Những huấn từ nơi Tổ Zhabdrung Ngawang Namgyel

Những lời răn dạy tràn đầy trí tuệ của Tổ Zhabdrung Ngawang Namgyel từ nhiều thế kỷ trước, vẫn còn rất hữu ích với nhiều thế hệ ngày nay. Sự nhấn mạnh của Tổ về những lời hứa nguyện, sự kiên tâm, kỷ luật tự thân và việc theo đuổi trí tuệ vẫn hoàn toàn có giá trị cho cả tu sĩ và người thế gian trong việc rèn luyện thân tâm...

Niềm hỷ lạc quý giá hơn tất cả vàng bạc châu báu trên thế gian cộng lại:

“Nếu các con bám víu vào những thú vui tầm thường, các con sẽ chẳng bao giờ có được niềm an lạc lớn lao. Thế nên, đừng để dòng tâm thức không ngừng bị lối cuốn vào hình sắc vật chất bên ngoài; đừng ngủ quên trong giấc mộng vô tri; đừng tìm niềm vui nơi những chuyện tầm phào không bao giờ ngớt.” Những huấn từ sâu sắc từ kim khẩu của Tổ Zhabdrung Ngawang Namgyel (1594-1651) đã đặt nền tảng cho một di sản trí tuệ vững bền tại vương quốc Phật giáo Bhutan.

Dựa trên triết lý về sự xả ly dục lạc thế gian và nuôi dưỡng tâm chính niệm, Tổ Zhabdrung đã tiếp tục răn dạy những đệ tử của mình như sau: “Hãy coi những dòng tâm lăng xăng, ưa dục lạc và thích xu nịnh của giới trẻ, người lớn tuổi và bạn bè, là những loài ma quỷ. Nếu tâm các con bị loài ma quỷ đó chi phối, các con sẽ chẳng còn thiết tha tu học, làm việc hay tụng trì kinh văn; các con sẽ luôn thấy bất an, và cả cuộc đời chỉ thèm khát tìm đồ ăn, thực phẩm khoái khẩu và những trang phục xa hoa.” Dưới đây là một số lời khuyên chân thành nhưng đầy tâm huyết; hãy khởi tâm suy tư như sau: “Cho dù trái tim con có mục nát và thân thể con tan thành trăm mảnh, cho dù con có mỏi nhọc đến nhường nào thì con vẫn phải luôn nỗ lực tinh tấn. Hãy luôn tinh tấn như vậy và bạn chắc chắn sẽ đạt được trái ngọt từ những nỗ lực của mình.”

Là bậc sáng lập vương quốc Phật giáo Bhutan, những lời răn dạy của Tổ Zhabdrung giúp con người có thể học tập và sống một đời sống có kỷ luật dựa trên trí tuệ hiểu biết. Tổ khởi dậy niềm tin tưởng rằng mỗi người nên học tập và sống một đời sống với trí tuệ hiểu biết. Những lời răn dạy nơi Tổ rất thực tế cho con người ngày nay: “Nếu các con tìm thấy niềm an vui thì hãy nỗ lực tu học, còn nếu không thì cần xem xét lại việc học của mình. Nếu các con có thể thấu hiểu một môn học, hãy nỗ lực tu học, còn nếu thấy chủ để cao xa mà bản thân chưa thể thâm nhập, hãy dừng theo đuổi việc học đó. Nếu một nơi chốn tạo thuận duyên, hãy lưu trú lại, còn không hãy rời đi không chút do dự. Nếu sự việc thuận duyên thì thật là tốt, nhưng nếu không thuận duyên thì cứ để chúng như vậy đừng bị xao nhãng.” Quan điểm hài hòa giữa trạng thái tâm bên trong và các duyên bên ngoài mang lại sự tự do tự tại mà hoàn toàn không làm giảm giá trị của một con người.

Tri kiến trên về việc tu học và đời sống là một trong những di sản mà Tổ Zhabdrung Rinpoche đã để lại cho hàng hậu học. Bộ Biên niên sử Bhutan có ghi rằng, Tổ là bậc có tầm nhìn sâu rộng và trí tuệ vẫn còn ảnh hưởng tới tận ngày nay. Bản thân Tổ không chỉ thị hiện trong hình tướng một chính khách vĩ đại, một vị tướng xuất chúng, một nghệ sĩ tài năng và một kiến trúc sư phi thường, mà còn là một bậc thày Phật giáo uyên thâm với trí tuệ vẫn còn lan tỏa tới nhiều thế hệ người Bhutan ngày nay.

