Những đứa trẻ đánh mất kỳ nghỉ hè vì học thêm
Thay vì được nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng, những đứa trẻ mới lên tiểu học đã phải học thêm như 'chạy show'.
Vài năm trước, dân mạng Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện về cô bé Hàn Hàn (8 tuổi) bị mẹ ép học 11 môn học để "lấp đầy" kỳ nghỉ hè. Đối với em, hè không phải thời gian nghỉ ngơi mà chỉ là dịp để em tiếp tục đi học ở hình thức khác.
Mẹ của Hàn Hàn từng nói rằng bà cho con học tiếng Anh, piano, khiêu vũ cùng chuỗi hoạt động khác để giúp con tiến bộ hơn về mặt kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, con gái nhỏ lại không nghĩ như vậy. Em chỉ thấy mệt mỏi vì phải học quá nhiều.
"Một ngày em phải tham gia 2 khóa học, không có thời gian nghỉ ngơi. Em không muốn nghỉ hè vì hè còn mệt hơn đi học bình thường", Hàn Hàn tâm sự với SCMP.
Học hè như "chạy show"
Hàn Hàn không phải đứa trẻ duy nhất ở Trung Quốc bị "đánh cắp" mùa hè vì loạt khóa học do cha mẹ đăng ký.
Dù chính phủ đã đặt ra chính sách "giảm kép" từ năm 2021, trong đó có lệnh cấm dạy thêm, nhiều phụ huynh vẫn bất chấp cho con đi học, dù là trong năm hay vào kỳ nghỉ hè.
Một phụ huynh họ Qu ở Bắc Kinh, có hai con vừa tốt nghiệp tiểu học và một con sắp vào lớp 5, cho biết khi vừa vào hè, bà đã nhanh chóng đăng ký lớp học thêm vì sợ con bị tụt lại khi lên lớp mới.
Ngoài những khóa học thể thao và lập trình, người mẹ còn cho các con học thêm môn Văn và Toán để "học trước một số kiến thức cho khỏi bỡ ngỡ". Ở nơi học tập cạnh tranh khốc liệt như Bắc Kinh, việc cho con học hè để biết trước kiến thức là điều không hề hiếm.
Khi được Xinhua phỏng vấn, một số cha mẹ biết về tầm quan trọng của việc giảm áp lực học tập cho con, một số khác vẫn chưa biết về điều đó nên vẫn liên tục cho con học.
Điều bất ngờ là phụ huynh không chỉ cho con học thêm một lớp, mà là nhiều lớp. Những lớp học được phụ huynh ưa chuộng thường là Toán, Tiếng Anh, Vật lý, piano, thể thao, khiêu vũ...
Đối với những đứa trẻ ở tuổi thích vui chơi, việc học thêm như "chạy show" trong kỳ nghỉ hè chính là một ác mộng. Yuan Yuan, học sinh tiểu học, nói rằng em phải tham gia rất nhiều lớp học thêm, nhưng đều là do bố mẹ chọn, còn em không có quyền quyết định.
Cậu bé phải học thêm Toán và Tiếng Trung, hai lớp học này em đều không thấy hứng thú và rất chán nản mỗi khi phải tới lớp.
"Nếu được chọn, em muốn học viết code và học xếp lego", cậu bé chia sẻ.
Phụ huynh bị "lùa gà"
Phụ huynh Trung Quốc có tâm lý cho con đi học thêm để con bằng bạn bằng bè, không bị tụt lại phía sau hoặc cho con đi học để được "flex" với người khác. Nắm bắt điều này, nhiều trung tâm cố tình tung đòn tâm lý, khiến phụ huynh thêm sợ và buộc phải cho con đi học thêm nhiều hơn.
Bàn về vấn đề này Sixth Tone nêu rằng ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, một số KOL trong lĩnh vực giáo dục đăng bài nói về tầm quan trọng của việc học hè đối với trẻ nhỏ.
Những người này thường mở bài bằng những câu quen thuộc như "kỳ nghỉ hè của học sinh lớp 2 là quan trọng nhất", "kỳ nghỉ hè của học sinh lớp 4, lớp 5 là đáng sợ nhất". Cuối cùng, những KOL này chốt lại vấn đề bằng việc bán sách hoặc bán khóa học.
Marketing dựa trên nỗi sợ của khách hàng (anxiety marketing) là cách mà những người kinh doanh giáo dục tại Trung Quốc đang làm để thu hút phụ huynh.
Hashtag "kỳ nghỉ hè đáng sợ" trên các nền tảng mạng xã hội nước này từng thu về hơn 66 triệu lượt xem. Dù đã bị chính phủ "sờ gáy" và xóa các video marketing bẩn, những người tự xưng là chuyên gia giáo dục vẫn hoạt động và bán khóa học trong kỳ nghỉ hè.
Ngoài hashtag "kỳ nghỉ hè đáng sợ", một số hashtag khác liên quan cũng rất phổ biến trong dịp hè như "lịch nghỉ hè", "phụ huynh phải biết điều này", "bí quyết để con trở thành học sinh hàng đầu"...
Các chuyên gia giáo dục Trung Quốc nhận định thị trường dạy thêm ở nước này vẫn bùng nổ dù bị cấm là vì phụ huynh luôn lo lắng trước những áp lực khổng lồ của hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Giáo viên Yang Jian tại một trường tiểu học ở Thâm Quyến kêu gọi phụ huynh nên hạn chế cho con nhồi nhét trong dịp hè, thay vào đó nên nuôi dưỡng niềm vui và sự tự tin cho con.
"Cha mẹ cần kiên nhẫn và có tầm nhìn xa hơn về sự phát triển của con. Con hạnh phúc sẽ là điều quan trọng hơn thành tích học tập xuất sắc", giáo viên Yang nói.