Những hồi ức ấm áp với Hoàng gia Nhật Bản
Với nhiều Đại sứ Việt Nam từng công tác tại xứ sở mặt trời mọc, kỷ niệm với Hoàng gia Nhật Bản luôn là những dấu ấn khó quên trong suốt nhiệm kỳ và cả sự nghiệp ngoại giao. Để rồi, sau này mỗi khi nhớ về, họ luôn bồi hồi, trân quý, yêu thêm đất nước và con người nơi đây, nỗ lực hết mình để trở thành cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc…
Sự gần gũi đặc biệt
Nhắc về Hoàng gia Nhật Bản, những dòng hồi ức dội về hình ảnh vẹn nguyên chưa bao giờ cũ, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2008-2011) Nguyễn Phú Bình kể: “Năm 2006, tôi được tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tiếp đó, năm 2007, tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp kiến Nhà vua Akihito và dự quốc yến của Ngài.
Tôi vinh dự được Chủ tịch nước giới thiệu là Đại sứ sắp tới tại Nhật Bản và được Nhà vua chào đón ngay cả trước khi nhận nhiệm vụ! Tôi nhớ mãi lời Nhà vua nhắc lại lịch sử xa xưa, khi người Việt đầu tiên đến Nhật là Nhà sư Phật Triết, tu tại ngôi chùa Todaiji ở cố đô Nara, truyền bá những giai điệu dân ca vùng Lâm Ấp (nay là khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam), hiện tại vẫn để lại dấu ấn trong Nhã nhạc cung đình Nhật. Ngài nhắc đến nông nghiệp lúa nước Nhật Bản chính là học hỏi từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Đầu năm 2008, tôi đã trình Quốc thư lên Nhà vua chỉ sau hai tuần đến Nhật Bản, được Nhà vua vui mừng chào đón như người thân quen!”.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ, Hoàng gia Nhật Bản không chỉ thân thiết với thần dân của mình, mà cũng rất gần gũi với Đoàn ngoại giao. Hằng năm, ngoài các dịp được yết kiến Nhật Hoàng khi tháp tùng lãnh đạo cấp cao của nước mình, Đoàn ngoại giao được tiếp xúc với Nhà vua, Hoàng hậu và các thành viên Hoàng gia ba lần: ngắm hoa anh đào ở Vườn thượng uyển, chúc mừng sinh nhật của Nhà vua và đón Năm mới.
Với Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2015-2018) Nguyễn Quốc Cường, những kỷ niệm về Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko thật đặc biệt và ấm áp. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhớ mãi chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu tới Việt Nam (tháng 3/2017) với nhiều chương trình “cháy kịch bản”.
Nhà ngoại giao kỳ cựu kể: “Chương trình biểu diễn Nhã nhạc tại Cung Đại nội, bạn bấm đồng hồ và quy định là không được quá tám phút. Nhưng sau khi biểu diễn xong đúng tám phút như bạn yêu cầu thì Nhà Vua và Hoàng hậu lại chủ động lên chào và hỏi chuyện các diễn viên thêm hơn 10 phút nữa.
Lễ tân của Hoàng cung khá sốt ruột và có ý nhờ tôi can thiệp nhưng Nhà Vua và Hoàng hậu đang vui mà! Thủ tướng ta cũng bay vào Huế để mời cơm chiêu đãi Nhà Vua và Hoàng hậu, theo kịch bản chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng cũng kéo dài gần hai giờ đồng hồ, lễ tân của bạn mấy lần có ý nhờ tôi báo cáo để kết thúc cuộc chiêu đãi. Nhưng thấy cả Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản cùng Thủ tướng ta đang vui chuyện đầm ấm, nên tôi cứ ‘lờ’ đi, coi như không nhìn thấy các tín hiệu nhắc nhở của lễ tân phía bạn”.
Sau chuyến thăm, Nhà Vua và Hoàng hậu mở tiệc chiêu đãi trong Hoàng cung để cảm ơn những người đã phục vụ chuyến thăm, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng được mời tới dự. Cả Nhà Vua và Hoàng hậu đã không ngớt lời cám ơn lãnh đạo và nhân dân ta đã đón tiếp chu đáo và thân tình. Chính phủ Nhật Bản cũng có thư cảm ơn Nhà nước ta. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường có hỏi và lễ tân Hoàng cung “bật mí” là trong thời gian ở thăm Việt Nam, Nhà Vua và Hoàng hậu đều gọi món phở khi ăn sáng ở khách sạn.
Thấy rõ cơ hội, Đại sứ liền “đánh tiếng” với Hoàng cung: “Sứ quán có một đầu bếp giỏi nên chúng tôi muốn chuẩn bị mấy món ăn truyền thống của Việt Nam để đưa vào Cung cho Nhà Vua và Hoàng hậu thưởng thức, gợi nhớ chuyến thăm Việt Nam vừa qua”. Rất mừng, Nhà vua đã đồng ý.
Dịp đó, hội phu nhân của sứ quán đã có dịp trổ tài, mang hết tâm huyết chuẩn bị món nem rán và phở đem vào Hoàng cung, sau đó nhận được lời cảm ơn vô cùng cảm động của Nhà vua và Hoàng hậu.
