Những em bé ở Mỹ chào đời vào khoảnh khắc trăm năm có một

Những em bé này đã chào đời vào khoảnh khắc đặc biệt nhất của thế kỷ - 22h22 ngày 22/2. Nhiều người tin rằng đây là con số của khởi đầu mới và có thể mang đến may mắn.

Theo New Straits Times, ngày 22/2/2022 còn được gọi là ngày phản chiếu (twosday) hay palindrome. Ngày "palindrome" xảy ra khi người ta đọc con số thời gian dù theo chiều xuôi hay chiều ngược, thì con số ấy vẫn không thay đổi, vẫn y nguyên. Dù được viết theo định dạng ngày của Anh, tức thứ tự ngày - tháng - năm, hay của Mỹ, tức thứ tự tháng - ngày - năm, thì ý nghĩa này cũng không đổi.

Trên thế giới, nhiều em bé cũng chào đời trong khoảnh khắc trăm năm có một và được mời tham gia câu lạc bộ người sinh vào ngày đặc biệt. Ngày sinh độc đáo khiến cha mẹ các em thêm hạnh phúc và hào hứng.

Cậu bé Logan Jowill Coreas Vasquez, cất tiếng khóc vào lúc 22h22 ngày 22/2, nặng 3,5 kg, tại Bệnh viện Catholic Health Mercy, Long Island, New York, Mỹ. Chia sẻ với NY Post, cha mẹ của bé là Wendy Campos-Vasquez và Doreen Fairweather rất vui vì con chào đời đúng thời khắc thường được xem là khởi đầu mới.

Logan Jowill Coreas Vasquez chào đời đúng thời khắc 22h22 ngày 22/2, nặng 3,5 kg. Ảnh: NY Post.

Logan Jowill Coreas Vasquez chào đời đúng thời khắc 22h22 ngày 22/2, nặng 3,5 kg. Ảnh: NY Post.

Bệnh viện này cũng chào đón cặp song sinh khác vào lúc 9h20 và 9h22 cùng ngày.

Trong khi đó, ở Trung tâm Y tế khu vực Cone Health Alamance, Burlington, Bắc Carolina, Mỹ, đón chào bé Judah, sinh sớm hơn Logan đúng 20 giờ đồng hồ. Em bé chào thế giới vào lúc 2h22 ngày 22/2.

Song, cha mẹ của Judah còn ăn mừng vì điều hạnh phúc hơn. Đó là Aberli Spear, mẹ của bé, đã chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác. Năm 2014, cô được chẩn đoán mắc ung thư hạch Hodgkin và tưởng chừng như không thể mang thai.

Nhưng may mắn đã mỉm cười với cặp vợ chồng. “Chúng tôi cầu nguyện mình sẽ có một đứa trẻ. Có lẽ, Chúa lắng nghe được lời thỉnh cầu này và Judah diệu kỳ đã ra đời”, bà mẹ không giấu nổi xúc động. Đây cũng là lý do họ đặt tên con là Judah, biểu thị cho sự biết ơn.

Aberli Spear tâm sự họ không nghĩ tới con gái sẽ chào đời vào thời khắc đặc biệt. "Tôi nghe thấy tất cả y tá hét lên vì phấn khích. 'Chuyện gì đang xảy ra vậy?' - tôi nhìn chồng và hỏi. Anh ấy nói con gái sinh vào lúc 2h22, thật bất ngờ", bà mẹ nói thêm.

Nhân viên của bệnh viện đã dành thêm thời gian để chúc mừng cặp vợ chồng. Họ tặng cho Judah chiếc mũ với hai chiếc nơ nhỏ xinh thay cho món quà chào mừng cô bé đến với thế giới.

Judah chào đời vào lúc 2h22 ngày 22/2, trong niềm hạnh phúc vô bờ của cha mẹ. Mẹ của em đã chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác và vượt cạn thành công. Ảnh: NY Post.

Judah chào đời vào lúc 2h22 ngày 22/2, trong niềm hạnh phúc vô bờ của cha mẹ. Mẹ của em đã chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác và vượt cạn thành công. Ảnh: NY Post.

Theo NBC News, một số em bé khác cũng gia nhập câu lạc bộ “Twosday” là Simon Thomas, sinh ra ở Bệnh viện TriHealth Good Samaritan, Cincinnati, bang Ohio, vào lúc 22h22; bé Coleson, ở Florence, Alabama, chào đời lúc 2h22.

Trên thế giới, nhiều hoạt động kỷ niệm, giao dịch đặc biệt, khai trương cũng chọn ngày 22/2 năm nay này làm thời khắc diễn ra. Theo tờ The Star, tại Malaysia, hàng trăm cặp đôi chọn ngày này để kết hôn.

Trong khi đó, theo Wall Street Journal, kỷ lục số cặp đôi cùng làm đám cưới một ngày tại Mỹ đó là 7/7/2007. Vào thời điểm này, 4.492 cặp đôi đã tổ chức đám cưới ở hạt Clark, Nevada, Mỹ.

Theo Columbia Missourian, nhiều người phương Tây thường gọi những ngày có con số lặp đặc biệt này là "ngày của những con số thiên thần". Bởi họ tin rằng bất kỳ ai sinh vào ngày này sẽ có thêm may mắn. Nhiều người Trung Quốc xem đây là ngày mang lại thành công, thuận lợi vì nó chứa tất cả số chẵn. Theo nhà số học Josh Siegal, trên thực tế, nó không có mang ý nghĩa lịch sử hay bất kỳ thông điệp vũ trụ nào.

Điều đặc biệt của các ngày “palindrome” của thế kỷ này là chúng đều rơi vào tháng hai. Số năm trong thế kỷ bắt đầu bằng “20” và ngược lại của nó là “02”, tương ứng với tháng hai. Do đó, tất cả ngày “palindrome” có đầy đủ 8 chữ số đều xuất hiện trong tháng này.

GS chuyên ngành xã hội học của Đại học South Carolina (Mỹ) - ông Barry Markovsky - cho hay bên cạnh hiện tượng ngày "palindrome", việc con người cảm thấy những ngày này đặc biệt còn phản ánh hiện tượng "apophenia". Đó là khi con người ta nhìn thấy sự kết nối giữa những điều ngẫu nhiên, tưởng như không có sự liên quan.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-em-be-o-my-chao-doi-vao-khoanh-khac-tram-nam-co-mot-post1298142.html