Những hướng ưu tiên của quân đội Nga trong năm 2020

Trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, có nhiều diễn biến khó lường, Nga đang chủ trương trang bị hàng loạt vũ khí tối tân, nâng cao khả năng phòng thủ nhằm bảo đảm an ninh và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.

Hiện đại hóa kho vũ khí

Theo hãng tin RT, một trong những ưu tiên của quân đội Nga trong năm 2020 là hiện đại hóa kho vũ khí. Tính đến cuối năm 2019, số vũ khí hiện đại chiếm 68,2% tổng số vũ khí trong biên chế quân đội Nga. Trong kế hoạch được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 12-2019, trong năm nay, tỷ lệ vũ khí hiện đại cần đạt mức 70%. Ông Vladimir Putin khẳng định: “Điều quan trọng là cần đạt được mục tiêu có 70% vũ khí hiện đại trong kho vũ khí của quân đội và duy trì mức này một cách ổn định trong tương lai. Tôi nhắc lại, nhiệm vụ của chúng ta không phải là tái vũ trang quân đội một lần và lãng quên nó trong nhiều thập kỷ. Quân đội phải luôn được trang bị những thiết bị và công nghệ mới nhất”. Theo Tổng thống Vladimir Putin, lần đầu tiên trong lịch sử, Nga đang dẫn đầu thế giới về phát triển các loại vũ khí hoàn toàn mới. Trước đây, trong những năm Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đi sau Mỹ trong việc chế tạo bom nguyên tử, máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong năm 2020, các lực lượng vũ trang nước này sẽ nhận được hàng trăm thiết bị vũ khí mới. Trong quá trình hiện đại hóa kho vũ khí của quân đội Nga, việc nâng cao năng lực của “bộ ba hạt nhân” (máy bay ném bom chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm mang tên lửa chiến lược) cũng được Moscow coi trọng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong năm 2020, lực lượng hạt nhân chiến lược nước này sẽ tiếp nhận 22 bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars và tổ hợp tên lửa siêu thanh Avangard , 6 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và tàu ngầm hạt nhân Knyaz Oleg thuộc Đề án 955A Borey-A.

 Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS. Ảnh: TASS.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS. Ảnh: TASS.

Ông Andrei Koshkin, người đứng đầu Bộ môn Chính trị và Xã hội học của Đại học Kinh tế Nga G.V.Plekhanova giải thích rằng, nhiệm vụ mà Tổng thống Vladimir Putin đặt ra cho Tổ hợp công nghiệp quân sự và quốc phòng Nga tuy khó khăn nhưng khả thi. Chuyên gia này nhận định, những năm gần đây, công cuộc hiện đại hóa quân đội Nga đã đạt được nhiều thành công đáng kể.

Hoàn tất kế hoạch phòng thủ quốc gia giai đoạn 2021-2025

Ngoài việc ưu tiên tăng tỷ lệ vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại cho quân đội, trong năm 2020, Moscow sẽ hoàn tất việc xây dựng kế hoạch phòng thủ quốc gia giai đoạn 2021-2025. Về vấn đề này, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng nước này xem xét và đánh giá đầy đủ những thay đổi trong tình hình chính trị-quân sự trên thế giới cũng như phân tích toàn diện các mối đe dọa quân sự tiềm tàng.

Mối lo ngại lớn nhất hiện nay của nước Nga là việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự và hệ thống kiểm soát vũ khí bị phá hủy. Theo tính toán của Bộ Quốc phòng Nga, mỗi năm, NATO tổ chức tới 40 cuộc tập trận lớn theo khuynh hướng chống Nga rõ ràng. Năm 2019, hoạt động tình báo của liên minh quân sự này gần biên giới Nga đã tăng lên rõ rệt so với năm 2018. Bên cạnh đó, tương lai của Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, hiện chưa rõ ràng. Coi START-3 là “hòn đá tảng” đối với an ninh thế giới, Moscow sẵn sàng gia hạn thỏa thuận này trong 5 năm. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington-một bên tham gia ký kết hiệp ước vẫn chưa đưa ra lập trường cụ thể về vấn đề này. Động thái chần chừ của Mỹ khiến Nga lo ngại Washington có thể sẵn sàng từ bỏ START-3 như đã làm với Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)-một trong những văn kiện nền tảng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, đã chính thức sụp đổ vào tháng 8 năm ngoái.

Trong một cuộc phỏng vấn với RT, Giám đốc thương mại Alexei Leonkov của Tạp chí Arsenal Otechestva (Kho vũ khí của tổ quốc) nhận định, Moscow có đủ nguồn lực để thực hiện những biện pháp đối phó thích đáng trước việc NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự cũng như sự phá hủy INF và START-3.

Dù là một trong số ít cường quốc quân sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây nhưng Moscow vẫn sở hữu năng lực quân sự khó đuổi kịp nhờ tập trung nghiên cứu lĩnh vực ưu tiên. Tổng thống Vladimir Putin từng nói Nga chưa bao giờ muốn, không muốn và sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang nhưng an ninh cho người dân và đất nước phải được bảo đảm. Do đó, Nga đang không ngừng hiện đại hóa quân đội, tăng cường sức mạnh quân sự để ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại nước này và các đồng minh.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/nhung-huong-uu-tien-cua-quan-doi-nga-trong-nam-2020-607555