Những giá trị trường tồn

Đồng hồ xa xỉ có thể trên cổ tay người đeo đến hàng thập niên, thậm chí, tiếp tục qua tay chủ mới và có thể 'ăn ở' cùng họ thêm hàng thập niên nữa...

 Đồng hồ xa xỉ là những sản phẩm bền bỉ theo năm tháng, thách thức thời gian cả về chất lượng và giá trị

Đồng hồ xa xỉ là những sản phẩm bền bỉ theo năm tháng, thách thức thời gian cả về chất lượng và giá trị

Với đàn ông, đồng hồ gần như là thứ trang sức duy nhất trên người. Không như smartwatch được dùng chủ yếu vào việc đo đếm và thể hiện các chỉ số, đồng hồ xa xỉ truyền thống mang trong mình nhiều thông điệp về người đeo nó, như sở thích, mức độ sành điệu, chịu chơi, khả năng tài chính. Nó giúp gây chú ý ở một mức độ nhất định. Nó ngầm tuyên bố về sự thành đạt của người đeo. Và nó chưa bao giờ lạc mốt.

Cách đây gần một thập kỷ, khi smartwatch (đồng hồ thông minh) ra đời, các chuyên gia đã tỏ ra lo lắng về sự sụp đổ của ngành sản xuất đồng hồ truyền thống. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, dù trên thực tế, smartwatch cũng làm giảm doanh số của các dòng đồng hồ cơ bản. Cùng một số tiền, nhiều người sẽ chọn mua smartwatch vì những tính năng tiện ích của nó.

KHÔNG BAO GIỜ NGỪNG CHẠY

Riêng đồng hồ xa xỉ, thật đáng ngạc nhiên, lại có sự phát triển mạnh mẽ hơn cũng trong gần một thập kỷ qua. Bởi kinh tế thăng hoa, số người giàu tăng nhanh, kéo theo nhu cầu về đồng hồ xa xỉ lên cao. Mà ai cũng biết, đồng hồ xa xỉ là những sản phẩm bền bỉ theo năm tháng, thách thức thời gian cả về chất lượng và giá trị, chứ không phải kiểu “thời vụ” như đồ công nghệ. Smartwatch chính là đồ công nghệ, một sự mở rộng của chiếc smartphone.

Sự tương phản này thực sự thú vị. Đồng hồ thông minh chỉ một vài năm là phải thay mới, nhưng đồng hồ xa xỉ có thể trên cổ tay người đeo đến hàng thập niên, thậm chí, tiếp tục qua tay chủ mới và có thể “ăn ở” cùng họ thêm hàng thập niên nữa.

Rất nhiều sản phẩm của những thương hiệu Thụy Sĩ hàng đầu có tuổi đời trên dưới một thế kỷ vẫn chạy tốt và đạt mức giá gõ búa tới hàng triệu USD trên các sàn đấu giá tên tuổi. Chiếc Rolex Oyster Perpetual của cựu hoàng Bảo Đại và chiếc Patek Philippe Quantieme Lune của Phổ Nghi – vị hoàng đế Trung Quốc cuối cùng – là những minh chứng rõ ràng nhất.

Hãy nhớ rằng, smartwatch cần sạc mới hoạt động. Đồng hồ xa xỉ thì không. Đeo chúng hàng ngày, những bộ máy cơ tinh xảo sẽ không bao giờ ngừng lại. Thêm vào đó, smartwatch chưa bao giờ được thiết kế để trở thành phụ kiện thời trang đúng nghĩa. Không ai đeo smartwatch khi mặc suit. Chúng ta có thể thoải mái, nhưng không có nghĩa chúng ta nên phá những quy tắc thời trang đã có cả trăm năm.

 Đồng hồ xa xỉ không bao giờ lỗi mốt

Đồng hồ xa xỉ không bao giờ lỗi mốt

Ngay cả giới trẻ cũng bị vẻ đẹp cổ điển và thuần túy của đồng hồ xa xỉ mê hoặc. Dù hết sức tôn vinh tinh thần tiện dụng và không coi trọng tính xa xỉ trong thời trang, nhưng thế hệ Z (những người sinh ra từ khoảng 1995 đến 2010) lại bắt đầu quan tâm và săn lùng đồng hồ xa xỉ trên các thị trường thứ cấp, chẳng thua gì thế hệ Y (những người sinh ra từ khoảng 1980 đến 1994).

Để tạo ra sự khác biệt với bạn bè cùng trang lứa. Để đầu tư. Có nhiều lý do khác nhau, nhưng chắc chắn là họ đã nhận ra nhiều giá trị ở những cỗ máy đo đếm thời gian đắt đỏ này.

Theo một khảo sát do Deloitte và Research Now tiến hành ở Mỹ, thì 46% số người tham gia (là thanh niên) chọn mua đồng hồ xa xỉ, 44% chọn mua smartwatch đời mới nhất, 10% còn lại không xác định. Ở Trung Quốc, con số còn áp đảo hơn nhiều, có tới 78% người tham gia chọn mua đồng hồ xa xỉ. Ở Anh thấp hơn một chút, là 70%.

Ngoài sức hấp dẫn về hình thức, kỹ xảo chế tác, lịch sử được truyền lại, thật ngạc nhiên, giới trẻ lại thích đồng hồ xa xỉ vì khi tìm kiếm thông tin, họ được tham gia vào những cộng đồng có nhiều người thực sự am hiểu, thực sự đam mê, những nhà sưu tập chân chính, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của mình. Cảm giác về sự chân thành và gắn kết này thường dẫn đến những quyết định “xuống tiền” rất dứt khoát.

