Những đường may nặng nhớ thương vị lãnh tụ kính yêu

55 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Từ nhiều năm qua, có một đơn vị được giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là may trang phục thi hài Bác. Những ngày tháng 5 này, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần X20 đã kính dâng lên Người những bộ quần áo đẹp nhất. Từng đường may vẫn nặng nỗi nhớ thương; từng thớ vải, mũi kim sợi chỉ luôn ẩn chứa lòng kính yêu vô hạn đối với vị cha già dân tộc.

Tổ công tác đặc biệt

Ở Công ty Cổ phần X20 – đơn vị đảm trách nhiệm vụ may trang phục thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt hơn nửa thế kỉ qua, có một không gian đặc biệt, đó là phòng mẫu lưu giữ và trưng bày mẫu trang phục của bộ đội từ những năm đầu thành lập đến nay, trang phục của nhiều vị lãnh đạo qua các thời kỳ. Bộ quần áo kaki của Hồ Chủ tịch được treo ở vị trí trang trọng nhất. Đây là bộ quần áo do chính X20 may và đã từng được mặc cho thi hài Bác, được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn giao lại để đơn vị lưu giữ, bảo quản.

Đại tá Hoàng Sỹ Tâm và cán bộ trong tổ công tác đặc biệt đang thực hiện nhiệm vụ may trang phục thi hài Bác.

Đại tá Hoàng Sỹ Tâm và cán bộ trong tổ công tác đặc biệt đang thực hiện nhiệm vụ may trang phục thi hài Bác.

Dẫn chúng tôi tham quan phòng mẫu, Đại tá Hoàng Sỹ Tâm, Tổng giám đốc X20 xúc động chia sẻ: “Khi Bác còn sống, đơn vị đã nhiều lần được Phủ Chủ tịch đặt may trang phục cho Người. Đầu tháng 9/1969, Bác vĩnh biệt trần thế, những người lính thợ X20 được thủ trưởng Tổng cục Hậu cần giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là may toàn bộ quân, tư trang phục vụ lễ tang. Trong nỗi mất mát, đau thương to lớn, họ đã làm việc trong nước mắt hòa cùng tiếng máy, nỗ lực suốt ngày đêm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời bàn giao cho Ban tổ chức lễ tang”.

Năm 1975, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành. Xưởng may X10 (nay là Công ty May 10) lần đầu tiên được may trang phục thi hài Bác để phục vụ lễ viếng. Sau lần đó, đến nay nhiều thế hệ của X20 đã được tin tưởng lựa chọn, trao cho vinh dự may trang phục thi hài Bác.

Nhiều năm nay, Đại tá Hoàng Sỹ Tâm chính là Trưởng ban chỉ đạo may trang phục thi hài Bác. Đại tá Tâm chia sẻ rằng mỗi lần nhận nhiệm vụ đặc biệt này, lãnh đạo X20 luôn coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Một tổ công tác đặc biệt được thành lập. Việc chọn lựa những cán bộ của công ty nằm trong tổ công tác đặc biệt này được thực hiện kỹ càng. Họ không chỉ là những người có “bàn tay vàng”, mà còn đủ phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực để tham gia thực hiện nhiệm vụ. Những người thợ đặc biệt ấy có thân nhân tốt, gia đình trọn vẹn. Trong thời gian thực hiện việc may đo trang phục thi hài Bác, người thợ cắt may phải thực sự thấy bình tâm, thoải mái, không vướng bận. Tổ công tác luôn được tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể chú tâm vào công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bộ đồ kaki đã trở thành huyền thoại, gắn với hình ảnh của Bác lúc sinh thời. Chiếc áo kaki 4 túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo cho thoải mái, đi giày đi dép đều hợp. Theo Đại tá Tâm, bộ quần áo toát lên tính cách, tinh thần của Bác, đó là giản dị, tiết kiệm, mặc như thế phù hợp và gần gũi với nhân dân. Khi còn sống, Bác yêu cầu may quần áo vừa có thể làm việc được, vừa có thể tiếp khách được, chứ không dùng nhiều bộ quần áo trong các hoàn cảnh khác nhau. Thậm chí bộ quần áo vải đã sờn mà Bác vẫn mặc. Khi Người về với “thế giới người hiền” thì bộ kaki vẫn gần gũi, thiêng liêng trong tiềm thức con dân nước Việt và bạn bè quốc tế khi tới Lăng viếng Người.

Thấm nhuần tinh thần, tư tưởng, phong cách của Người, nhiều thế hệ cán bộ X20 luôn chú tâm trong việc thiết kế, may đo bộ trang phục đặc biệt. Phải thiết kế bộ quần áo vừa đẹp, vừa đảm bảo kĩ thuật để bảo vệ tốt nhất thi hài Bác. Đó thực sự là một thách thức không nhỏ đối với những người lính thợ X20. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Công ty đã ứng dụng những kết quả nghiên cứu, cải tiến quy trình mà đơn vị phối hợp với Viện 69 thực hiện suốt thời gian qua để bảo đảm sản phẩm đạt giá trị thẩm mỹ cao nhất, hạn chế thấp nhất việc tác động đến thi hài Bác trong quá trình thao tác mặc trang phục.

