Những gốc tre già bám vùng biên ải
Ở biên giới, nói tới các già làng, là nói câu chuyện bám đất, giữ đất. Nhiều người già kể, họ ở đây lâu lắm, 10 đời, hay 11 đời, thời gian dài tới mức chẳng ai còn đếm năm nữa.

Ông Vù Chừ Lùng (thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang) bên cột mốc biên giới gần nhà.
Đến và ở lại
Những năm đầu thập kỷ 90, khi đã ngoài 60 tuổi, hai vợ chồng cụ Đồng Văn Bơn từ Mường So đến Pa Nậm Cúm (xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, Lai Châu). Cuộc hành trình phải đi bộ qua 33 cây số đường mòn rậm rạp cây cối. Bản Pa Nậm Cúm ở ngã ba suối Nậm Cúm hướng ra sông Nậm Na, là dòng suối biên giới.
Năm đó, cụ Bơn còn tính toán để ông bà già đi trước, làm ăn được rồi mới rủ con cháu vào theo. Cũng bởi đất Mường So nghèo, mỗi năm chỉ vài tạ thóc. Bản mới tuy nằm ở biên giới xa xôi, đường vào khó khăn nhưng năm đầu tiên hai ông bà đã có 20 tấn ngô. Năm thứ hai, có thêm các con giúp sức, họ thu hoạch được 30 tấn ngô. Kể từ đó cả gia đình con cái về hẳn bên dòng Nậm Na, yên tâm ở bản, yên tâm trồng cấy, vừa chăm chỉ làm kinh tế, vừa cùng bà con bảo vệ dòng Nậm Na, tuổi tác cũng chẳng ngăn cản được. Tám năm sau, họ xây được một căn nhà. Cả tuổi trẻ rong ruổi từ chiến trường Điện Biên, rồi sang Lào, về già, cụ Bơn lại chọn bản biên giới làm quê hương mới. Căn nhà của cụ Bơn, như cụ từng tả, là “Nhà to, có cột cao, vui lắm!”. Vợ ông Bơn, bà Vàng Thị Bum còn kể, ở đây trồng ngô không bao giờ sợ mất mùa. Hai ông bà còn trồng thêm cây cao su, trồng chuối, trồng thông. Người già mà còn hăng say làm như thế, lớp trẻ sau này cũng cứ thế mà noi gương theo.
Nhiều người bản Pa Nậm Cúm nhiều người vẫn nhắc chuyện một ngày cận Tết cách đây hơn 20 năm, ông già Đồng Văn Bơn đã huy động dân bản kéo nhau về phía con suối biên giới. Cả bản đứng trong dòng suối lạnh nhiều giờ, để ngăn không cho phía bên kia nắn dòng, đào đất đá đổ sang phía đất nhà mình. “Đất của mình mình phải giữ”, ông già Đồng Văn Bơn đã nói chắc nịch.
Cũng khăn gói tới vùng đất mới khi không còn trẻ, ông Ma Seo Páo (A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai) đã ghi dấu ấn bởi hình ảnh một già làng dám nghĩ dám làm. Là một trong những người đầu tiên đến với A Mú Sung, lúc ấy, ông Páo chỉ nghĩ phải làm sao để thoát nghèo. Nhà cũ của ông Páo ở Mường Khương, thiếu đất sản xuất, quanh năm chỉ trồng được ngô, nước sinh hoạt cũng khan hiếm. Cả 100 hộ dân chỉ có một bể nước sạch. Đất Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - màu mỡ hơn, hứa hẹn có thể thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới. Ông Páo dẫn một đoàn đi khảo sát trước, thấy khả quan, ông quyết tâm ở lại với A Mú Sung. Năm 2007, ông bắt đầu thử trồng những cây chuối đầu tiên. Năm 2010, ông xin vay ngân hàng 30 triệu đồng, mua 10.000 cây chuối giống về chia cho các hộ. A Mú Sung bắt đầu từ 10 ha chuối, để có một vùng trồng chuối như bây giờ. Nói A Mú Sung giàu rồi thì chưa hẳn, nhưng cũng từ những già làng như ông Páo, mà vùng đất biên giới này trù phú hơn, đường lên đầu nguồn sông Hồng cũng đỡ xa ngái.
