Những khác biệt và tương đồng trước thềm cuộc gặp Nga - Mỹ

Chỉ còn một tuần nữa, cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ giữa hai tổng thống Vladimir Putin và Joe Biden sẽ diễn ra. Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp, thu hút sự quan tâm không nhỏ của dư luận thế giới, Bộ Ngoại giao Nga nhận định: 'Chương trình nghị sự của Nga và Mỹ không trùng khớp', và chắc chắn hai nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt những vấn đề không nhỏ trong quá trình đàm phán.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm cuộc gặp cấp cao, ngày 16-6, tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm cuộc gặp cấp cao, ngày 16-6, tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tờ báo Nga “Vzglyad” (Quan điểm) mới đây đã bình luận về những mâu thuẫn trong chương trình nghị sự Nga - Mỹ, Washington sẽ yêu cầu gì từ Moscow và ngược lại, cũng như những vấn đề nào vẫn còn cơ hội để đi đến một thỏa thuận?

Thực tế cho thấy, để một cuộc gặp cấp cao giữa các nguyên thủ quốc gia thành công, cần tối thiểu ba điều kiện: bầu không khí tin cậy (sẽ cho phép đàm phán); sự hiểu biết chung hoặc chí ít là chương trình nghị sự chung (giúp các bên hiểu rõ những gì có thể đàm phán); và có ý chí chính trị để khắc phục các vấn đề bất đồng.

Soi rọi từ quan hệ Nga - Mỹ, có thể thấy, khó trông đợi điều kiện thứ nhất và thứ ba được đáp ứng trong tương lai gần. Chỉ còn hy vọng vào điều kiện thứ hai, rằng Nga và Mỹ sẽ thấu hiểu những gì họ có thể đồng ý.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, trước thềm cuộc gặp cấp cao này, nhận định rằng, “chương trình nghị sự của Nga và Mỹ không trùng khớp”, nhưng ông cũng đồng thời bổ sung: “Chúng tôi, như từ trước đến nay, luôn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào do phía Mỹ đặt ra. Đó là, thảo luận từng vấn đề và cố gắng đưa quan điểm của mỗi bên xích lại gần nhau hơn và tiến tới sự hiểu biết chung về chương trình nghị sự”.

Giới quan sát cũng nhận định những vấn đề gai góc trong chương trình nghị sự Nga - Mỹ, trước hết là vấn đề Ukraine. Trong vấn đề này, lập trường của Nga khá linh hoạt, tuy nhiên mục tiêu tối thiểu mà Nga không thể bỏ qua, đó là ngăn chặn xung đột, chấm dứt leo thang, trong khi dường như phía Mỹ không cùng chung quan điểm. Tờ Vzglyd viết: “Trên thực tế, Mỹ coi Ukraine như một khối u có thể tạo ra các di căn bất ổn ở ngoại vi của nó - nghĩa là đối với Nga cũng như các quốc gia châu Âu”.

Trong vấn đề châu Âu, Nga luôn mong muốn tạo dựng một “không gian an ninh duy nhất, sẽ bao gồm cả Nga, với khái niệm “từ Lisbon đến Vladivostok”, nơi mà cả Nga và phương Tây sẽ hợp tác và cùng nhau chống lại mọi mối đe dọa từ bên ngoài”. Nga coi Liên hiệp châu Âu (EU) là láng giềng quan trọng, một đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, phía Nga nhận định, Mỹ không chia sẻ quan điểm này.

Bên cạnh các vấn đề còn nhiều bất đồng khác “mang tên” Trung Quốc, Iran, hay Syria… còn nổi lên câu chuyện từ nhiều năm qua không thể giải quyết. Đó là việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp các cuộc bầu cử cũng như công việc nội bộ của Mỹ và EU.

Tuy nhiên, ngoài những chủ đề gây tranh cãi nói trên, việc các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ từ chỗ không thể nói chuyện cùng nhau, nay đã sẵn sàng cùng ngồi lại để đàm phán, khiến dư luận thế giới có thể mong mỏi những chủ đề quốc tế cấp bách có thể được xem xét, giải quyết. Đó là những chủ đề như cuộc chiến chống khủng bố, không phổ biến và cắt giảm vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu, phòng chống đại dịch Covid-19… Ở những chủ đề này, Nga và Mỹ có nhiều điểm chung hơn.

Tuy nhiên, chúng chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả trong khuôn khổ quá trình bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ. Trong khi đó, thật khó để có thể bình thường hóa, chừng nào Moscow và Washington còn chưa thể đồng bộ hóa chương trình nghị sự chung trước những vấn đề cấp bách và cụ thể.

QUẾ ANH (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/nhung-khac-biet-va-tuong-dong-truoc-them-cuoc-gap-nga-my-649841/