Những khó khăn về đội ngũ trong năm học mới
Căn cứ theo quy định của Bộ GD&ĐT, với quy mô trường lớp hiện tại, năm học 2022-2023, Hà N am vẫn còn thiếu tới 1.839 giáo viên.
Căn cứ theo quy định của Bộ GD&ĐT, với quy mô trường lớp hiện tại, năm học 2022-2023, Hà N am vẫn còn thiếu tới 1.839 giáo viên.
Số liệu tổng hợp của Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, đến tháng 8/2022, toàn ngành có 10.349 giáo viên, trong đó 3.449 giáo viên mầm non, 3.125 giáo viên tiểu học, 2.527 giáo viên THCS và 1.248 giáo viên THPT.
Mặc dù trình độ được đào tạo của giáo viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng quy định về chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; cơ cấu giáo viên theo môn từng bước được điều chỉnh, cơ bản khắc phục được tình trạng môn thừa, môn thiếu, bất hợp lý về cơ cấu giáo viên giữa các môn ở các cấp học nhưng so với định mức giáo viên/lớp và nhu cầu thực tế, hiện đội ngũ giáo viên ở các cấp học còn thiếu tương đối nhiều, nhất là ở cấp học mầm non, tiểu học.
Căn cứ theo quy định của Bộ GD&ĐT, với quy mô trường lớp hiện tại, năm học 2022-2023, toàn tỉnh vẫn còn thiếu tới 1.839 giáo viên.
Cô và trò Trường Tiểu học A Thanh Sơn (Kim Bảng) đón chào năm học mới. Ảnh: Khang Ninh
Về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Hùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT) cho biết: Ngay từ đầu năm học, trên cơ sở rà soát thực tế, ngành đã có những đánh giá cụ thể về thực trạng đội ngũ giáo viên các cấp học trên địa bàn. Vấn đề thiếu giáo viên như hiện nay, nguyên nhân chủ yếu là do biên chế được giao thấp hơn so với nhu cầu theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, Hà Nam là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, dân số cơ học tại một số địa phương tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm học 2022-2023, số học sinh các cấp học trên địa bàn tăng trên 3.000 học sinh, tăng 108 lớp so với năm học trước. Cấp mầm non và cấp tiểu học vẫn là những cấp học gặp rất nhiều khó khăn hơn cả do thiếu giáo viên.
Là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự gia tăng dân số cơ học, số học sinh các cấp học tăng cao qua từng năm học nên ngành giáo dục và nhiều trường học trên địa bàn TP Phủ Lý rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2022 - 2023, tuy số trẻ trong độ tuổi được huy động ra lớp tăng nhưng các cơ sở giáo dục mầm non vẫn phải duy trì số lượng nhóm, lớp như năm học trước vì không có đủ giáo viên đứng lớp theo quy định. Tỉ lệ giáo viên/lớp toàn cấp mới đạt 1,88 (quy định là 2,5 giáo viên/nhóm nhà trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo).
Ở cấp tiểu học, trong năm học này số học sinh tăng 156 học sinh nhưng do thiếu giáo viên (tỉ lệ giáo viên/lớp đạt 1,34 trong khi quy định là 1,5 giáo viên/lớp) nên phải thực hiện giảm lớp, dồn lớp, đẩy tỉ lệ học sinh/lớp cao hơn những năm học trước (từ 40-45 học sinh/lớp, thậm chí có khối lên tới 47 học sinh/lớp).
Cấp THCS tuy gặp ít khó khăn hơn về thiếu giáo viên nhưng với số học sinh tăng tới 522 học sinh, số lớp tăng 6 lớp và tỉ lệ giáo viên/lớp hiện đạt mức 1,72 (quy định 1,9 giáo viên/lớp) vẫn buộc ngành giáo dục và các nhà trường phải linh hoạt trong bố trí, sắp xếp và cân đối đội ngũ.
Trong khi quy mô trường lớp ngày càng tăng, nhu cầu phát triển giáo dục ngày càng cao nhưng số chỉ tiêu biên chế được giao cho ngành lại đang có sự bất hợp lý. Tổng giáo viên 3 cấp học hiện có của thành phố là 1.537 người, so với chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao, cấp mầm non cần được bổ sung thêm 3 giáo viên, cấp tiểu học cần bổ sung 10 giáo viên, cấp THCS cần bổ sung thêm 10 giáo viên nhưng nếu tính theo định mức giáo viên/lớp ở từng cấp học, thành phố còn thiếu 109 giáo viên mầm non, 96 giáo viên tiểu học và 69 giáo viên THCS.
