Những kẻ lừa đảo trực tuyến bất đắc dĩ ở Campuchia
Có thể hàng chục nghìn người nước ngoài đang buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo trong các sòng bạc ở Campuchia do sức ép của tội phạm Trung Quốc.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến ngành du lịch trên toàn thế giới. Tại các trung tâm sòng bạc nổi tiếng của Đông Nam Á, sự sụt giảm mạnh về số lượng khách, đặc biệt là người đánh bạc từ Trung Quốc và Thái Lan đã thúc đẩy tội phạm có tổ chức mới thực hiện các trò lừa đảo qua mạng.
Kẹt trong nợ nần
Ở nhiều địa điểm trên lãnh thổ Campuchia, người ta ước tính rằng hàng chục nghìn người, chủ yếu công dân từ khu vực sông Mekong và Ấn Độ, Ukraine, bị giam trái với ý muốn, buộc phải thực hiện các trò gian lận trực tuyến tinh vi. Những nạn nhân kể rằng họ bị giam trong các khu phức hợp bởi các nhóm tội phạm Trung Quốc. Chúng tra tấn những người cố gắng trốn thoát.
Campuchia có khoảng 150 sòng bạc, hầu hết do người Trung Quốc sở hữu. Các sòng bạc chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc cùng một tỷ lệ nhỏ khách Thái Lan và Việt Nam.
Thành phố Sihanoukville là nơi có ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến hợp pháp phát triển mạnh mẽ đến năm 2019. Do lệnh cấm và các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19, nhiều sòng bạc hợp pháp phải đóng cửa. Những sòng bạc khác tìm các nguồn thu mới, bao gồm cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp cũng như các hoạt động lừa đảo. Hầu hết hoạt động ấy diễn ra trong hoặc gần khuôn viên các sòng bạc và chịu sự điều hành của các nhóm tội phạm có tổ chức Trung Quốc.
Các cuộc phỏng vấn với các nhân viên giải cứu và nạn nhân của nạn buôn người cho thấy hoạt động lừa đảo thường liên quan đến việc người lao động ứng tuyển những công việc lương cao mà tội phạm quảng cáo. Sau khi nạn nhân mắc bẫy, bọn lừa đảo bắt họ ký hợp đồng lao động ban đầu với thời hạn 6 tháng và nói rằng chi phí để nhận việc lên đến hàng nghìn USD, khiến họ kẹt trong nợ nần.
Khoản nợ sẽ tiếp tục tích lũy nếu nạn nhân không hoàn thành mục tiêu đặt ra. Nạn nhân được cung cấp tài khoản giả trên mạng xã hội và danh sách các cá nhân mà họ phải lừa đầu tư, chẳng hạn như tiền điện tử hoặc vàng. Giống như một kế hoạch lừa đảo Ponzi, một số nhóm lừa đảo tạo ra lợi nhuận lớn từ khoản đầu tư khiêm tốn ban đầu để giành sự tin tưởng của "con mồi" trước khi dụ dỗ họ đầu tư một số tiền lớn hơn nhiều. Sau khi lấy tiền của nhà đầu tư, bọn lừa đảo sẽ cắt mọi liên hệ với “con mồi”, khiến họ không thể thu hồi vốn.
Kiểu lừa đảo này mới xuất hiện ở Sihanoukville nhưng mô hình tương tự đã tồn tại ở những nơi khác trong khu vực. Các nạn nhân làm việc tại các sòng bạc ở Lào và Myanmar đã mô tả các mô hình lừa đảo gần như giống như vậy.
Hiểm họa dai dẳng
Trong 2 năm qua, nhiều tổ chức phi chính phủ, nhà báo, cảnh sát và các quan chức cấp cao của chính phủ đã lên tiếng báo động về quy mô buôn người và nô lệ hiện đại mà họ phát hiện trong các hoạt động lừa đảo. Các nạn nhân phải chịu tình trạng lao động cưỡng bức, giam giữ, bạo hành, cưỡng hiếp. Thậm chí bọn tội phạm còn biến nạn nhân thành “nô lệ máu” bằng cách lấy máu của họ để bán.
Một số nạn nhân buôn người đã tìm cách cầu cứu trực tiếp đến chính quyền và đường dây trợ giúp. Ở Campuchia, một nạn nhân đã đăng bình luận trên buổi livestream trên Facebook của Thủ tướng. Hành động ấy đã dẫn đến một chiến dịch giải cứu và cảnh sát đã đột kích một số địa điểm.
Ngành du lịch sòng bạc ở Đông Nam Á còn lâu để phục hồi vì du lịch quốc tế của Trung Quốc chưa khôi phục như trước đại dịch Covid-19. Nhưng với việc biên giới mở lại, các nạn nhân buôn người ở Campuchia đang nhập cảnh vào nước này bằng thị thực du lịch để làm những công việc bất hợp pháp. Giờ đây, khi việc đi lại đã dễ dàng hơn, rất có thể hoạt động buôn người sẽ tiếp tục phát triển.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-ke-lua-dao-truc-tuyen-bat-dac-di-o-campuchia-post1348143.html