Năm 1993, toàn vùng rà phá xong bom mìn, bà con càng yên tâm ổn định đời sống. Người làng cũ nghe tin cũng lần lượt trở về, mang theo cả chăn màn quần áo. Bà Hợp tả mấy ngày đó, bà con về làng cũ mà nô nức như đi hội. “Mình có biên phòng bảo vệ phối hợp người dân, có vấn đề gì bộ đội giúp đỡ, dân cũng phối hợp với bộ đội bảo vệ đường biên”, bà Hợp vui vẻ.
Nhiều đời ở đây
Gặp các già làng ở biên giới, sẽ thấy họ kể về những câu chuyện cha truyền con nối, về những năm tháng mà các thế hệ cùng nhau gắn bó với quê hương. Họ bảo vệ mảnh đất ấy bằng tinh thần, và cả sinh mệnh. Ông Ly Chứ Sùng (thôn Xéo Lủng, xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) kể gia đình mình phải ở vùng đất này 10 đời hay 11 đời. Gia đình ông chỉ rời Xéo Lủng vài năm sơ tán sau năm 1979. “Năm 1979 mình đánh nhau ở Hà Quảng (Cao Bằng), mà mình có số, mình không chết được”, ông già cười hiền hậu. Năm 1982, rời quân ngũ, ông về lại Đồng Văn, rồi đến năm 1989, cả gia đình lại chuyển về Lũng Cú: “Mình cũng nghĩ mình có ruộng nương ở đây thì mình về quê cũ của mình thôi, cùng bảo vệ Tổ quốc thôi”. Ông nói ông về đúng cái nền nhà cũ, em trai ở nhà trên, ông ở bên dưới.
Tháng 2/1992, một toán lính phía bên kia sang đốt sạch cả mấy nếp nhà. Khu trên, khu dưới của bản đều cháy hết. Mấy người trong nhà bị khiêng ra ngoài. “Chúng nói đấy là đất của nó, nhưng mình không chịu, nên nó đốt hết”. Nhưng chúng nói thế nào thì bà con trong bản cũng không đi, “Chỗ này là nương của mình, nhà của mình, đi làm sao được”. Sau chuyện đó, ông Sùng, khi đó là cán bộ địa chính xã, động viên người trong bản, phải vững tâm: “Bộ đội biên phòng về giúp rồi, đất của mình, mình không thể đi được”. Mấy hộ dân đều nghe ông. “Tôi đi làm cán bộ bao nhiêu năm, đi bộ đội rồi, dưới Việt Trì, rồi là Đại Từ, Bắc Thái rồi là đi Lạng Sơn, xong về Cao Bằng rồi. Tôi đi khắp nơi rồi, cho nên là không đi đâu nữa, ở đất mình bám trụ thôi. Mình vẫn phải bảo vệ, giữ đất”. Không chỉ ông Sùng, cả bản đều có tinh thần như thế.

Ông Ly Chứ Sùng (thôn Xéo Lủng, xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) ở mảnh nương đã 11 đời trồng cấy.
Nhà cũ cháy, họ dựng nhà khác. Có cán bộ xã, có bộ đội hỗ trợ, bà con đều không phàn nàn nửa lời. Bây giờ, gia đình ông Sùng vẫn ngày ngày cày cấy ở ngay sát dòng Nho Quế, phía không xa là cột mốc 428 - cột mốc xa nhất phía bắc. Nương ở đây đất tốt, trồng không phải bón nhiều phân chuồng. Mấy người con của ông Sùng đều được cho đi học đầy đủ. Cậu con thứ làm cán bộ xã. “Tôi phải động viên nó không bỏ học. Xã hội phát triển thì phải biết chữ, không biết chữ mình cũng sống được nhưng vất vả. Không biết chữ thì mùa rét mình lại không có áo bông mà mặc”.
Ông Vù Chừ Lùng (thôn Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang) thì kể rằng, ngay cả vào giai đoạn cả gia đình phải sơ tán năm 1979, ông vẫn ngày ngày lên nương làm việc. “Lúc đó mọi người sơ tán ở Pù Chử Lùng (huyện Yên Minh - PV), chỗ đó không có ruộng, mỗi ngày đều đi bộ 30-40 phút vào đây làm nương”, ông Lùng nhớ lại. Đầu thập niên 90, 40 hộ dân Lao Xa về lại bản cũ. “Chẳng có ai sợ cả”, ông Lùng kể, “Lúc đó bộ đội biên phòng nói đi chợ cứ đi theo họ, bộ đội đi tới đâu là đất mình đến đó”. Vậy là cứ theo dấu chân những người lính, dân bản Lao Xa yên tâm bám bản, bám vùng biên. Ông Lùng tính nhẩm, cũng dễ phải hơn 10 đời mình đã sống ở đây, gia đình mình sẽ còn ở đây nữa.
Lại có người như bà Hoàng Thị Tương (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang), cả thanh xuân đã dành cho việc mở những con đường Hà Giang. Người ta thường biết con đường Hạnh Phúc, nhưng có mấy ai biết những con đường xương cá vào tới sâu biên giới cũng gian nan chẳng kém. Cả mấy chục năm, hầu hết các tuyến đường Mèo Vạc, người phụ nữ nguyên là Bí thư Đảng ủy xã này đều đã trải qua. Đường Sơn Vĩ, Xín Cái, Lũng Pù… đều có bàn tay huy động của bà. “Dân tin thì mới bám đất, bám làng”, bà Tương nói vậy. Bây giờ, bà Tương đã 70 tuổi, nhưng vẫn còn đầy nhiệt huyết.
Bà Nông Thị Hợp (đội Pha Hán, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) vẫn nhớ câu chuyện hơn 30 năm trước, khi trở lại nhà cũ. Gia đình bà đã phải rời nơi chôn nhau cắt rốn năm 1979, khi trở về, cả vùng đất đã cỏ lau um tùm, ẩn giấu nhiều bom mìn còn sót lại. “Mình tra ngô một bên, bộ đội công binh dò mìn một bên”, bà kể về những ngày đầu tiên trở về. Năm 1989, bố mẹ bà về trước, tới năm 1991, bà cũng về theo. Nỗi lo lắng cũng qua dần. “Mình vui hơn, vì lúc đi sơ tán, cứ bị gọi dân sơ tán là mình tủi thân, vì nhớ nhà, nhớ nơi ở cũ”, bà Hợp kể, “Bà con về rồi không sợ đâu, chỗ nào rà bom rồi thì mình trồng cấy trước”.
Những người như cụ Bơn, ông Páo, ông Sùng, bà Hợp, bà Tương... giống như những chỗ dựa niềm tin cho nhiều thế hệ sau này trên các vùng biên giới, nhờ sự kiên định, sự đi đầu của họ. Đã có những năm tháng, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, người dân phải rời bỏ vùng đất mình gắn bó, để sơ tán tới những nơi an toàn. Nhưng khi tiếng súng ngưng, cuộc sống lại trở về. Họ bắt tay vào dựng lại nhà, phát quang đường đi, lại tiếp tục lên nương trồng ngô tra lúa. Những mảnh nương, bờ đất là những thứ thân thuộc, cũng là những điều máu thịt mà họ gìn giữ, bảo vệ. Những người cao tuổi ở những mảnh đất ấy, truyền tinh thần trong từng hành động, trong từng câu chuyện, như một lứa tre già vững chãi, ăn sâu bám rễ nơi trời biên giới.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhung-goc-tre-gia-bam-vung-bien-ai-post312252.html