Những giải pháp giảm nghèo bền vững ở vùng cao Tương Dương

Xác định xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng huyện Tương Dương (Nghệ An) đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo.

 Chị Lương Thị Tiến, xã Tam Đình (Tương Dương) trồng keo, phát triển mô hình kinh tế gia đình

Chị Lương Thị Tiến, xã Tam Đình (Tương Dương) trồng keo, phát triển mô hình kinh tế gia đình

Nghịch lý "sợ thoát nghèo"

Tương Dương là một huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có 4 xã giáp biên giới, có 66,939 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, diện tích tự nhiên 280.778,18 ha (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh).

Toàn huyện có 16 xã và 1 thị trấn, 146 khối, làng, bản (có 91 bản đặc biệt khó khăn); có 6 dân tộc sinh sống (gồm Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông, Tày Poong, Ơ Đu), trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn.

Dân số trên toàn huyện Tương Dương là 80.333 nhân khẩu, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 39.696 người, chiếm tỷ lệ 49,4%; trong đó hộ nghèo 5.363 hộ nghèo, chiếm 29.25%, 3.332 hộ cận nghèo, chiếm 18.17%; (nam: 20.989 người, chiếm 52,9%, nữ 18.707 người, chiếm 47.1%). Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 34,5 triệu đồng/năm.

Cán bộ Hội LHPN xã Tam Quang thăm và tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Cán bộ Hội LHPN xã Tam Quang thăm và tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy, huyện Tương Dương có diện tích rộng hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước, gồm: Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, thành phố Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ.

Diện tích của huyện Tương Dương rộng hơn 3 tỉnh Hưng Yên (930,2km2), Hà Nam (860,9km2) và Bắc Ninh (822,7km2) cộng lại và rộng gấp hơn 3,4 lần tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam là Bắc Ninh. Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh Nghệ An và cũng là đơn vị cấp huyện rộng nhất của cả nước.

Bà Nông Thị Kim Tuyến – Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết: Xác định xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Tương Dương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của huyện vẫn chưa thực sự bền vững, vẫn còn tình trạng hộ tái nghèo, tái cận nghèo. Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội khó có khả năng thoát nghèo chiếm 19,7% tổng số hộ nghèo.

Bên canh đó, tâm lý "sợ" thoát nghèo, không muốn thoát nghèo vẫn còn hiện hữu trong suy nghĩ của một số người dân. "Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, có nhiều người dân lại "sợ" thoát nghèo. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đây là sự thật đã và vẫn đang diễn ra", bà Tuyến chia sẻ.

Vẫn còn tâmngười có tâm lý trông chờ, ỷ lại nhưng cũng rất nhiều phụ nữ ở huyện Tương Dương đã vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc sống. Trong ảnh là chị Lim Thị Oánh - Chi hội phó phụ nữ Bản Can, xã Tam Thái, một trong những điển hình tiên tiến

Vẫn còn tâmngười có tâm lý trông chờ, ỷ lại nhưng cũng rất nhiều phụ nữ ở huyện Tương Dương đã vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc sống. Trong ảnh là chị Lim Thị Oánh - Chi hội phó phụ nữ Bản Can, xã Tam Thái, một trong những điển hình tiên tiến

Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết thêm, thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền trong huyện đã dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các xã đặc biệt khó khăn, khu vực vùng sâu, vùng xa; các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã... Nhờ đó, nhiều bản, làng đổi thay nhanh chóng, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhiều hộ dân nỗ lực vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo.

Thế nhưng không ít hộ nghèo còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, lâu dần mang trong mình căn bệnh "sợ thoát nghèo", không muốn thoát nghèo, xin được là hộ nghèo. Vô tình hoặc cố ý, họ xây dựng cho mình tư duy "ăn nhờ" chính sách. "Cái lý" để không muốn thoát nghèo nằm ở chỗ "quyền lợi" thụ hưởng rất nhiều, như miễn phí 100% chi phí mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn khi đi bệnh viện, giảm tiền khám, chữa bệnh, tiền điện thắp sáng, miễn học phí cho học sinh, sinh viên, giảm lãi suất khi vay vốn ngân hàng, được các quỹ tài trợ, cấp vốn, được nhận quà từ các nhà hảo tâm mỗi khi tết đến xuân về...

Là huyện miền núi, có địa bàn rộng, trong khi kết cấu hạ tầng còn thiếu, giao thông đi lại khó khăn, giao lưu văn hóa, kinh tế còn nhiều hạn chế,... Theo bà Nông Thị Kim Tuyến, đời sống người dân ở những vùng này dựa vào tự nhiên là chính, trình độ lao động thấp, tập quán sản xuất lạc hậu, tự cấp tự túc, lâu dần hình thành tâm lý cảm thấy "đủ", ở phương diện nào đó, họ "bằng lòng" với cái nghèo, không nghĩ đến cũng như không cần đến sự thay đổi để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phụ nữ ở xã Tam Quang thu hoạch sắn, một trong những cây thế mạnh ở địa phương

Phụ nữ ở xã Tam Quang thu hoạch sắn, một trong những cây thế mạnh ở địa phương

Chưa kể, khi gặp thất bại trong sản xuất, kinh doanh, phần đông người nghèo dễ sinh ra chán nản, bỏ cuộc, dẫn đến kết quả không những không thoát nghèo mà còn lún sâu hơn vào nghèo đói. Người nghèo được trao cơ hội để thay đổi nhưng bản thân họ lại không chủ động nắm bắt cơ hội.

Tư tưởng, tập quán canh tác và thói quen sinh hoạt lạc hậu. Cái đói, cái nghèo cũng bắt nguồn từ chính những tập tục lạc hậu trong đời sống của đồng bào, thói quen chăn thả gia súc, gia cầm tự phát, không kiểm soát được dịch bệnh; chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng sẵn có để khai thác,...

Những giải pháp cụ thể

Để khắc phục hạn chế, góp phần hoàn thành các mục tiêu, giúp cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, thời gian tới, huyện Tương Dương đã tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm.

Cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo.

Tăng cường công tác đối thoại giảm nghèo, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của người dân, tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí về những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở các địa phương trong huyện.

Cán bộ Hội LHPN huyện Tương Dương tại "Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo và cán bộ Hội cấp huyện giai đoạn 2021- 2024"

Cán bộ Hội LHPN huyện Tương Dương tại "Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo và cán bộ Hội cấp huyện giai đoạn 2021- 2024"

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến của cá nhân, tập thể trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo để khơi dậy tính tự lực, ý chí thoát nghèo...

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng chuyển dần phương thức hỗ trợ từ "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện (cho vay); từ hỗ trợ đầu vào trong sản xuất sang hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm (từ giúp kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm).

Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình tiêu biểu; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào quyên góp ủng hộ "Quỹ vì người nghèo".

Bà Nông Thị Kim Tuyến và các con đỡ đầu

Bà Nông Thị Kim Tuyến và các con đỡ đầu

Đồng thời thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, triển khai các chương trình giảm nghèo, coi trọng vai trò của cấp cơ sở, bảo đảm sự tham gia của người dân trong suốt quá trình giám sát và đánh giá này.

Nguyễn Cảnh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-giai-phap-giam-ngheo-ben-vung-o-vung-cao-tuong-duong-20250506123008464.htm