Những hiểu biết sai lầm và thần thánh hóa giáo dục STEM

Bản chất của giáo dục STEM là phối hợp hài hòa giữa việc hình thành kiến thức và kỹ năng của người học, không đơn thuần chỉ là lắp ráp, chế tạo mô hình.

Nhiều năm gần đây, thuật ngữ “giáo dục STEM” được nhắc đến và sử dụng rộng rãi trong các trường học. Tuy nhiên, nhiều giáo viên phải thừa nhận rằng họ vẫn đang mơ hồ với khái niệm này.

Trong khi đó, cách triển khai của một số trường học vẫn chưa thực sự đúng và phù hợp với bản chất, mục tiêu của giáo dục STEM.

Lấy kỹ năng, năng lực người học làm mục tiêu

Chia sẻ về những cách triển khai giáo dục STEM hiện nay ở một số trường học, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên - Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Cách làm STEM ở Việt Nam là đang triển khai ở mức độ thấp, cụ thể là thầy chỉ dẫn như thế nào, học trò làm theo như vậy, chưa đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề.

Hầu hết các thầy cô chỉ hướng dẫn học sinh lắp ráp hoặc chế tạo robot và gọi đó là giáo dục STEM.

“Mọi người định nghĩa STEM là tích hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học với nhau, lấy kiến thức làm mục tiêu để triển khai hoạt động giáo dục này.

Tuy nhiên, theo triết lý giáo dục thế kỷ 21, dạy học là lấy kỹ năng, năng lực con người làm mục tiêu, còn kiến thức là điều học sinh có thể chủ động tìm hiểu.

Giáo dục STEM là những cách tổ chức dạy học để hình thành nên những kỹ năng cho học sinh, giúp học sinh có thể hỏi như một nhà khoa học, thiết kế như chuyên gia công nghệ, xây dựng như một kỹ sư, sáng tạo như một nghệ sĩ và suy luận như một nhà toán học”, cô Quyên chia sẻ.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên (thứ hai từ trái sang) cho biết giáo dục STEM không chỉ áp dụng cho các môn khoa học kỹ thuật (Ảnh: Cô Quyên cung cấp)

Cô Tô Thụy Diễm Quyên (thứ hai từ trái sang) cho biết giáo dục STEM không chỉ áp dụng cho các môn khoa học kỹ thuật (Ảnh: Cô Quyên cung cấp)

Theo cô Quyên, có 4 mức độ trong giáo dục STEM, cách làm STEM ở Việt Nam hiện nay đang ở mức độ thấp là mô phỏng lại kiến thức đã học, thực hành theo chỉ dẫn.

Ở mức độ thứ 3, STEM tích hợp kiến thức của nhiều môn học, kể cả bộ môn khoa học kỹ thuật lẫn nghệ thuật và khoa học xã hội. Cụ thể, giáo viên đưa ra vấn đề và học sinh tìm giải pháp giải quyết vấn đề.

Mức độ cao nhất của STEM là nghiên cứu khoa học, học sinh phát hiện vấn đề, học sinh tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời cho các câu hỏi đó, tự giải quyết vấn đề.

Cũng theo cô Quyên, từ trước đến nay, hầu hết mọi người đều nghĩ giáo dục STEM chỉ ứng dụng cho các môn khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, đây là một quan niệm chưa đúng. STEM giúp tích hợp tất cả các môn học, kể cả các bộ môn thuộc khoa học xã hội.

Cô Quyên nêu ví dụ về tích hợp xuyên môn trong giáo dục STEM với tên gọi “Healthy Foods” (Những thực phẩm tốt cho sức khỏe). Từ chi tiết “bát cháo hành” trong tác phẩm văn học “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, học sinh tìm hiểu những thực phẩm có khả năng giải cảm và có lợi cho sức khỏe.

Hoạt động tiếp theo là tìm hiểu các pha chế, nấu nướng những thực phẩm đó thay thế thuốc chữa bệnh. Các em cũng có hoạt động trải nghiệm, gặp gỡ những chuyên gia dinh dưỡng để tiếp nhận nhiều kiến thức.

Một vấn đề được đặt ra cần học sinh giải quyết là làm sao để bảo quản thực phẩm được lâu mà không làm giảm giá trị dinh dưỡng.

Giai đoạn mở rộng, học sinh sẽ hướng đến hoạt động khởi nghiệp với những thực phẩm hữu ích này.

Như vậy, hoạt động giáo dục STEM này đã giúp học sinh tích hợp kiến thức của nhiều môn học, các em cần thuyết trình để giới thiệu sản phẩm, sáng tạo trong khâu thiết kế và đóng gói sản phẩm, học sinh nghiên cứu thị trường, vận dụng kiến thức môn toán để định lượng, tính toán để khởi nghiệp,…

Trong giáo dục STEM, vấn đề cốt lõi là cách giáo viên phải có sự sáng tạo. Thông qua các kỹ thuật, giáo viên đặt vấn đề, đặt câu hỏi chứ không nêu câu hỏi một cách trực tiếp.

