Những 'hạt nhân' đoàn kết ở buôn làng

Đội ngũ già làng, người uy tín không chỉ là gương sáng trong cuộc sống sinh hoạt mà còn là những 'hạt nhân' trong công tác tuyên truyền, vận động, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 1.000 già làng, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng. Với vai trò, trách nhiệm của mình, họ thường xuyên phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tích cực thi đua lao động sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế. Được cộng đồng lựa chọn để gửi gắm niềm tin nên các già làng, người uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương như: “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Nhắc đến già Sêl (làng Ngơm Thung), ông Nguyễn Song Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) thông tin: “Ông là già làng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư 2 giai đoạn liên tiếp: 2014-2018, 2018-2020. Lời nói và hành động của ông luôn chuẩn mực. Ông làm kinh tế giỏi, nuôi dạy các con trưởng thành nên ai cũng có cuộc sống khá giả, được bà con thêm tin tưởng, quý mến”. Với suy nghĩ còn sức khỏe thì còn lao động nên đã gần 70 tuổi, ông vẫn canh tác 4 sào lúa nước, 1 ha cà phê. Thời gian rảnh rỗi trong ngày, ông đan gùi bán kiếm thêm thu nhập.

16 năm làm già làng, chứng kiến những đổi thay của quê hương, ông Sêl thêm tự hào vì mình đã góp một phần trong đó. Ông nói: “Nhận thức, thói quen của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Bà con đã biết tận dụng những diện tích đất trũng, nhiều nước để trồng lúa Đông Xuân; trồng thêm cây công nghiệp; làm chuồng nuôi bò, nuôi heo để phát triển kinh tế”. Hơn thế, từ việc đàn ông trong làng đan gùi để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày và trao tặng nhau vào những dịp quan trọng, giờ họ tập trung đan gùi bán để kiếm thêm thu nhập và góp phần bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc.

Già làng Sêl (bìa phải; làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) hướng dẫn người dân đan gùi để tăng thu nhập, giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Anh Huy

Già làng Sêl (bìa phải; làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) hướng dẫn người dân đan gùi để tăng thu nhập, giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Anh Huy

Ông Bat (người dân làng Ngơm Thung) chia sẻ: “Đất đai mình giao lại hết cho con cái, mình chuyển sang đan gùi. Lúc trước, mình đan gùi bằng lồ ô nhưng giờ không đi xa để kiếm nguyên liệu được nên mình dùng dây cước để đan. Cái này khó hơn, mình nhờ già Sêl hướng dẫn cách đan, cách tạo hoa văn, tạo màu sợi cước. Mỗi ngày, mình đan xong 1 gùi, bán với giá 200 ngàn đồng, trừ chi phí còn 150-160 ngàn đồng”.

Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Mỗi lời nói, việc làm của đội ngũ già làng, người uy tín luôn có ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng dân cư. Những năm qua, đội ngũ này luôn là “điểm tựa tinh thần” trong đồng bào dân tộc thiểu số và “địa chỉ tin cậy” của cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn.

Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, đội ngũ già làng, người uy tín còn tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động và ngăn chặn tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; thanh-thiếu niên lêu lổng, tụ tập gây mất an ninh trật tự... Bằng uy tín và kinh nghiệm, nhiều già làng còn được xem như “quan tòa” công minh, chính trực trong việc phân xử các vụ mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở. Hơn 20 năm qua, già Rơ Châm Đêr (70 tuổi, làng Pôk, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) vẫn miệt mài với công việc này. Điều đáng mừng là những năm gần đây, số vụ mâu thuẫn trong dân làng cũng giảm đi. “Có trường hợp vợ chồng hết tình cảm, không muốn chung sống với nhau nữa, mình không thể ép họ quay về. Mình chỉ phân tích, hòa giải để các bên không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến tài sản, con cái”-già Đêr nói. Nhờ sự tham gia tích cực của các “quan tòa” cơ sở mà nhiều mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư được giải quyết. Nhờ đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng giảm được áp lực.

Đặc biệt, đội ngũ già làng, người uy tín đã góp phần giúp quần chúng nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện chung sức đóng góp ngày công, kinh phí để từng bước làm thay đổi diện mạo thôn, làng. Điển hình như già Srôi (làng Đak Trôi, xã Đak Yă, huyện Mang Yang) đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân thu gom rác thải, di dời chuồng trại xa nhà ở, nuôi nhốt gia súc, sử dụng nước hợp vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Tương tự, già Rơ Lan Hlết (làng Klăh, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) thường xuyên trao đổi với cấp ủy chi bộ về việc phân công đoàn thể chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh các tuyến đường.

ANH HUY

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12376/202205/nhung-hat-nhan-doan-ket-o-buon-lang-5778417/