Thời gian may 10 bộ trang phục lần này kéo dài gần 2 tháng. Mặc dù quá trình cắt, may được thực hiện với máy móc thiết bị hiện đại nhưng nhiều khâu vẫn được những người thợ cần mẫn, cẩn trọng làm bằng tay. Trong quá trình cắt, may, chi tiết nào làm chưa được thì làm lại cho đến khi bảo đảm các thông số, kỹ thuật và yếu tố thẩm mỹ. Đại tá Tâm là người kiểm duyệt lần cuối chất lượng trang phục trước khi bàn giao cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi nhiệm vụ hoàn thành, tổ công tác đều cảm thấy vui mừng khi vừa hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, làm nên một món quà thiêng liêng dâng lên Bác.

Cuốn cẩm nang đặc biệt

Hơn nửa thế kỷ qua, Ban quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ để giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho muôn đời sau. Trong đó, việc làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt mang mặc cho thi hài Bác là cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi cẩn trọng và khoa học.

Tổng cục Hậu cần bàn giao trang phục thi hài Bác cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng cục Hậu cần bàn giao trang phục thi hài Bác cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Đại tá Hoàng Sỹ Tâm, được tham gia bất kỳ công việc, nhiệm vụ nào trong công tác chăm sóc phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng như khi người đã đi xa, đều là niềm vinh dự, tự hào to lớn với các cơ quan, đơn vị và mỗi người dân Việt Nam. “Chúng tôi là thế hệ kế tiếp nhiệm vụ may trang phục thi hài Bác. Mỗi một lần tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ, ai cũng coi đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, niềm vinh dự và trọng trách lớn lao”. Những người thợ đã không quản ngại khó khăn vất vả ngày đêm, đặt hết tình cảm, dồn tâm lực vào việc may trang phục cho Bác thật đẹp. Bộ quần áo của Người là sự kết tinh tình cảm yêu kính Bác của những người thợ gửi gắm trong từng đường kim mũi chỉ.

Tính đến nay, Đại tá Tâm đã có hơn 35 năm gắn bó với ngành với nghề. Trong suốt quãng thời gian ấy, đã nhiều lần ông đảm nhiệm nhiệm vụ đặc biệt. Đại tá Tâm và tổ công tác đã gặp gỡ những người đã từng vinh dự được may quần áo cho Bác, từ ngày Người còn sống đến cả khi Người đã đi xa. Tất cả những kinh nghiệm, ý tưởng của những người đi trước để may bộ trang phục cho Người đều được trao truyền lại. Cho đến giờ, kinh nghiệm may đo của tất cả các thế hệ đều được kết tinh lại trong bộ trang phục một cách đầy ý nghĩa.

Năm 2022, sau khi đã cải tiến về công nghệ, X20 đã hoàn thiện việc xây dựng, hệ thống lại toàn bộ quá trình may trang phục cho Bác thành cuốn tài liệu “Công nghệ cắt may trang phục thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh” theo tiêu chuẩn IS0 9001-2015 đã được nghiệm thu, bàn giao cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây có thể coi là cuốn tài liệu quy chuẩn nhất về may trang phục thi hài Bác. Dựa vào cuốn cẩm nang đặc biệt này, các thế hệ sau đều có thể thực hiện được việc may trang phục cho thi hài Bác, góp phần giữ gìn thi hài Bác lâu dài, bền vững.

Năm 2023, Công ty đã tiến hành may bộ trang phục để thử nghiệm lại toàn bộ những cải tiến, thay đổi trước đó. Và đến đầu năm 2024 đã sản xuất được 10 bộ đáp ứng về chất lượng kỹ thuật và tính thẩm mỹ cao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Công ty cổ phần X20 đã ứng dụng những kết quả nghiên cứu, cải tiến quy trình mà đơn vị phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện suốt thời gian qua để bảo đảm sản phẩm đạt giá trị thẩm mỹ cao nhất, hạn chế thấp nhất việc tác động đến thi hài Bác trong quá trình thao tác mang mặc trang phục cho Người. Cán bộ chuyên môn của Viện 69 luôn đồng hành, phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất, để X20 hoàn thành nhiệm vụ.

Để đảm bảo nhiệm vụ may trang phục được thực hiện tốt nhất, Đại tá Tâm đã nhiều lần trực tiếp quan sát bộ trang phục khi Bác đang mặc ở trong Lăng. “Lần đầu tiên tôi được đến gần Bác đến thế, nỗi xúc động choán toàn bộ tâm trí khiến tôi dường như quên mất nhiệm vụ được giao. Phải mất một lúc sau tôi mới bừng tỉnh, ý thức được nhiệm vụ chuyên môn của mình”, Đại tá Tâm nhớ lại giây phút không thể nào quên.

Trong buổi tiếp nhận bàn giao trang phục thi hài Bác mới đây, Thiếu tướng Phạm Hải Trung – Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, sẽ bảo quản và sử dụng những bộ trang phục nghiêm cẩn, đạt hiệu quả cao nhất, để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Người mãi mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt, mãi mãi là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-duong-may-nang-nho-thuong-vi-lanh-tu-kinh-yeu-i732419/