Giáo viên phải biết cách tạo ra các chủ đề dạy học, chủ đề đó tích hợp các môn học, các kiến thức học tập với nhau.

Khi xây dựng chủ đề, giáo viên cần xác định hình thức tích hợp áp dụng, hướng đến giải quyết vấn đề nào đó, phối hợp nhiều mảng kiến thức với nhau để hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh.

Giáo dục STEM giúp người học có tư duy phản biện và kỹ năng sáng tạo để giải quyết vấn đề. Và xuyên suốt quá trình đó, phải lấy kỹ năng của con người làm mục tiêu.

Không nên "thần thánh hóa" giáo dục STEM

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia cho biết: Hiện nay, tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giáo dục STEM chưa được hiểu một cách đúng chuẩn.

Về bản chất, giáo dục STEM là một cách để phối hợp hài hòa giữa việc hình thành kiến thức và kỹ năng cho người học.

Giáo dục STEM xoay quanh hai trụ cột chính, một là toán học được ứng dụng vào trong khoa học để tìm hiểu thế giới tự nhiên, thông qua đó học sinh hình thành tư duy khoa học.

Hai là công nghệ ứng dụng vào trong kỹ thuật để tìm hiểu thế giới của những gì con người làm ra, thông qua đó học sinh hình thành tư duy sáng tạo.

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cho rằng trường học không nên chạy theo trào lưu, cần xác định mục đích hoạt động học tập cho học sinh (Ảnh: Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cung cấp)

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cho rằng trường học không nên chạy theo trào lưu, cần xác định mục đích hoạt động học tập cho học sinh (Ảnh: Thạc sĩ Hoàng Anh Đức cung cấp)

Hiện nay, một số đơn vị kinh doanh giáo dục còn đưa ra những khái niệm mới để tạo chiến lược truyền thông cho mình, vì vậy có nhiều khái niệm gây nhiễu loạn và chi phối việc tiếp cận của các thầy cô.

“STEM còn có tên gọi khác là STEAM vì nhiều người cho rằng cần phải có yếu tố nghệ thuật vào trong STEM. Tuy nhiên, dù gọi theo cách nào, bản chất STEM đã có tính nghệ thuật.

STEM là cách tiếp cận giáo dục một cách tích hợp và sử dụng hệ tích hợp đó để dạy nhiều lĩnh vực, vấn đề khác nhau, cả về nghệ thuật, khoa học xã hội, không nhất thiết là chỉ dạy về các môn khoa học kỹ thuật”, Thạc sĩ Hoàng Anh Đức nhấn mạnh.

Theo Thạc sĩ Hoàng Anh Đức, cần phải phân biệt rõ hai khái niệm là giáo dục STEM và môn học STEM.

Các môn học STEM bao gồm toán học, công nghệ, kỹ thuật, khoa học,… Các môn học này có thể được dạy một cách riêng biệt mà không cần dùng đến cách của giáo dục STEM.

Giáo dục STEM là một phương thức dạy học tích hợp và lấy những môn học STEM làm chủ đạo, nhằm phối hợp hài hòa giữa việc hình thành kiến thức và kỹ năng cho người người học.

Thạc sĩ Hoàng Anh Đức nhấn mạnh: “Hiện nay, câu chuyện giáo dục STEM đang bị hiểu sai lệch rất nhiều, trường học nghĩ cứ phải có robot mới là làm STEM, họ mua thiết bị máy móc thật nhiều để triển khai giáo dục STEM.

Mọi người chỉ chú trọng công cụ, thiết bị trong khi điều mà giáo dục cần hướng đến là tích hợp nội dung trong chương trình giảng dạy, tích hợp những mục tiêu tập hợp ra từ các môn học và triển khai các hoạt động học tập.

STEM là một trong những lựa chọn để tích hợp việc học kiến thức và kỹ năng, yếu tố đầu vào là các kiến thức, các kỹ năng khác nhau. Còn việc triển khai như thế nào thì có thể lựa chọn giáo dục STEM, học tập qua dự án và những hoạt động giáo dục khác".

Chính vì vậy, không phải "thần thánh hóa" việc thực hiện giáo dục STEM, trường học nên có lựa chọn phù hợp để giúp học sinh, sinh viên có cơ hội học tập và những hoạt động trải nghiệm.

Cần phải hiểu rõ bản chất của giáo dục STEM, nhà trường, phụ huynh cần xác định mục đích những hoạt động học tập cho học sinh.

Thay vì chạy theo trào lưu, nhà trường cần đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm giáo dục STEM để hướng đến mục tiêu gì?

Nếu như mục đích của trường học là để các em có thêm nhiều năng lực, qua quá trình hình thành những năng lực đấy học sinh có thêm nhiều trải nghiệm, thì những hoạt động học tập mang tính tích hợp, trong đó có giáo dục STEM là lựa chọn đúng đắn.

Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-hieu-biet-sai-lam-va-than-thanh-hoa-giao-duc-stem-post215542.gd