Rolex, Richard Mille và Omega đã rất nhanh chóng “đánh hơi” thấy xu hướng này, và nắm bắt nó bằng cách xây dựng nền tảng bán hàng “second- hand” của riêng mình, đồng thời, hỗ trợ nhiều hơn nhóm khách hàng mua đồng hồ đã qua sử dụng.

Với các thương hiệu cao cấp, đây còn là một chiến lược marketing khôn ngoan, cho phép họ tiếp cận rộng rãi hơn đến một nhóm khách hàng mới, giàu tiềm năng, những người lần đầu được trải nghiệm cảm giác đeo đồng hồ xa xỉ.

Vậy thì, bao nhiêu là tối thiểu cho một chiếc đồng hồ xa xỉ? Với hàng đã qua sử dụng, con số bắt đầu từ 1.000 USD. Còn hàng mới, theo một chuyên gia thuộc chuỗi bán lẻ nổi tiếng Avi & Co., mức khởi điểm là 5.000 USD. Trên thực tế, đây là món đầu tư rất dễ sinh lời, và ngay cả những người mới chơi cũng nhận ra điều này, chứ đừng nói dân kinh doanh và các nhà sưu tập thâm niên.

Nhiều thương hiệu đã tung ra thị trường những mẫu đồng hồ xa xỉ có giá trị đầu tư vô cùng tốt, chẳng khác nào túi Birkin của Hermès hay tranh của Picasso, Pollock và Warhol. Chúng đều thuộc nhóm sản phẩm dùng để trang trí, đạt tới tầm thượng đẳng về chất lượng hoàn thiện (hoặc chất lượng nghệ thuật), mang trong mình đẳng cấp vượt trội của thương hiệu (và nghệ sĩ), giá trị chỉ tăng dần theo thời gian, đôi khi không phải cấp số cộng mà là cấp số nhân.

 Đồng hồ xa xỉ trở thành những món quà xứng đáng

Đồng hồ xa xỉ trở thành những món quà xứng đáng

“Rất nhiều người đã thay đổi, chuyển từ chơi sang kinh doanh”, vị này cho biết. “Có những nhà sưu tập ban đầu mua đồng hồ của chúng tôi vì họ thích, họ yêu mến chúng. Rồi sau đó, họ mua để giữ lại, chờ lên giá rồi bán. Như Richard Mille, tuy là thương hiệu non trẻ nhưng lại đang được ưa thích vô cùng trên thị trường thứ cấp. Một dạng Hermès trong thế giới đồng hồ”.

Những mẫu chronograph cao cấp và phức tạp nhất của Richard Mille có giá xuất xưởng từ 310.000 USD, mẫu trên cổ tay siêu sao quần vợt Rafael Nadal giá khoảng 500.000 USD. Phiên bản đặc biệt thuộc sở hữu của rapper Drake giá tối thiểu 750.000 USD. Còn trên thị trường thứ cấp, có những chiếc Richard Mille tăng 20 – 30% chỉ vài tháng sau khi chúng xuất hiện.

Một trong những lý do để đồng hồ xa xỉ tiếp tục được ưu ái, là do chúng có thể trở thành những món quà xứng đáng. Một cỗ máy đo đếm thời gian đắt giá tặng người bạn đầu ấp tay gối nhân kỷ niệm ngày cưới, hoặc dùng để tưởng thưởng cho bản thân sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, hoặc khi vừa chinh phục được một mục tiêu lớn. Nếu khéo chọn, đồng hồ sẽ mang đến cho người đeo cảm giác sung sướng, thoải mái, tự tin, coi như thêm một món quà lớn về mặt tinh thần.

Trong một bài viết thuộc chuyên mục “Trang sức của đàn ông” (Men’s jewelly), tờ The Guardian đã nêu câu hỏi: bất chấp thực tế là chức năng xem giờ của đồng hồ truyền thống đã hoàn toàn lỗi thời, vì sao người ta vẫn mua chúng?

Tác giả Jeremy Langmead đã đưa ra một thống kê, giá trị của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đạt 3,13 tỷ USD vào năm 1986, tăng lên 12,52 tỷ USD vào năm 2008 . Còn vào cuối năm 2022, theo ước tính của Morgan Stanley, con số đã xấp xỉ 54 tỷ USD.

Có một điều chắc chắn, là những người đam mê đồng hồ xa xỉ ngày nay phải biết ơn các nhà tiên phong hồi thập niên 1980, khi họ quyết định đồng hồ cơ khí không đơn thuần là cỗ máy đo thời gian, mà tính mỹ thuật, yếu tố con người trong các sản phẩm cũng phải được nâng lên một đẳng cấp khác, vừa đại diện cho truyền thống vừa đón nhận sự cách tân, sáng tạo và công nghệ hiện đại. Chúng phải là một bức tranh Van Gogh, một chiếc Ferrari, thậm chí, một du thuyền cá nhân nằm trên cổ tay.

Quan trọng hơn, chúng không bao giờ lỗi mốt. Thời trang có thay đổi ra sao theo từng mùa thì trên cổ tay chúng ta, đồng hồ xa xỉ vẫn tiếp tục tỏa sáng. Cho dù nó chỉ là một mẫu second hand của một thương hiệu tầm trung, giá chỉ 1.000 USD, thì vẫn có những người sẽ không ngừng “ngó nghiêng” nó, như cách phái đẹp vẫn săm soi đôi giầy, cái túi của nhau vậy.

Sức hấp dẫn bao trùm của đồng hồ xa xỉ nằm ở những gì mà nó đại diện. Thuộc về sự tinh hoa, thuộc về số ít, và mang trong mình khát vọng của đám đông.

Lâm Vũ

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nhung-gia-tri-truong-ton-post553450.html