Nuôi dưỡng thiện hạnh

Những lời dạy của Tổ Zhabdrung Rinpoche về sự tu dưỡng thân, rèn luyện tâm thức, được ghi lại trong cuốn tiểu sử có ảnh hưởng sâu sắc “Bài ca về Đám mây Pháp vĩ đại’ của Tsang Khenchen Penden Gyatsho (1610-84). Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì và kỷ luật thân tâm, Tổ Zhabdrung Rinpoche dạy rằng đức hạnh không phát sinh khi con người hưởng thụ dục lạc thế gian, để dòng tâm thức nhỏ bé chỉ biết khư khư lợi ích vị kỷ của bản thân và bằng lòng với những vui thú gia đình. Đức hạnh tới khi mỗi người biết mở rộng tâm hồn, đảm đương những trọng trách cao quý vì lợi ích của tha nhân, đồng thời vẫn biết làm chủ sự tự do và độc lập của dòng tâm mình."

Luận giảng thêm về tri kiến này, Tổ Zhabdrung Rinpoche viết như sau: “Nếu những đức hạnh cao quý phát sinh một cách ngẫu nhiên hay thiên bẩm, thì sẽ chẳng ai khởi tâm tôn kính các bậc thông tuệ và có lối sống đạo đức nữa, bởi ai cũng giống ai đều có sự thông tuệ và đạo đức rồi.

Đức hạnh không khởi sinh một cách ngẫu nhiên mà tất cả con người chúng ta đều cần sự nỗ lực, tinh tiến và nhiệt tâm trong công việc và đời sống. Hãy suy xét kỹ càng những lời khuyên tâm huyết của ta! Hãy tự lấy chính năng lực suy tư của tâm thức mình làm tiêu chuẩn để suy xét. Đừng thất vọng hay nản lòng về bản thân, mà điều quan trọng là tất cả chúng ta đều phải nỗ lực rèn luyện thân tâm mình. Hãy giữ vững không ngừng sự nỗ lực như vậy thì chắc chắc bạn sẽ tích lũy được vốn tri thức và hiểu biết nhiều hơn.”
Vào khoảng năm 1674, khi Tsang Khenchen ở Bhutan, ông đã biên soạn bộ tiểu sử bằng Tạng ngữ này. Năm 1975, Tiến sĩ John Ardussi, một trong những học giả hàng đầu về nghiên cứu lịch sử Bhutan tới từ Hoa Kỳ, đã đảm nhận nhiệm vụ to lớn biên dịch sang tiếng Anh. Ông đã hoàn thành bản dịch bốn tập đầu tiên với tựa đề 'Bài ca của Đám mây Pháp vĩ đại', đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc đưa các tư liệu lịch sử Bhutan đến với đông đảo độc giả quốc tế.

Trong tổng thể bức tranh di sản trí tuệ lịch sử và tâm linh tại vương quốc Phật giáo Bhutan, hàng hậu học có thể tìm thấy những lời dạy rất thiết thực của Tổ Zhabdrung Rinpoche, trong đó có vấn đề tầm quan trọng của sự nỗ lực và tinh tiến nếu muốn đạt được những thành tựu dù ở phương diện tâm linh hay thế tục Tổ đưa ra lời khuyên như sau: 'Hãy suy nghĩ kỹ càng về điều này! Bất kỳ công việc nào các con làm, dù là thế tục hay tôn giáo, dù là ở mức độ quan trọng nhiều hay ít, thì khi bắt đầu, hãy xác quyết mình có thể thực hiện được. Nếu các con không chắc mình có thể làm được, hãy quyết đoán từ bỏ đừng hối tiếc. Điều đó là tốt nhất vì một khi con đã bắt đầu một công việc thì không nên từ bỏ giữa chừng và để mọi thứ dở dang.”

Năng lực của lời hứa nguyện

Luận giảng kỹ càng hơn nguyên tắc này, Tổ Zhabdrung Rinpoche khuyên rằng một khi đã cam kết theo đuổi một nhiệm vụ, người ta phải nỗ lực hoàn thành đến cùng dù trong bất kể hoàn cảnh nào. Tổ đưa ra hình ảnh ẩn dụ rằng, ngay cả khi sét đánh, động đất hoặc có những vụ va chạm hủy diệt thế giới; cho dù chúng ta gặp phải những nguy hiểm cá nhân như đầu chúng ta bốc cháy hay rắn độc trườn vào lòng mình; hoặc cho dù chúng ta gặp phải những biến động trong lịch trình, dù thiếu thốn thực phẩm hoặc bị bệnh hoặc phải đối mặt với những cảm xúc xáo động thì không có bất cứ yếu tố nào trong số này có thể ngăn cản chúng ta nỗ lực đạt tới mục tiêu. Bất kể thách thức nào phát sinh, chúng ta phải kiên trì để đạt tới mục tiêu.

Tổ Zhabdrung Rinpoche giải thích thêm về hậu quả của việc từ bỏ các lời hứa nguyện của mình như sau, 'Nếu các con bắt đầu một việc làm nhưng sau đó lại dễ dàng từ bỏ, các con sẽ xấu hổ trước mặt bạn bè, người thân và rất nhiều người khác nữa. Các con sẽ khiến các bậc thày, người lớn tuổi, bạn bè, mọi người, dù đang ở gần hay xa, đều rất không hoan hỷ. Đây đâu phải là một việc làm lợi ích?' Lời khuyên này nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tính trung thực của mỗi cá nhân, uy tín, danh dự và các nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của lời hứa nguyện đối với tất cả mọi người trong xã hội.

Tiếp tục chủ đề này, Tổ Zhabdrung Rinpoche cảnh báo về những phiền não có thể làm chệch hướng các cam kết ban đầu của mỗi người chúng ta: 'Những hoạt động vô nghĩa gây lãng phí thời gian, gây xao nhãng dòng tâm thức, các thú vui giác quan như thị giác, hoạt động giải trí, tiếng cợt nhả… có ý nghĩa gì hay không? Hãy luôn tự nhắc nhở mình mỗi ngày để biết tự cải thiện bản thân nếu rơi vào các hoàn cảnh như vậy.

Mỗi người sống trong cuộc đời cần tự biết rèn luyện, tu dưỡng bản thân; mỗi người cần biết trung thực tự nhìn vào những lỗi lầm của chính mình để tự trau dồi bản thân. Tương tự như vậy, hãy liên tục tự hỏi: “Một tháng đã trôi qua, mình có chuyên cần tụng đọc kinh văn không? Mình có ghi nhớ và thấm nhuần lời kinh văn hay không? Mình đã nuôi dưỡng và lan tỏa các phẩm hạnh cao quý không? Sự hiểu biết và trí tuệ của mình có tăng trưởng không? Nếu câu trả lời là có, thì các con hãy khởi niềm hoan hỷ trước sự tiến bộ của bản thân. Nếu câu trả lời là không, các con nên tự trung thực nhìn lại chính mình, bất kể các con đang giữ trọng trách cao hay thấp, trong lĩnh vực thế tục hay tâm linh. Là con người, dù ở lĩnh vực nào, các con cũng cần nuôi dưỡng các phẩm chất cao quý nơi thân tâm mình. Và tất cả các con nên khởi quyết tâm mạnh mẽ với những lời hứa nguyện trau dồi bản thân mình.” Đây là những lời răn dạy vô cùng hữu ích, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự rèn luyện, trau dồi thân tâm, rèn luyện kỷ luật tự thân và nỗ lực nuôi dưỡng các phẩm chất cao quý nơi chính mình.

Tổ Zhabdrung Rinpoche khẳng định rằng kiến thức và trí tuệ thực sự đòi hỏi những nỗ lực và siêng năng, không chỉ là tài năng bẩm sinh. Tổ đã đưa ra một hình ảnh đầy thi vị rằng, việc tu học đòi hỏi nhiều nỗ lực và có thể rất mỏi nhọc, nhưng trí tuệ nhận được khi học mang lại “niềm an vui lớn lao hơn sở hữu tất cả châu báu và vàng bạc trên thế gian”. Sự hiểu biết và trí tuệ không dễ dàng có được, mà đòi hỏi có sự tu học không ngừng.

“Thêm nữa, bất cứ ai nếu muốn có trí tuệ uyên bác đều phải dụng rất nhiều công sức để tu học; nếu các con thấu hiểu như vậy, niềm hỷ lạc nơi thân tâm các con sẽ tăng lên gấp bội, vượt trên cả việc sở hữu bất kỳ khối lượng lớn vàng bạc và châu báu nào trên thế gian này. Và “một khi đã kiên trì tinh tiến tu học, các con nên không ngừng nuôi dưỡng và tăng trưởng năng lực này.” Những dẫn dụ đầy sống động trên một lần nữa củng cố quan điểm rằng, muốn có bất kỳ thành tựu và hạnh phúc nào trong cuộc đời này, chúng ta thực sự cần kiên tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Là đệ tử thân cận của Tổ Zhabdrung, Tsang Khenchen sở hữu những hiểu biết sâu sắc, chân thực về cuộc đời và lời dạy từ bậc thầy vĩ đại của mình. Thêm nữa, sự nhạy bén về học thuật của ngài, đã giúp Tsang Khenchen biên soạn bộ tiểu sử với tính chân thực và chiếu sâu trí tuệ, trở thành di sản quý báu cho nhiều thế hệ người Bhutan.

Việc bảo tồn và truyền bá giáo lý của Tổ Zhabdrung Rinpoche đã được tăng cường hơn nữa nhờ những đóng góp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong bộ 'Lịch sử Ladakh' được học giả Tashi Rabgias (1927-2020) biên soạn, ghi lại lời dạy của Tổ Zhabdrung, trong đó gồm ẩn dụ minh họa cho giá trị của lòng kiên trì. Tổ Zhabdrung đã dạy như sau, “Một người thiếu tâm kiên trì chẳng khác nào hạt bụi vô tri.” Tổ luận giải thêm rằng: “Kẻ thiếu nhẫn nại và lòng kiên trì, chẳng khác nào hình nộm đội mũ rơm trên đầu, khoác áo rơm trên người vậy. Hãy lao động chăm chỉ bằng đôi bàn tay của mình; hãy biết nhìn thẳng vào những nỗi khổ đau trong tâm mà đừng tránh né chúng. Nếu các con không nỗ lực chăm chỉ, các con sẽ không thể thụ hưởng trái ngọt thành quả. Nếu không trải nghiệm vị của khổ đau thì bằng cách nào các con có thể nếm trải vị của niềm an lạc. Đôi tay nếu muốn nắm thực phẩm, các con cần kiên tâm rèn luyện và nỗ lực”.

Ý nghĩa của văn bản này vượt ra ngoài bối cảnh ban đầu của mình, lan tỏa tới những vùng xa xôi của thế giới. Một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhà leo núi Rabgias và Steve Berry, một dịch giả lâu năm về văn hóa Bhutan, đã giúp Berry đã chuyển dịch một số phần của văn bản cho các độc giả phương Tây.

Những bản dịch từ tiếng Tây Tạng cổ điển sang tiếng Anh này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền bá giáo lý của Tổ Zhabdrung Rinpoche. Trí tuệ trong những lời răn dạy của Tổ Zhabdrung tiếp tục cộng hưởng và truyền cảm hứng cho nhiều đối tượng khác nhau qua nhiều thế hệ.

Những lời răn dạy tràn đầy trí tuệ của Tổ Zhabdrung Ngawang Namgyel từ nhiều thế kỷ trước, vẫn còn rất hữu ích với nhiều thế hệ ngày nay. Sự nhấn mạnh của Tổ về những lời hứa nguyện, sự kiên tâm, kỷ luật tự thân và việc theo đuổi trí tuệ vẫn hoàn toàn có giá trị cho cả tu sĩ và người thế gian trong việc rèn luyện thân tâm và phát triển nghề nghiệp của mình. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, những lời dạy của Tổ Zhabdrung về đức tính trung thực, lời hứa nguyện và nỗ lực bền bỉ giúp mỗi người ngày nay có thể vận dụng để thành tựu những mục tiêu trong công việc và cuộc đời mình. “Niềm an lạc của sự phát triển và thành tựu nơi cá nhân mỗi người thực sự cao quý và to lớn hơn cả bất kỷ vàng bạc và châu báu thế gian nào cộng lại.”

Tác giả: Anh Vũ & La Sơn Phúc Cường dịch

Nguồn: Tshering Tashi, https://kuenselonline.com/more-joyful-than-gold-speech-of-zhabdrung-ngawang-namgyel/.
Về công hạnh và di sản của Tổ Zhabdrung tại Bhutan, xin mời tham khảo thêm:
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ly-tuong-bo-tat-cua-cac-bac-minh-quan-trong-lich-su-bhutan.html
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-dong-gop-cho-su-phat-trien-mo-hinh-vuong-quoc-bhutan.html

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhung-huan-tu-noi-to-zhabdrung-ngawang-namgyel.html