Số chỉ tiêu biên chế được giao thấp hơn nhiều so với định mức được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và còn phải thực hiện tinh giản biên chế (chỉ tính trong 2 năm vừa qua, ngành giáo dục thành phố đã thực hiện cắt giảm tới 132 chỉ tiêu biên chế viên chức- PV). Đó là còn chưa tính đến số giáo viên tối thiểu cần có để đủ 1 giáo viên văn hóa/1 lớp và mỗi trường có 1 giáo viên dạy Tin học ở cấp tiểu học; giáo viên tối thiểu cần có để đủ giáo viên đứng lớp cấp THCS và giáo viên cần có để bù cho số giáo viên nghỉ chế độ thai sản trong năm học.
Không chỉ ở Phủ Lý mà ở hầu hết các địa phương, ngành giáo dục và các nhà trường đang phải đối diện với bài toán nan giải thiếu giáo viên. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho toàn ngành trong việc bảo đảm sự ổn định trong hoạt động trường, lớp. Hơn thế, trong việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, các nhà trường rất cần có đủ đội ngũ tối thiểu mới bảo đảm chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Phủ Lý chia sẻ: Trong khi số chỉ tiêu biên chế được giao đã được sử dụng hết, các nhà trường dù rất thiếu giáo viên nhưng không thể ký hợp đồng lao động với giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế. Hiện nay, các trường đều đề xuất phương án dồn lớp, trả tiền thêm giờ cho giáo viên, ký hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên- nghĩa là hợp đồng trả lương theo tiết đối với giáo viên nghỉ hưu, giáo viên đang công tác ở các trường trên địa bàn khác nhưng đây cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu. Bởi, việc trả tiền thêm giờ cũng khá tốn kém, thường chỉ áp dụng đối với trường hợp cho giáo viên dạy thay giáo viên nghỉ thai sản trong năm học; số tiền để trả hợp đồng thỉnh giảng khá lớn, khoảng 35- 40 triệu đồng/năm/giáo viên) trong khi kinh phí cấp cho các trường để chi thường xuyên, chi hoạt động chuyên môn thấp và ngày càng giảm, không đủ để chi trả cho hợp đồng thỉnh giảng.
Căn cứ vào nhu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên cần bổ sung, điều chỉnh; định mức quy định và hiện trạng số lớp, số học sinh hiện có, ngành giáo dục chủ động tham mưu với tỉnh và các địa phương có sự quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế phù hợp với từng cấp học, từng địa phương; có kế hoạch tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên. Như với TP Phủ Lý, ngay đầu năm học, Phòng GD&ĐT đã có văn bản đề nghị UBND thành phố xem xét bổ sung 330 biên chế, trong đó 270 biên chế giáo viên; theo chỉ tiêu biên chế được giao năm học 2022-2023, đề nghị cần bổ sung 23 người (gồm cả giáo viên và nhân viên trường học) cho 3 cấp học; đề nghị điều chỉnh một số chỉ tiêu nhân viên kế toán chưa tuyển dụng được sang chỉ tiêu giáo viên; điều chỉnh tăng, giảm một số chỉ tiêu viên chức của các cấp học. Trước mắt, trong năm học 2022-2023 đề nghị UBND thành phố cho chủ trương để các trường tiểu học và THCS được hợp đồng giáo viên thỉnh giảng; có sự hỗ trợ cấp bổ sung ngân sách cho các trường học trên địa bàn hợp đồng thỉnh giảng đối với giáo viên trong năm học…
Khi bàn về những giải pháp cho vấn đề đội ngũ hiện nay, bên cạnh sự mong muốn về cơ chế từ phía các cấp, ngành, cũng đã có những ý kiến cho rằng có nên tạo cho các cơ sở giáo dục công lập được tự chủ về đội ngũ của chính họ? Bởi theo phân tích từ các ý kiến này cho thấy, nếu được tự chủ, các nhà trường sẽ được quyền trong việc lựa chọn, tuyển dụng, sử dụng nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế; đồng thời, tự chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan tới chất lượng đội ngũ tự tuyển dụng. Đây cũng là quan điểm tích cực để các cấp, ngành nghiên cứu.
Để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục trong điều kiện đội ngũ hiện có và trong khi chờ đợi được bổ sung chỉ tiêu, tuyển dụng mới giáo viên, nhiều địa phương phải duy trì thực hiện chế độ biệt phái giáo viên; tự cân đối, điều chuyển, cử giáo viên ở những trường ít lớp, giáo viên không đủ định mức sang hỗ trợ các trường chưa có giáo viên… để có thể tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.