Những kho hàng khủng sát biên giới - Bài 3: Việt Nam cần phát triển mạnh hệ thống logistics vùng biên
Các công ty Việt Nam hoặc Nhà nước có thể xem xét xây dựng các kho, hệ thống logistics sát biên giới để cung cấp hàng hóa cho thị trường Trung Quốc được tốt hơn, thuận lợi hơn.
Lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Dù vậy lĩnh vực này vẫn chịu nhiều thách thức đến từ các nhà bán Trung Quốc, nhất là khi họ đã và đang đẩy nhanh việc xây dựng các kho hàng khủng sát biên giới nước ta.
Liên quan vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Phó Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và TMĐT Trường ĐH Thương mại.
“Trong nguy có cơ”
. Phóng viên: Ông nhận định thế nào về việc Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt tổng kho ngoại quan sát biên giới Việt Nam?
+ Ông Nguyễn Bình Minh (ảnh): Chúng ta cần biết Việt Nam và Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện, vì vậy việc hợp tác trong các hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới là chuyện bình thường.
Việc Trung Quốc xây dựng kho hàng sát biên giới Việt Nam hay các quốc gia khác cũng là chuyện dễ hiểu. Họ làm vậy để họ phục vụ thị trường nội địa lẫn nước ngoài tốt hơn. Về phương diện kinh doanh, điều đó tốt cho doanh nghiệp của nước họ và để hàng hóa của họ có thể xâm nhập sâu vào thị trường Việt nói chung và các tỉnh biên giới Việt Nam nói riêng.
Dù vậy việc Trung Quốc xây hàng loạt kho dọc biên giới cũng sẽ gây ra các bất lợi cho hàng Việt cũng như cho nhà bán hàng Việt Nam nhưng chúng ta phải biết “trong nguy có cơ”.
Muốn sống sót trước làn sóng hàng Trung Quốc, nên và rất nên từ bỏ tư duy làm ăn nhỏ lẻ, thời vụ và phải có kế hoạch đầu tư bài bản.
. Vậy cụ thể nguy cơ và cơ hội ở đây là gì, thưa ông?
+ Như đã nói trong nguy luôn có cơ. Việc các nhà bán hàng Trung Quốc đẩy mạnh kinh doanh, thuê người Việt livestream bán hàng, đặt kho hàng sát biên giới Việt Nam cho thấy họ đang nỗ lực chinh phục thị trường có tiềm lực lớn về TMĐT như Việt Nam. Họ cũng mang lại cơ hội về nguồn hàng giá rẻ, vận chuyển nhanh cho các thương nhân đang kinh doanh sản phẩm Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, việc họ xây hàng loạt kho ngoại quan sát biên giới Việt - Trung sẽ gây ra áp lực rất lớn cho hàng Việt, nhà bán hàng Việt, đặc biệt là nhà bán nhỏ lẻ và tư duy thời vụ.
Thực tế với quy mô và đầu tư lớn như Trung Quốc cùng hệ thống logistics vô cùng phát triển thì những nhà bán hàng nhỏ lẻ của Việt Nam sẽ ít có cơ hội sống sót nếu kinh doanh cùng sản phẩm của họ, chưa nói đến là lấy nguồn hàng từ họ, hay các sản phẩm có mức cạnh tranh tương đương với họ. Chưa kể nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ trở thành bãi đáp hàng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng các tổng kho sát biên giới Việt Nam, nhìn một khía cạnh nào đó cũng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trong nước để tự hoàn thiện chính mình trong cuộc đua giao vận.
Giúp người Việt đẩy mạnh bán hàng sang Trung Quốc
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: Nhà kinh doanh Việt Nam có thể livestream để bán hàng sang Trung Quốc thay vì chỉ dựa vào các phương thức truyền thống như hiện nay.
“Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tính toán thí điểm thuê các kho ngoại quan tại các địa điểm nằm sâu trong nội địa Trung Quốc. Từ đó đưa sản phẩm hàng Việt sang tập kết tại kho này, trước hết là với nông sản chế biến từ yến, trái cây, rau củ quả, cà phê... và livestream bán ngay tại Trung Quốc. Sau mỗi phiên livestream, sản phẩm của Việt Nam sẽ đến người dùng Trung Quốc từ một đến hai ngày” - ông Tiến cho hay.
Việt Nam cũng có nhiều lợi thế
. Theo ông, các nhà bán hàng Việt nên làm gì trước bối cảnh Trung Quốc xây hàng loạt kho hàng dọc biên giới?
+ Nếu như các nhà bán hàng Việt Nam lẫn các công ty cung ứng dịch vụ TMĐT chỉ biết than vãn mà không cải tiến dịch vụ, chất lượng sản phẩm thì sẽ tự làm mất lợi thế cạnh tranh về cả giá và hậu cần - logistics.
