Những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế
BHG - Trong 9 tháng năm 2023, lượng khách du lịch đến tỉnh tiếp tục tăng; nông, lâm nghiệp phát triển ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp đạt khá; tổng trị giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ… Đây là những kết quả tích cực tạo nên những gam màu sáng cho bức tranh kinh tế của tỉnh.
Theo báo cáo của ngành chuyên môn, trong 9 tháng, Hà Giang đón hơn 2,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 35% so với cùng kỳ và đạt 86% kế hoạch năm 2023, trong đó có hơn 218 nghìn lượt khách quốc tế và trên 1,9 triệu lượt khách nội địa; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Riêng trong tháng 9, toàn tỉnh đón gần 257 nghìn lượt người, trong đó có 30 nghìn lượt khách quốc tế và hơn 226 nghìn lượt khách trong nước. Đặc biệt, tại Lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2023 (WTA) khu vực châu Á và châu Đại dương diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Hà Giang vinh dự được được tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong xây dựng, phát triển hình ảnh du lịch Hà Giang chuyên nghiệp, hấp dẫn, an toàn, bản sắc, thân thiện.
Cùng với ngành “công nghiệp không khói”, trong 9 tháng qua, ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định được vai trò làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Để có kết quả này, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành xác định, hình thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị, trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các cây, con đặc hữu có giá trị kinh tế cao, như cây cam, cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, Tam giác mạch, bò vàng, lợn đen, mật ong Bạc hà,... Đến nay, toàn tỉnh có 201 sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa đặc trưng chủ lực của tỉnh. Một số sản phẩm xây dựng được nhãn hiệu tập thể như Mận máu Hoàng Su Phì, lê Đồng Văn, cá Bỗng Hà Giang… được quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.
Ngành Công nghiệp cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng qua. Tính riêng trong tháng 9, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh thực hiện đạt hơn 567 tỷ đồng, tăng 6,34% so với tháng trước và tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá như: Điện, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy, sản xuất bê tông tươi, ván ép… Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2023, toàn tỉnh có thêm 11 nhà máy thủy điện đi vào vận hành, nâng tổng số lên 45 nhà máy, hàng năm đóng góp sản lượng điện khoảng hơn 3.355 triệu kWh, doanh thu trên 3.500 tỷ đồng.
Cùng với các lĩnh vực trên, các hoạt động về đầu tư, xây dựng, ngân hàng, xuất, nhập khẩu, vận tải… cơ bản giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định. Ví dụ thực hiện đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công khi đã đảm bảo yêu cầu nên các dự án trọng điểm có giá trị lớn chuyển tiếp được đẩy nhanh tiến độ thi công ngay từ đầu năm, giá trị xây dựng từ các dự án trọng điểm luôn đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; từ đó đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành Xây dựng. Hay ngành Ngân hàng bám sát chỉ đạo của T.Ư, tỉnh đã triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách tín dụng, tiền tệ trên địa bàn; nhờ đó, dư nợ tín dụng 9 tháng năm 2023 đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, huy động vốn đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ…
Có thể thấy, trong 9 tháng qua, tỉnh ta đối diện không ít khó khăn, thách thức, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, trình độ dân trí không đều, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường… song với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, sự vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, nhiều giải pháp phát triển kinh tế của tỉnh được triển khai hiệu quả, tạo cho bức tranh kinh tế của tỉnh những gam màu sáng, đây cũng là nền tảng quan trọng để tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH năm 2023 và giai đoạn 2021 – 2025.