Những gia đình 'khuyết mà tròn'
Ở những gia đình khuyết tật, mỗi người có một hoàn cảnh, một dạng khuyết tật khác nhau nhưng điểm chung là không đầu hàng số phận, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, vun đắp cho tình yêu và xây dựng hạnh phúc riêng mình. Và những câu chuyện của họ như tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực để chúng ta yêu hơn cuộc sống này dẫu rằng có lúc gặp khó khăn, gian khổ.
Hạnh phúc giản đơn
Một ngày đầu tháng 9/2023, chúng tôi có dịp gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Nguyễn Thị Liên (phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An) trong buổi trao quà của Hội Người mù TP.Tân An. Nhìn hình ảnh bà Liên nắm tay ông Hiệp lên nhận quà mà trong lòng chúng tôi bỗng ngân vang giai điệu bài hát Hương tình yêu: “Theo thời gian dẫu mái tóc hoa râm/ Vẫn thấy bên vai mình một tình yêu của anh/ Vẫn thấy bên vai mình một tình yêu thủy chung”.
Nắm chặt lấy tay bà Liên khi trò chuyện với chúng tôi, ông Hiệp kể về cuộc đời mình: “Năm 1960, tôi thoát ly gia đình tham gia cách mạng, năm 1966 thì bị thương dẫn đến mù cả 2 mắt. Nhờ tình cảm đồng đội, tình yêu thương của gia đình, tôi dần chấp nhận sự thật và làm quen với cuộc sống mới - cuộc sống không còn thấy có ánh sáng”.
Bà Liên tiếp lời: “Nếu không có những người dám hy sinh sức khỏe, thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc thì chúng ta sẽ không có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Đây là lý do tôi quyết định nên duyên vợ chồng cùng ông Hiệp dù chỉ qua mấy lời mai mối. Biết rằng chấp nhận gắn bó cuộc đời với ông, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng gần 50 năm sống cùng nhau, chưa bao giờ tôi cảm thấy hối hận về quyết định của mình”.
Dù khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng ông Hiệp có một ý chí, nghị lực vượt khó phi thường. Ngoài chế độ trợ cấp của Đảng và Nhà nước đối với thương binh hạng 1/4, ông còn chủ động chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Ông Hiệp cho biết: “Gần 50 năm qua, bà xã chính là đôi mắt, ánh sáng của tôi. Trong sinh hoạt hay làm việc, bà xã luôn cận kề hỗ trợ. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, tôi cảm thấy mình thật may mắn, hạnh phúc khi có người vợ tốt, sống hết mình vì chồng, con”.
Từ khâm phục đến tình yêu chân thành
Chia tay gia đình ông Hiệp, chúng tôi ngược đến xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tìm hiểu về câu chuyện tình yêu của chị Nguyễn Thị Kim Liên và anh Trần Thái Bình. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là hình ảnh anh Bình đang cõng chị Liên trên vai cùng nụ cười rạng rỡ.
Thấy có người lạ ghé nhà, anh Bình nói: “Mấy ngày nay, thời tiết thay đổi, 2 chân của vợ tôi bị đau nhức, đi lại khó khăn nên đi đâu tôi đều cõng. Vợ tôi không may mắn như những phụ nữ khác nên tôi càng yêu thương, bù đắp cho cô ấy. Vợ tôi là người đầy nghị lực, chưa bao giờ đầu hàng số phận, có lẽ vì lý do này mà tôi từ khâm phục rồi yêu thương cô ấy”.
Lúc 5 tuổi, chị Liên bị sốt bại liệt dẫn đến 2 chân không phát triển bình thường. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 5, chị nghỉ học và theo nghề may. Năm 19 tuổi, chị đến TP.HCM làm công nhân. 6 năm sau, chị bàn với gia đình mở cơ sở may gia công. Nhờ mở cơ sở may, chị gặp được anh Bình.
Chị Liên bộc bạch: “Chúng tôi quen nhau gần 3 năm mới quyết định đi đến hôn nhân. Ban đầu, tôi cũng ngại, vì sợ anh chỉ “cảm nắng”, không yêu thương mình thật lòng, sợ gia đình ngăn cấm. Dù bị tôi từ chối, anh vẫn kiên trì theo đuổi và gia đình anh ủng hộ mối quan hệ này. Hiện tại, vợ chồng tôi có 1 cậu con trai đang học lớp 2. Cách đây 3 năm, vợ chồng tôi rời TP.HCM về xã Tân Chánh khởi nghiệp bằng nghề may gia công, góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương”.
Đối với những người bình thường, xây dựng được gia đình hạnh phúc còn khó, với người khuyết tật, việc đó càng khó hơn. Họ phải vượt qua những rào cản và định kiến của xã hội để đến với nhau. Thế nhưng, chính tình yêu chân thành, sự đồng cảm giúp những gia đình khiếm khuyết như ông Hiệp, bà Liên hay anh Bình, chị Liên tìm được hạnh phúc từ những điều bình dị nhất trong cuộc sống./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-gia-dinh-khuyet-ma-tron-a162467.html