Thực tế các công ty trong nước đang sở hữu nhiều lợi thế như có được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, hiểu người dùng trong nước. Dù vậy nhiều nhà sản xuất, nhà bán hàng Việt lại đang rất hời hợt, chỉ muốn bán nhanh, bán rẻ nhờ vào nguồn hàng từ… nước bạn. Trong khi đó, chúng ta phải nhìn nhận rằng có rất nhiều công ty trong nước tự sản xuất và đẩy mạnh nguồn hàng Việt vẫn đang sống tốt trong nhiều năm qua.
Do đó, muốn sống sót trước làn sóng hàng Trung Quốc, nên và rất nên từ bỏ tư duy làm ăn nhỏ lẻ, thời vụ và phải có kế hoạch đầu tư bài bản, có tính riêng biệt. Cùng với đó đẩy mạnh hệ thống logistics thì chắc chắn hàng Việt vẫn sẽ có chỗ đứng, thậm chí mang nhiều lợi thế hơn so với nhập khẩu, kể cả nhập từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, muốn tồn tại thì kinh doanh online tại Việt Nam cần giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nghĩa là việc truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng để không bị lẫn lộn xuất xứ hàng hóa. Việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp cho các công ty Việt có thể chủ động nguồn hàng, không bị phụ thuộc giá cả.
. Nhiều ý kiến cho rằng các công ty Việt có thể xây dựng các kho, hệ thống logistics sát biên giới để cung cấp hàng hóa cho thị trường Trung Quốc được tốt hơn. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?
+ Thực tế hiện nay không thiếu các mặt hàng Trung Quốc giả danh là hàng Việt Nam, tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh và làm mất lợi thế sản xuất trong nước. Cùng với đó, một số đối tác bán hàng nước bạn chơi các bài “điều chỉnh giá thị trường” khi nhà bán hàng Việt bị lệ thuộc nguồn hàng từ họ. Tức họ chơi chiến thuật, cung cấp các sản phẩm giá rẻ, cực rẻ để buộc các nhà bán hàng Việt không trụ nổi và phải từ bỏ thị trường, sau khi đạt được mục đích thì họ sẽ tăng giá trở lại.
Trong một cuộc chơi bình đẳng, sản phẩm Việt có rất nhiều lợi thế về việc am hiểu địa phương lẫn người Việt ủng hộ, nên nếu có nỗ lực phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, đơn cử như sản phẩm OCOP Việt thì sân chơi này sẽ chia đều cơ hội. Hiện nay, các ngành hàng nông sản nước ta đang xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều, trong đó sầu riêng là mặt hàng đang gây sức hút lớn. Nhìn hai mặt thì công ty Trung Quốc cũng đang lo lắng sự cạnh tranh của hàng Việt.
Vì vậy, tôi cũng cho rằng các công ty Việt hoặc Nhà nước có thể xem xét việc xây dựng các kho, hệ thống logistics sát biên giới để cung cấp hàng hóa cho thị trường Trung Quốc được tốt hơn. Trong đó phát triển hơn nữa các sản phẩm nông sản sau chế biến hoặc các sản phẩm mang tính đặc trưng thế mạnh của Việt Nam.
Về nguyên tắc cái gì thế mạnh của họ thì chúng ta không nên lao đầu vào mà tìm thế mạnh của mình để phát triển. Và hơn hết chúng ta nên xác định kinh doanh một cách bền vững.
. Xin cảm ơn ông.•
Công ty Việt phải thay đổi cách bán hàng
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét hàng tiêu dùng Trung Quốc đang tăng lượng bán xuyên biên giới, báo hiệu sự cạnh tranh đầy khốc liệt với hàng Việt. Cụ thể, về chất lượng hàng Trung Quốc đều hơn, về mẫu mã hàng Trung Quốc đa dạng hơn hàng Việt. Điều đáng lo là hàng Trung Quốc có giá rẻ.
“Tôi có người bạn đặt mua ba lô trên một sàn TMĐT thì thấy so với thương hiệu Việt Nam cùng loại thời gian giao hàng tương tự nhau, khoảng 4-5 ngày. Tuy nhiên, giá ba lô thương hiệu Việt 300.000 đồng trong khi giá hàng Trung Quốc 95.000 đồng, chưa kể họ vận chuyển nhanh, có thể miễn phí vận chuyển” - bà dẫn chứng.
Bà cũng cho hay việc Trung Quốc xây nhiều kho hàng cho thấy từ lâu họ đã chuẩn bị đưa hàng tiến sâu vào các chợ truyền thống, rút ngắn khoảng cách địa lý để cạnh tranh. Vì vậy, hơn lúc nào hết các công ty Việt Nam ngoài việc duy trì chất lượng tốt, cần tính toán lại chiến lược, mô hình kinh doanh.
Đồng thời, các công ty Việt Nam cần quan tâm hơn việc tiếp thị, bán hàng bằng các công cụ và công nghệ mới khi người tiêu dùng sử dụng các nền tảng mạng xã hội ngày càng nhiều.
THU HÀ