Những gia đình chính sách gương mẫu
Tại địa bàn huyện Ia Grai, nhiều cá nhân và gia đình chính sách luôn gương mẫu phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành những gia đình tiêu biểu ở cơ sở.
Chúng tôi vừa có dịp đến tổ 4 (thị trấn Ia Kha) thăm bà Puih Blanh (SN 1947) là vợ của liệt sĩ Đinh Văn Nơi. Bà Blanh cũng là người tham gia cách mạng vào năm 1965 và đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Tại nơi cư trú, bà Blanh là cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng khu dân cư văn hóa. Nhiều năm qua, bà đã tích cực phối hợp cùng với tổ dân phố và chính quyền thị trấn Ia Kha trong việc tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm, chăm lo việc học hành của con em; giúp bà con tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào sản xuất để thoát nghèo, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.
Theo bà Trần Thị Tuyết-cán bộ làm công tác chính sách ở xã Ia Hrung, xã có hộ bà Rơ Châm Oi và hộ ông Puih Uên, cùng là đối tượng bị địch bắt tù đày, là 2 hộ nghèo thuộc gia đình chính sách. Thời gian qua, 2 hộ này đã được huyện và xã quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở và cấp giống cây trồng. Về phía 2 gia đình cũng đã quyết tâm làm ăn, nên sản xuất và đời sống đã ổn định, đến nay đều đã vươn lên thoát nghèo. Tại xã Ia Grăng có hộ ông Puih Lơi là hộ gia đình chính sách điển hình về sản xuất giỏi. Hỏi về quá trình phấn đấu vươn lên, ông Lơi chia sẻ: “Biết ơn cách mạng, mình thường động viên con cháu phải biết khắc phục khó khăn, không trông chờ ỷ lại, chăm chỉ lao động để có cuộc sống ấm no. Hiện gia đình mình có hơn 5 ha cà phê, điều và cao su, bình quân mỗi năm thu lãi 300 triệu đồng”.
Là thương binh nhưng không trông chờ ỷ lại, ông Nguyễn Xuân Thu (xã Ia Bă) nhiều năm qua đã thành công với mô hình trang trại tổng hợp trên tổng diện tích hơn 3 ha. Cùng với vườn cà phê và cây ăn quả, ông Thu còn có 2 hồ nuôi cá kết hợp lấy nước tưới cây về mùa khô. Ngoài hiệu quả kinh tế cho doanh thu bình quân 500 triệu đồng/năm, gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại chỗ, cũng như tham gia hỗ trợ các hoạt động tương thân tương ái tại địa phương. Ông được huyện, xã biểu dương là hộ sản xuất giỏi và công tác xã hội tốt.
Cũng là thương binh, ông Tôn Long Hùng hiện sinh sống tại xã Ia Tô. Trước đây ông Hùng ở Tiểu đoàn Đặc công của Tỉnh đội Quảng Ngãi. Năm 1973, ông bị thương trong lúc tham gia một trận đánh đồn địch. Năm 1993, ông đưa vợ con từ Quảng Ngãi lên Gia Lai lập nghiệp và định cư tại xã Ia Tô cho đến nay.Vợ chồng ông khai hoang được 6 ha đất để trồng đậu, bắp, mì, cà phê; sau đó chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng cà phê, hiện cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Ông xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm máy móc và phương tiện phục vụ sản xuất, đời sống, nuôi con ăn học. Các con ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Trong đó, hiện có một người con trai đang xây dựng và phát triển cơ sở rang xay, chế biến cà phê mang tên “Thuận Việt” đứng chân tại xã Ia Tô-nơi gia đình ông đang sinh sống.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Tiến-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Tô-cho biết: “Cùng với thành tích lao động sản xuất giỏi, ông Hùng cũng như nhiều đối tượng chính sách, người có công khác còn quan tâm giúp đỡ nhiều hộ khó khăn ổn định cuộc sống, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Nhiều cá nhân và gia đình đối tượng chính sách xứng đáng là những tấm gương sáng, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội”.