Những hoài niệm tinh khôi của tuổi thơ
Nỗi buồn giống một đứa trẻ hiếu động, thích núp trong bóng tối, thỉnh thoảng làm người ta giật mình. Nếm trải đau buồn là cách để những đứa trẻ trưởng thành thật mạnh mẽ.
Bọ tuyết là tiểu thuyết tự truyện của nhà văn Nhật Bản Yasushi Inoue. Thời thơ bé được ông tái hiện một cách tài tình bằng giọng văn trong trẻo, cùng bút pháp miêu tả sinh động, giàu sức gợi, gắn liền với những hình tượng thẩm mỹ truyền thống của đất nước Mặt Trời mọc. Tác phẩm như khúc ca về tình yêu quê hương, xứ sở và mong ước được sống hòa mình cùng thiên nhiên.
Ngoài những kỷ niệm êm đềm của thời thơ ấu vô ưu, Yasushi Inoue còn mang tới cho người đọc nhiều câu chuyện về nước Nhật đầu thế kỷ XX, với những xung đột thế hệ luôn tiềm ẩn trong mỗi gia đình. Sự luyến tiếc với quá khứ huy hoàng kìm hãm con người ta đi tìm những chân trời mới.
Trái tim bé bỏng nặng trĩu nỗi niềm
Cậu bé Kousaku, nhân vật chính của tác phẩm đã có một tuổi thơ đầy ắp tiếng cười ở vùng núi Izu thanh bình. Khi mới lên năm, anh bạn nhỏ này đã sống cùng bà lão Onui trong căn nhà được trát bằng đất bình dị. Kousaku và bà Onui vốn không có quan hệ máu mủ, nhưng người phụ nữ ấy vẫn chăm sóc cậu bé hết lòng, dành trọn trái tim để nuôi dưỡng đứa trẻ đáng yêu.
Khi còn trẻ, bà Onui vốn là một geisha, được ông cố của Kousaku chuộc về làm vợ bé. Khi chồng mất, bà Onui nhận một người cháu ngoại của chồng làm con nuôi, đó chính là Nanae, mẹ của Kousaku. Vì phải sống xa quê, lại sinh liền hai đứa con, nên mẹ của Kousaku giao cậu bé cho bà Onui chăm sóc. Nơi ở của hai bà cháu được gọi là "nhà dưới", gần đó là “nhà trên” nơi ông bà ngoại của cậu bé sinh sống.
Với bà Onui, được chăm sóc Kousaku là một đặc ân. Nhờ vậy, bà có chỗ đứng trong gia đình và không sợ bị bỏ rơi khi tuổi cao sức yếu. Vì không thích những người ở nhà trên, nên người đàn bà tội nghiệp ấy thường nói những lời khó nghe về họ. Tương tự, những người cậu và dì của Kousaku cũng coi thường bà Onui.
Tuy còn nhỏ, nhưng Kousaku là một đứa trẻ khá hiểu chuyện. Cậu bé luôn yêu quý mọi thành viên trong gia đình, dù suốt ngày phải nghe những lời lẽ không mấy tốt đẹp khi họ nói chuyện về nhau. Chính Kousaku đã trở thành cầu nối giữa bà Onui và những người ở nhà trên.
Sống giữa những xung đột của thành viên trong một đại gia đình, Kousaku luôn cảm thấy hoài nghi vì sao thế giới của người lớn lại phức tạp như vậy. Bằng cái nhìn non nớt của một đứa bé, anh bạn nhỏ đã chọn một cách giải quyết rất đơn giản, đó là đối xử với mọi người theo đúng những gì trái tim cậu mách bảo.
Câu chuyện của những người mẹ
Bọ tuyết không chỉ có những hoài niệm tinh khôi của tuổi thơ. Nó còn chứa đựng nhiều câu chuyện cảm động về tình mẫu tử. Mỗi người mẹ trong tác phẩm mang trong mình những nỗi niềm riêng.
Bà Onui không có con cái, người đàn bà tội nghiệp ấy đã chăm sóc Kousaku bằng tấm lòng của một người mẹ. Bà lão nâng niu cậu bé cẩn thận như cách người ta giữ gìn một viên ngọc quý. Khi đem Kousaku tới thăm cha mẹ, bà Onui lo sợ rằng đứa trẻ mà mình nuôi nấng bấy lâu sẽ chọn ở lại bên mẹ đẻ, rời xa bà và căn nhà được trát bằng đất lúc nào cũng toát ra mùi ẩm mốc.
Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng. Sự gắn kết diệu kỳ giữa người mẹ và đứa con sẽ tồn tại vĩnh viễn, dù họ phải sống xa nhau. Chọn về quê với bà Onui, nhưng hình bóng mẹ Nanae vẫn tồn tại trong trái tim Kousaku. Biết mẹ sắp về nhà ngoại dự đám tang, cậu bé háo hức suốt đêm. Ngay cả những chuyện giản đơn như được tắm cùng mẹ cũng khiến Kousaku hồi hộp.
Bà ngoại Tane lại là một người mẹ mang trong lòng nhiều tâm sự. Gia cảnh sa sút, cô con gái thứ là Saiko có mang trước khi cưới khiến bà rất đau lòng. Dù đau khổ nhưng Tane không nỡ trách mắng cô con gái dại dột. Bởi bà biết, đây là lúc con gái cần sự che chở của người mẹ. Chứng kiến sự xung đột giữa hai đứa con gái, người mẹ tội nghiệp chỉ biết tự trách mình.
Còn người dì Saiko của Kousaku lại là một người mẹ rất đáng thương. Cô làm mẹ trước khi trở thành một cô dâu. Ở thời điểm đó, đây được coi là một chuyện trái với đạo lý. Dù người đời chỉ trích, chịu sự mắng mỏ của chị gái, hay phải đón nhận sự lạnh nhạt của chồng, nhưng Saiko vẫn yêu đứa con bé bỏng của mình tha thiết.
Đáng thương thay, người mẹ trẻ ấy sớm phải rời xa con mình mãi mãi. Saiko qua đời vì bệnh lao. Điều buồn nhất là trước khi rời xa nhân thế, cô không có cơ hội gặp mặt con lần cuối.
Bọ tuyết không chỉ chứa đựng những kỷ niệm ngọt lành của tuổi thơ giản đơn được hòa mình cùng thiên nhiên. Khi đã bước qua nhiều cay đắng của đời người, nhà văn đã bình tâm lại, nhìn cuộc đời bằng trái tim vô ưu của một đứa trẻ để học cách tha thứ cho những lỗi lầm của quá khứ. Đời người vốn qua nhanh như một cơn gió mùa hè, tâm cứ mang ưu phiền sẽ uổng phí một kiếp.
Nhà văn Yasushi Inoue có một bút pháp miêu tả tài tình, từ cảnh vật đến con người đều hiện lên trong tác phẩm của ông một cách sắc nét và có hồn. Nhân vật của ông dù chỉ xuất hiện trong thoáng chốc nhưng để lại ấn tượng khó phai với người đọc. Tác phẩm là một câu chuyện không quá bi lụy nhưng vẫn khiến người ta day dứt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-hoai-niem-tinh-khoi-cua-tuoi-tho-post1433234.html