Điều chưa có tiền lệ
Không chỉ với Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko, các Đại sứ Việt Nam còn có nhiều kỷ niệm thân tình với các thành viên của Hoàng gia.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhớ lại kỷ niệm rất đặc biệt với Hoàng thái tử Naruhito (nay là Nhà vua Naruhito). Ông kể: “Tôi có vinh dự chào đón Ngài đến dự khai mạc Lễ hội Việt Nam đầu tiên tại công viên Yoyogi, Tokyo, nhân kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (tháng 9/2008). Hoàng cung và Bộ Ngoại giao cho biết, đây là lần đầu tiên, Hoàng thái tử nhận lời dự một hoạt động công chúng ở ngoài trời.
Tiếp đó, tháng 2/2009, tôi may mắn được tháp tùng Hoàng thái tử trong chuyến thăm Việt Nam sáu ngày, từ Hà Nội, đến Huế, Đà Nẵng, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh và Mỹ Tho. Tại mỗi nơi, Hoàng thái tử đều chăm chú lắng nghe và trao đổi ý kiến với các vị lãnh đạo và cả người dân về kinh tế, văn hóa, lịch sử và đời sống nhân dân.
“Nhìn khuôn mặt và ánh mắt rạng ngời, các vị chức sắc Hoàng cung và cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cảm nhận rằng chưa bao giờ thấy Hoàng thái tử vui và hào hứng đến thế”, ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ. Hoàng thái tử đặc biệt quan tâm các di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An và vận tải đường sông trên dòng Tiền Giang.
Cảm nhận được sự thân tình của chuyến thăm, khi đó, ông Nguyễn Phú Bình mạnh dạn hỏi Đại sứ phía bạn tháp tùng Hoàng thái tử: “Trở về Tokyo, tôi có thể mời Hoàng thái tử và đoàn tùy tùng dự cơm thân mật được không?”. Đại sứ phía bạn trả lời ngay: “Với thành công của chuyến đi, chứng kiến tình cảm thân thiết của Hoàng thái tử đối với Việt Nam, tôi hứa sẽ báo cáo Hoàng thái tử!”.
Mặc dù chưa có tiền lệ Hoàng thái tử đến thăm và dự cơm thân mật tại một cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, nhưng điều này đã diễn ra. Đại sứ Nguyễn Phú Bình hào hứng: “Vào ngày tháng Bảy năm đó, chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp Hoàng thái tử, Công nương Masako cùng công chúa mới sáu tuổi và một số người thân trong gia đình đến thăm, thưởng thức ẩm thực Việt Nam, lắng nghe âm thanh và giai điệu núi rừng từ cây đàn T’rưng do nghệ sĩ Nhật Bản Kumiko, người đã học tiếng Việt và nhạc cụ tre nứa ở Việt Nam biểu diễn! Chính nghệ sĩ Kumiko cũng rất bất ngờ, tưởng đang trong giấc mơ khi được gặp gia đình Hoàng thái tử”.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2011-2015) Đoàn Xuân Hưng chia sẻ trong một Lễ hội mùa Xuân do Hoàng cung Nhật Bản tổ chức, Đại sứ có nói chuyện với Hoàng tử Akishino (nay là Hoàng thái tử) và được biết Hoàng tử sắp thăm Việt Nam. Ông bày tỏ được tiễn Hoàng tử tại sân bay.
Tuy nhiên, do là chuyến thăm cá nhân nên Đại sứ Đoàn Xuân Hưng được hướng dẫn đến dinh thự của gia đình Hoàng tử trong hoàng cung để tiễn. Cuộc tiếp xúc đã diễn ra ấm áp và thân tình. Khi Hoàng tử từ Việt Nam trở về Nhật Bản, Đại sứ mời Hoàng tử và Công nương đến thăm và dự cơm thân mật tại Đại sứ quán và Hoàng tử nhận lời!
“Để chuẩn bị chu đáo nhất cho bữa tiệc này, Đại sứ quán đã mời các đầu bếp hàng đầu của Nhà khách Chính phủ sang phục vụ. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của ta khiến Hoàng tử rất xúc động, vui vẻ. Ngài cùng Công nương cởi mở trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, trực tiếp nói chuyện bằng tiếng Anh và chụp ảnh cùng. Hoàng tử dùng các món ăn Việt Nam rất hào hứng. Sau này, khi tôi có dịp đến chào tại Hoàng cung, Công nương còn cho biết, kể từ bữa tiệc đó, bà luôn dùng nước mắm Việt Nam trong các bữa ăn gia đình”, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng kể.
* * *
Với cơ sở là mối quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện, cùng những tình cảm và ấn tượng đẹp về đất nước, con người Việt Nam thời gian qua, chuyến thăm của Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương theo lời mời của Nhà nước ta từ ngày 20-25/9 chắc chắn sẽ để lại nhiều kỷ niệm trong tình cảm và mỗi chặng đường mà Hoàng thái tử và Công nương tới, rồi trở về Nhật Bản!
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-hoi-uc-am-ap-voi-hoang-gia-nhat-ban-243024.html