Những hệ lụy từ 'sóng ngầm' TikTok
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Những sai phạm này của TikTok đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới người dùng.
Giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Đây chính là một trong những vi phạm mà TikTok mắc phải.
Thực tế, những video ngắn với nội dung đa dạng đã gây kích thích, sự tò mò cho người dùng TikTok. Nói một cách khác, người xem có thể bắt chước thái độ, hành vi hoặc mua sản phẩm quảng cáo từ những video ngắn này. Tuy nhiên, hậu quả khôn lường. Dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên mặt là cách mà chị Nguyễn Thị Sơn* ở thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân) đã thực hiện sau khi xem TikTok. Chị Nguyễn Thị Sơn nhớ lại: “Video ngắn đấy nói về công dụng tuyệt vời từ đá lạnh, như chườm trực tiếp đá lên mặt để làm sáng da, se khít lỗ chân lông. Nghe theo, ngày nào tôi cũng thực hiện. Kết quả, da không sáng lên, chân lông cũng không khít hơn mà ngược lại, da bị bỏng, nổi mụn đỏ...”.
Liên quan đến ẩm thực, rất nhiều video đã được các Tiktoker tạo ra. Thực tế, đấy là những món ăn được phối tùy tiện, không khoa học. Nghĩ gì làm nấy. Từ video về chế biến mì tôm trộn sữa chua trên TikTok, cháu Lê Văn Mỹ *(13 tuổi) ở phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) đã bắt chước làm theo. Kết quả, như cháu Mỹ chia sẻ, thì: “Lúc ăn, cháu thấy rất ngon miệng. Nhưng sau đó, cháu đau bụng và phải đi vệ sinh. Từ đó, cháu không dám làm theo món ăn nào trên TikTok nữa”.
TikTok còn là phương tiện dễ tiếp cận nhất để tìm kiếm thông tin về sức khỏe tình dục. Một khảo sát với 2.000 người dùng mạng xã hội được công bố trên Superdrug Online Doctor (một trang web về y tế của nước Anh) chỉ ra 80% số người được hỏi, cho biết họ từng xem được những nội dung liên quan đến sức khỏe tình dục trên TikTok. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng đúng, thậm chí, còn phản tác dụng. Trong số những người thừa nhận lắng nghe lời khuyên về sức khỏe trên TikTok, khoảng 25% bị tác động tiêu cực đến các mối quan hệ hoặc sức khỏe tâm thần.
Dùng TikTok mà có thể chết người? Đấy là sự thật. Câu chuyện đã đi quá xa. Sự thật tàn nhẫn này đã khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ bị sốc. Vì họ không tin rằng, TikTok có thể “cướp” con họ ra khỏi cuộc sống này nhanh đến thế? Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật.
Đấy là câu chuyện của gần 20 trẻ em nước ngoài đã thiệt mạng do thực hiện “Thử thách bất tỉnh” trên TikTok. Theo Hãng tin Bloomberg (Hãng thông tấn quốc tế), ít nhất 15 trong số những đứa trẻ đã chết khi quay thử thách này ở độ tuổi dưới 12. Đây là trò khuyến khích người chơi tự bóp cổ mình bằng các vật dụng trong nhà cho đến khi bất tỉnh và quay lại cảnh khi họ tỉnh lại. Vào tháng 2-2021, một bé gái 9 tuổi ở bang Wisconsin (Mỹ) đã chết ngạt sau khi quấn đồ dùng trong nhà quanh cổ. Ngày 10-6-2021, bé trai tên LaTerius Smith Jr cũng 9 tuổi ở nước này đã không qua khỏi khi lấy chiếc thắt lưng quấn quanh cổ. Nguyên nhân cái chết do cả hai đều cố gắng thực hiện “Thử thách bất tỉnh” được xem trên TikTok...
Ngoài “Thử thách bất tỉnh”, TikTok còn khiến nhiều thanh, thiếu niên “quay cuồng” với “Thử thách Kia” hoặc “Thử thách chết chóc”... Vào năm 2022, một ca tử vong và một ca khác bị thương nặng tại Indonesia khi tham gia thử thách “Thiên thần chết chóc” trên TikTok. Để thực hiện thử thách này, nhiều thanh niên đã lao đầu vào các phương tiện lớn đang di chuyển trên đường và tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Tự do đưa những video do bản thân sản xuất lên TikTok. Và người dùng cũng có quyền “vẫy vùng” trong cái gọi là tự do đấy. TikTok là âm thanh, hình ảnh, là những nội dung có thể xem như giải trí nhưng nếu quá đà sẽ thành hiểm họa, thành con dao hai lưỡi. Chuyên gia Johnanes Eichstaedt về Al tại Viện Stanford Mỹ đã nói rằng: “Động lực của TikTok không phải giải trí mà là lợi nhuận. Thuật toán Al của nền tảng cố giữ người dùng bằng nội dung được cho là hấp dẫn, bất chấp nguy hiểm hoặc phản cảm”.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi