra, đến nay, thành phố ghi nhận còn 19 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. So với năm 2020, tăng 1 điểm tại đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ cầu Lớn đến Ngã ba Giồng).
Số điểm đen TNGT trên địa bàn thành phố đang theo dõi và chuyển hóa là 7 điểm, so cùng kỳ năm 2020 phát sinh thêm 1 điểm mới (nút giao thông đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm - đường Võ Trần Chí, huyện Bình Chánh).
Ở lĩnh vực đường thủy trên địa bàn TP còn 1 điểm đen TNGT ở ngã ba sông Chợ Đệm - kênh Xáng - Lý Văn Mạnh - khu vực cầu Cái Tâm.
Để thực hiện hiệu quả chủ đề năm An toàn giao thông 2022 “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP.HCM cho biết, Ban sẽ triển khai xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể. Sau đó, sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, nhìn lại sau 1 năm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố được kéo giảm sâu về số vụ, số người chết và số người bị thương.
"Mặc dù thời gian cao điểm TP.HCM phòng chống dịch, vẫn đảm bảo hàng hóa lưu thông, tăng so với năm ngoái là 0,6%. Đây là một điểm sáng. Việc thành phố chúng ta xây dựng được Bộ tiêu chí ứng xử linh hoạt được đánh giá là khoa học để đảm bảo cho các hoạt động giao thương nhưng cũng đảm bảo kiểm soát dịch”, ông Lâm chia sẻ.
Tổng kết hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá năm 2021 là một năm rất khó khăn của thành phố nhưng ngành giao thông đã có nhiều nỗ lực, nhiều cách làm sáng tạo, đóng góp quan trọng trong công tác phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế của TP.
Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, ngành giao thông vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa; việc đi lại cần thiết của người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu để phục vụ đời sống dân sinh, công tác phòng chống dịch và phục vụ cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo toàn ngành giao thông, các cơ quan chức vẫn phải đảm an toàn phòng chống dịch; tiếp tục hoàn thiện các bộ tiêu chí, các khung pháp lý để làm sao các hoạt động lưu thông hành khách, hàng hóa, phương tiện, mọi hoạt động bình thường; sáng kiến nhiều hình thức đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đóng góp nhiều nhất cho nhiệm vụ phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế của thành phố.
Cũng theo ông Mãi, trong năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh hoàn thành các công trình dự án giao thông trọng điểm như khép kín đường Vành đai 2, chuẩn bị khởi động lại đường Vành đai 3. Tháng 5/2022, trình Quốc hội chủ trương xây dựng Vành đai 3 từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.
Song song đó, việc triển khai đường Vành đai 4 sẽ nỗ lực hoàn thành cơ bản trong giai đoạn từ nay đến năm 2025; phấn đấu cuối năm 2022 hoàn thành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đầu năm 2023 đưa vào vận hành thương mại; tổ chức lại giao thông công cộng của thành phố…