Những khu đô thị chưa đáng sống ở Đà Nẵng
Trái với các quy hoạch được vẽ ra trước đó, nhiều khu đô thị ở Đà Nẵng đang khiến người dân khổ sở vì phát sinh hàng loạt phiền toái
Tình trạng nhà xưởng lẫn lộn với nhà ở là thực trạng tại các khu đô thị lớn, được cho là quy hoạch bài bản ở TP Đà Nẵng. Người dân sống bên trong liên tục có ý kiến đối với cơ quan chức năng nhưng việc di dời toàn bộ các nhà xưởng là điều không dễ.
Ngỡ sống giữa khu công nghiệp!
Khu đô thị Phước Lý nằm trên địa bàn phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) là nơi có đông dân cư sinh sống. Song song với việc hình thành nhà ở thì nơi đây hàng loạt nhà xưởng cũng bắt đầu mọc lên với mật độ dày đặc. Điển hình, tại đường Lê Hiến Mai - đoạn giao với đường Quách Xân đến hồ sinh thái Phước Lý - có hàng chục nhà xưởng. Trong đó, chủ yếu gồm xưởng cơ khí, xưởng mộc, xưởng sản xuất vỏ chai nhựa và cả xưởng giặt.
Chưa hết, xưởng giặt còn bốc mùi hóa chất tẩy dùng trong công nghiệp kèm mùi nước giặt. Bụi mịn từ xưởng giặt này cũng ảnh hưởng cuộc sống người dân không kém. "Mang tiếng là khu đô thị, có quy hoạch cống ở phía sau để người dân làm cửa thoát hiểm, hóng gió nhưng từ khi xưởng giặt hoạt động đến nay, nhà tôi đóng kín cửa vì mở ra là bị bụi và mùi hóa chất xộc thẳng vào, không chịu nổi" - bà Trần Thị Mai (ngụ đường Phước Lý 5, phường Hòa Minh) bức xúc.
Còn tại đường Nguyễn Thị Cận (khu đô thị Phước Lý, phường Hòa Minh), nhiều nhà dân cũng bị tra tấn bởi xưởng cơ khí và xưởng mộc. Ông Nguyễn Văn Trọng, ngụ phường Hòa Minh, cho hay xưởng cơ khí bên cạnh nhà ông hoạt động khoảng 3 năm nay gây ảnh hưởng cuộc sống và sinh hoạt của gia đình. "Sống trong khu đô thị mà tưởng chừng đang ở giữa khu công nghiệp, phải nói là quá khổ" - ông Trọng than vãn.
Khu đô thị Yên Thế - Bắc Sơn (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cũng trong tình trạng tương tự. Đầu đường Trần Đình Nam chỉ một đoạn ngắn nhưng có đến 2 xưởng, trong đó có một xưởng may quy mô lớn, gây ồn và bụi.
Dân phản ánh là xử lý ngay (?!)
Khi nhiều người dân cho hay đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng các nhà xưởng vẫn "bình chân như vại" thì lãnh đạo các phường cho rằng xử lý ngay khi có phản ánh. Ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho biết không riêng phường Hòa Minh mà tất cả các khu dân cư trên địa bàn thành phố đều có tình trạng nhà xưởng hoạt động. Ông cho hay khi có phản ánh của người dân, phường ngay lập tức tổ chức kiểm tra thực tế. Cùng với đó, cán bộ phường hướng dẫn các chủ nhà xưởng thực hiện đúng yêu cầu về hoạt động trong khu dân cư.
Theo kiểm tra của phường này, đa phần gây ô nhiễm là xưởng sắt, xưởng mộc. "Rõ ràng hoạt động của các xưởng này sẽ ảnh hưởng đến người dân, môi trường nếu không có biện pháp che chắn, hoạt động không bảo đảm về mặt thời gian" - ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, việc cấp phép cho nhà xưởng thuộc thẩm quyền của UBND quận. Tuy nhiên, quận Liên Chiểu không tổ chức cấp phép nhà xưởng trong khu dân cư. Phần lớn các nhà xưởng trong khu dân cư là tự phát. Giấy phép của họ là giấy phép kinh doanh nhưng khi mở cơ sở, họ lại kèm hoạt động sản xuất. Khi phường kiểm tra và phát hiện có dấu hiệu sản xuất thì sẽ yêu cầu dừng.
Còn tại phường Hòa An, ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch UBND phường, cũng cho hay phường nhận nhiều ý kiến phàn nàn của người dân về các xưởng sản xuất trong khu dân cư. Trong đó ngoài xưởng cơ khí, điêu khắc còn có cả cơ sở chứa bình gas, xưởng sản xuất mắm… Ông khẳng định phường ưu tiên xử lý các phản ánh về lĩnh vực môi trường nên khi nhận được ý kiến là tổ chức kiểm tra ngay. Các nhà xưởng không đủ giấy phép, không bảo đảm yêu cầu, phường sẽ đề nghị tạm dừng hoạt động. Về xưởng may mặc quy mô lớn trên đường Trần Đình Nam, ông cho biết phường đã nhiều lần kiểm tra nhưng xưởng này có đầy đủ giấy phép (!?).
Về lâu dài, ông Đinh Hữu Phúc cho biết phường đã thống kê số lượng xưởng sản xuất trong khu dân cư. Thành phố cũng đã có chủ trương di dời những nhà xưởng này về các khu công nghiệp trên địa bàn. "Hiện quận Liên Chiểu đang làm quy hoạch khu công nghiệp ở phường Hòa Khánh Nam, tiến tới sẽ chuyển tất cả nhà xưởng vào đây" - ông Phúc thông tin. Tương tự, ông Nguyễn Kim Thành cho biết quận Cẩm Lệ cũng có quy hoạch khu công nghiệp để tập trung các nhà xưởng về một chỗ nhằm giải tỏa cho các khu đô thị.
Bị xử phạt vẫn không sợ
Tại khu đô thị Phước Lý có nhiều bãi cát nằm bên trong khu dân cư gây bức xúc vì gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông. Cụ thể, tại đường Nguyễn Bính thuộc phường Hòa An "mọc" lên bãi cát hoạt động nhiều năm nay. Dù người dân phản ánh và ông Nguyễn Kim Thành cho hay phường đã nhiều lần mời chủ bãi cát lên làm việc, ra quyết định xử phạt nhưng hiện bãi cát này vẫn tồn tại. Cuối khu đô thị Phước Lý có 2 bãi cát cũng hoạt động nhiều năm ở đường Lê Sao và gần hồ sinh thái Phước Lý, ông Đinh Hữu Phúc cho hay phường đã nắm sự việc và đã có yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư.